UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 22-CTr/TU ngày 24/8/2018 của Thành ủy Hà Nội về thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Theo đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, toàn diện với lộ trình phù hợp và quyết liệt, hiệu quả đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể từng giai đoạn (giai đoạn đến năm 2021; giai đoạn đến năm 2025; giai đoạn đến năm 2030) của Chương trình hành động số 22-CTr/TU ngày 24/8/2018 của Thành ủy Hà Nội về thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy BCH Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH).
Ảnh minh họa
Thành phố Hà Nội cũng đã đề ra các mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn đến năm 2021: Phấn đấu đạt khoảng 40% số người trong độ tuổi lao động tham gia BHXH, trong đó, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm trên 1% lực lượng lao động trong độ tuổi. Phấn đấu đạt khoảng 33% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; Khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; Tỷ lệ giao dịch điện tử đạt 100%; Thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; Giảm số giờ giao dịch giữa cơ quan BHXH với doanh nghiệp đạt mức ASEAN 4; Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 80% trở lên.
Giai đoạn đến năm 2025: Phấn đấu đạt khoảng 50% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 3% lực lượng lao động trong độ tuổi; Phấn đấu đạt khoảng 40% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; Khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội. Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 85% trở lên.
Giai đoạn đến năm 2030: Phấn đấu đạt khoảng 70% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 10% lực lượng lao động trong độ tuổi. Phấn đấu đạt khoảng 50% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; Khoảng 65% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội. Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức trên 90% trở lên.
Để đạt được mục tiêu đề ra, thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách về BHXH. Cụ thể cần đổi mới phương thức tuyên truyền, phù hợp với đặc điểm tính chất từng địa bàn, từng nhóm đối tượng… Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện tốt chính sách, pháp luật về BHXH. Đồng thời, phê phán những tổ chức, doanh nghiệp cá nhân thực hiện chưa nghiêm túc chính sách, pháp luật về BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trốn đóng, nợ đóng BHXH. Đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp, cải cách hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
UBND TP yêu cầu đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN. Theo đó, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác phát triển đơn vị, doanh nghiệp, người lao động tham gia BHXH và nông dân, lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, hướng đến mục tiêu BHXH toàn dân. Xác định Đề án phát triển đối tượng tham gia BHXH giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn Thành phố...
Thành phố yêu cầu 100% các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp tham gia BHXH, BHTN, BHYT phải thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử với các thủ tục hành chính về BHXH, nhất là các cơ quan hành chính, hành chính sự nghiệp và các doanh nghiệp có lao động dưới 10 người. Thực hiện rà soát, đề xuất cắt giảm thủ tục hành chính, phấn đấu giảm thời gian giao dịch thực hiện TTHC giữa cơ quan BHXH với các doanh nghiệp, người lao động đạt mức ASEAN 4.
Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành... cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BHXH; nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHTN…Trong đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát việc chấp hành pháp luật về BHXH; Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thậm chí xử lý hình sự các hành vi trốn đóng, nợ đọng, gian lận, trục lợi tiền BHXH; Giảm trình trạng nợ đóng BHXH để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.