Xử lý hình sự đối với trẻ vị thành niên: Nên có khung hình phạt phù hợp để tránh sự tùy tiện khi áp dụng

PV| 24/05/2017 20:58
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 24/5, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự thảo Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi), trong đó chính sách hình sự đối với trẻ em được các đại biểu quan tâm, có nhiều ý kiến đóng góp.

Phải đảm bảo tính răn đe và nhân đạo

Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 của Bộ luật.

Có ý kiến cho rằng, cách quy định liệt kê một số tội mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự như khoản 2 Điều 12 là chưa hợp lý. Do đó, cần lấy lại cách quy định chung (không liệt kê) như BLHS năm 1999 là: “Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”. Một số ý kiến khác tán thành với việc liệt kê như trên. Có ý kiến đề nghị giữ như quy định của BLHS năm 2015.

UBTVQH nhận thấy, BLHS năm 2015 có bước tiến mới trong xử lý hình sự đối với người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Những người này chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự giới hạn trong 28 tội danh đã liệt kê mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng như BLHS năm 1999. Quy định này nhằm bảo đảm tính nhân đạo trong xử lý người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 và xu hướng chung của quốc tế. Vấn đề này cũng đã được Quốc hội khóa XIII thảo luận kỹ, xin ý kiến nhân dân và cơ quan có thẩm quyền trước khi quyết định. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định của BLHS năm 2015.

Xử lý hình sự đối với trẻ vị thành niên: Nên có khung hình phạt phù hợp để tránh sự tùy tiện khi áp dụng

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật 

 Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169), đa số ý kiến đề nghị không sửa khoản 2 Điều 12 của BLHS 2015, mà giữ nguyên quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp phạm tội thuộc loại tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng về các tội này.

Một số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật do Chính phủ trình là không xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội thuộc loại tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng. Trong quá trình chỉnh lý, Ủy ban Tư pháp, Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC, Bộ GD&ĐT,… cũng cho rằng phương án quy định theo Chính phủ trình là hợp lý. Ở lứa tuổi này, nếu quy định xử lý hình sự quá rộng là sớm đưa các em vào vòng tố tụng và đây không phải là phương án tốt nhất để giáo dục các em trở thành người có ích cho xã hội.

Do còn có ý kiến khác nhau, UBTVQH xin ý kiến Quốc hội về 2 phương án. Phương án 1: Giữ như quy định của BLHS năm 2015, theo đó đối với 3 tội Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169) thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng. Phương án 2: Giữ như dự thảo Luật do Chính phủ trình, theo đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng đối với 3 tội danh nêu trên.

Cần có phương án tốt nhất

Thảo luận về nội dung trên, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) cho rằng, cả hai phương án đều có điểm chưa hợp lý. Theo ông Chính, phương án 1 chưa phù hợp với nguyên tắc xử lý và chính sách hình sự với người chưa thành niên phạm tội, đã mở rộng phạm vi chịu TNHS của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu TNHS cả với tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, ví dụ như Cố ý gây thương tích. Phương án 2 phù hợp với chính sách hình sự vì đã thu hẹp phạm vi chịu TNHS của người  từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và phù hợp với tình hình đấu tranh phòng chống tội phạm trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, phương án này cũng chưa lý giải được tại sao chọn những tội này mà không chọn tội khác, trong khi đó có những tội có tính chất, mức độ nguy hiểm cao hơn. Chẳng hạn, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu TNHS về tội Trộm cắp tài sản, nhưng không phải chịu TNHS về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; hoặc phải chịu TNHS về tội Khủng bố, nhưng không phải chịu TNHS về tội Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân. Luật cũng không qui định người  từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu TNHS về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, dễ bị người khác lợi dụng để thực hiện tội phạm, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội.

Nêu quan điểm của mình, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã đề cập đến góc độ khác và cho rằng, chính sách hình sự đối với trẻ vị thành niên hiện nay được thể hiện ở hai khía cạnh, đó là: những nguyên tắc xử lý và quy định về độ tuổi. Đối với độ tuổi trẻ em, nhiều nước trên thế giới loại trừ trách nhiệm hình sự đối với tội vô ý và có quy định trách nhiệm hình sự đối với tội cố ý nhưng chính sách hình sự của họ nằm ở nguyên tắc xử phạt. Như ở Pháp, có các nguyên tắc và chính sách hình sự đối với trẻ em mà chúng ta cần tham khảo.

Thứ nhất là việc xử lý trẻ em theo hướng tăng biện pháp giáo dục và hạn chế các biện pháp cưỡng chế và giam giữ.

Thứ hai là những vụ án liên quan đến trẻ em phải xử kín để đảm bảo các cháu không cảm thấy bị xúc phạm hay xấu hổ, ảnh hưởng đến tương lai sau này.

Thứ ba là không có quy định độ tuổi 14-16, 16-18. Độ tuổi trẻ vị thành niên do HĐXX căn cứ trên cơ sở nhận thức của các cháu đối với việc phạm tội đó và áp dụng cá biệt đối với từng trường hợp cụ thể. Trẻ 14, 15 tuổi có khi nhận thức về hành vi phạm tội còn già dặn hơn trẻ 17 tuổi. Trên thực tế, nhiều trường hơp dù ít tuổi hơn nhưng tái phạm nhiều lần, tham gia băng đảng… còn trẻ lớn tuổi hơn lại phạm tội lần đầu. Cho nên, tùy trường hợp cụ thể, HĐXX sẽ căn cứ vào thực tế hành vi phạm tội để đưa ra mức hình phạt.

Thứ tư, trong trường hợp phải áp dụng hình phạt tù thì việc áp dụng hình phạt chỉ bằng ½ khung hình phạt tương ứng, tránh sự tùy tiện khi áp dụng pháp luật.

Chánh án TANDTC cho rằng, chúng ta cũng có thể mạnh dạn áp dụng chính sách này với mức hình phạt như vậy hoặc thấp hơn, vừa thể hiện chính sách nhân đạo đối với trẻ em, vừa tránh sự tùy tiện trong áp dụng pháp luật.

Chánh án TANDTC cũng cho rằng, nhiều trường hợp, đưa ra tòa để cảnh cáo, giáo dục trẻ chứ không nhất thiết phải áp dụng hình phạt tù, cho nên việc liệt kê bao nhiêu tội danh để quy định trong BLHS cũng sẽ không đầy đủ. Vậy nên chính sách hình sự tập trung chủ yếu ở Chương 12 và đặc biệt ở Điều 91 và chúng ta cần thảo luận kỹ hơn để quy định cho phù hợp.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý hình sự đối với trẻ vị thành niên: Nên có khung hình phạt phù hợp để tránh sự tùy tiện khi áp dụng