Hiện có rất nhiều cơ quan có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ trẻ em, cũng như đấu tranh phòng chống xâm hại trẻ em, nhưng tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang diễn biến nghiêm trọng và phức tạp khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Đó là nhận định của nhiều cơ quan được đưa ra tại buổi Tọa đàm về “Việc chấp hành các quy định của pháp luật về đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em” do Ủy ban Tư pháp Quốc hội tổ chức ngày 27/3.
Nhiều trẻ bị hiếp dâm đến sinh con
Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2008- 2010, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đánh giá: tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em ở nước ta trong những năm gần đây có diễn biến phức tạp, gây bức xúc, nhức nhối trong dư luận xã hội vì bạo lực, xâm hại trẻ em không chỉ diễn ra trong cộng đồng hay tại nơi làm việc mà còn diễn ra ngay tại gia đình, nhà trường và các cơ sở chăm sóc trẻ em tập trung.
Theo báo cáo của Tổng Cục cảnh sát, Bộ Công an, năm 2016, toàn quốc phát hiện 1.641 vụ xâm hại trẻ em, gồm 1.807 đối tượng, 1.627 nạn nhân bị xâm hại, trong đó có 1.248 vụ xâm hại tình dục trẻ em, chiếm 77% tổng số vụ. Trong số vụ xâm hại trẻ em, tội giao cấu chiếm tỉ lệ cao nhất 677 vụ, hiếp dâm trẻ em 446 vụ, dâm ô 189 vụ, cưỡng dâm 9 vụ... Phần lớn đối tượng phạm tội xâm hại trẻ em là nam giới (1.756 đối tượng, chiếm tỷ lệ 97,2%), chủ yếu trên 18 tuổi, không có nghề nghiệp ổn định, đa phần là những người quen, người có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em (anh em, cha mẹ, họ hàng, hàng xóm, thầy cô giáo,...).
Nạn nhân bị xâm hại chủ yếu trẻ em gái (1.358 người, chiếm 84%), thậm chí các cháu bị thiểu năng trí tuệ cũng bị xâm hại tình dục. Phần lớn nạn nhân bị xâm hại trong độ tuổi từ 13 – 16 (1.037 người, chiếm 63,4%), còn lại dưới 6 tuổi là 120 người, trong độ tuổi 6 – 13 tuổi là 479 người. Các vụ xâm hại thường xảy ra ở các khu chung cư, tập thể, một số vùng nông thôn, sông nước,... nơi không có người trông coi, giám sát thường xuyên.
Còn theo thống kê mới nhất của Bộ LĐ-TB&XH, trong 5 năm (2012-2016), cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em, với gần 10.000 nạn nhân, trong đó số vụ bị xâm hại tình dục chiếm tới 5.300 vụ. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan cho rằng, con số này chỉ là những vụ việc được báo cáo, còn rất nhiều vụ nạn nhân bị kẻ xâm hại dọa dẫm hoặc vì lý do nào đó đã không được thống kê. Đặc biệt, gần đây qua phản ánh của báo chí cho thấy, tính chất của các vụ xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng ngày càng phức tạp, báo động về sự suy đồi đạo đức của một bộ phận người lớn.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan phát biểu tại buổi tọa đàm
Nghiêm trọng hơn là trẻ em bị xâm hại tình dục xảy ra ở nhiều độ tuổi, đặc biệt có cả những em bé tuổi mầm non; hiếp dâm tập thể, hiếp dâm rồi giết trẻ em; thầy giáo, nhân viên bảo vệ nhà trường xâm hại tình dục nhiều học sinh. Còn đối tượng bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em phần lớn là những người thân, người quen và có cả người trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em bao gồm cả cha đẻ, thầy cô giáo, xâm hại cả trẻ em nam...
Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang cũng thông tin, hàng năm, các cơ quan giám định khoảng 2.000 vụ có dấu hiệu bị xâm hại tình dục trẻ em. Trong năm 2016 và quý 1/2017, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã khám và chăm sóc cho 33 trẻ bị xâm hại tình dục, trong đó trẻ ít tuổi nhất là 4 tuổi, ngoài ra còn có 29 trẻ dưới 16 tuổi sinh con.
Còn nhiều khoảng trống trong luật
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhấn mạnh, liên quan đến việc chấp hành các qui định của pháp luật về đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có tới 9 cơ quan liên quan, gồm: Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên, Bộ Công an, VKSNDTC, TANDTC. Vì vậy đề nghị, cần làm rõ vai trò trách nhiệm của từng cơ quan, cán bộ liên quan để đánh giá xem hiệu quả công việc có tương xứng nhiệm vụ được giao không; đồng thời có những đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan cũng cho rằng, hiện nay luật pháp về bảo vệ trẻ em còn có nhiều khoảng trống. Pháp luật hình sự còn bỏ sót một số hành vi xâm hại tình dục nghiêm trọng như tàng trữ ấn phẩm khiêu dâm trẻ em, chưa quy định cụ thể các hành vi thuộc tội danh dâm ô đối với trẻ em. Pháp luật tố tụng hình sự chưa quy định thủ tục điều tra, truy tố, xét xử các vụ án bạo lực, xâm hại trẻ em; chưa chú trọng đầy đủ đặc tính dễ bị tổn thương của trẻ em; chưa quy định chi tiết về bảo mật thông tin, bí mật riêng tư cho trẻ em trong tố tụng, bảo vệ người tố giác.
Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cũng kiến nghị sửa đổi BLHS, đề nghị làm rõ khái niệm dâm ô tại điều 146 BLHS 2015 để có thể đảm bảo việc xác định tội danh này cũng như trong việc điều tra, thu thập chứng cứ. Đề nghị Bộ TT&TT chỉ đạo các cơ quan báo chí đăng tin bài liên quan đến vụ việc xâm hại tình dục trẻ em một cách khách quan, bảo đảm quyên nhân thân, bí mật cá nhân, không để ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của nạn nhân cũng như người thân của họ.
Đại diện VKSNDTC cũng thừa nhận trong giải quyết các vụ việc dâm ô đối với trẻ em còn khó khăn nhất định. Nhiều trường hợp tiếp nhận thông tin sai không kiểm tra, đối chiếu với các chứng cứ khác nên định hướng điều tra sai, cán bộ điều tra còn thụ động chưa kịp thời hoặc không đề ra yêu cầu xác minh. Trong đánh giá chứng cứ không xác định được giá trị chứng minh của chứng cứ trực tiếp và chứng cứ gián tiếp nên các tài liệu, chứng cứ thu thập trong quá trình giải quyết tố giác tin báo về tội phạm, hoặc trong trinh sát không được chuyển hóa thành chứng cứ hơp pháp dẫn đến việc đánh giá, sử dụng chứng cứ chủ quan, thiên lệch.
Theo đại diện VKSNDTC, để xử lý tội phạm xâm hại tình dục đối với trẻ em, bắt buộc phải có kết luận giám định pháp y và những chứng cứ có liên quan. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều vụ trẻ em bị xâm hại tình dục, nhưng gia đình tố cáo muộn, không biết thu giữ vật chứng cần thiết để giao nộp cho cơ quan chức năng nên việc thu thập chứng cứ gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, cũng do ám ảnh, xấu hổ nên nhiều trường hợp không tố cáo và cung cấp thông tin cho cơ quan pháp luật.
Đại diện VKSNDTC kiến nghị sửa đổi, bổ sung BLHS theo hướng quy định biện pháp điều tra đặc biệt đối với các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Có thể tham khảo cách thu thập chứng cứ của nước ngoài đối với loại tội phạm này để bảo đảm việc thu thập đầy đủ dấu vết, vật chứng làm căn cứ vững chắc cho việc xử lý chính xác, kịp thời đối với các hành vi phạm tội xâm hại tình dục đối với trẻ em; quy định ẩn danh đối với người bị hại nhằm giải tỏa tâm lý xấu hổ, sợ ảnh hưởng nặng thêm đến trẻ em bị xâm hại, không tố cáo hoặc không cung cấp chứng cứ cho cơ quan pháp luật. Trước mắt, VKSNDTC đề nghị BLHS cần quy định rõ khái niệm “dâm ô” để khắc phục vướng mắc đang tồn tại giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong xác định đối với tội Dâm ô đối với trẻ em.