Xử lý chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam còn phức tạp và lâu dài

Hà Thu| 19/03/2015 12:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay, ngày 19/3, Hội thảo tổng kết thực hiện dự án “Xử lý ô nhiễm môi trường tại các vùng ô nhiễm nặng dioxin ở Việt Nam” đã được tổ chức tại Hà Nội.

Đây là dự án do Ban chỉ đạo 33 và Chương trình phát triển liên hợp quốc (UNDP) thực hiện, được Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua UNDP.

Dự án “Xử lý ô nhiễm môi trường tại các vùng ô nhiễm nặng dioxin ở Việt Nam” được thực hiện từ năm 2010 với tổng kinh phí là hơn 5 triệu USD, bao gồm gần 5 triệu từ GEF và 76 nghìn từ Cộng hòa Séc, với mục tiêu nhằm giảm thiểu tác hại của Dioxin đối với hệ sinh thái và sức khỏe của con người tại các điểm nóng như sân bay Biên Hòa, Đà Nẵng và sân bay Phù Cát.

Xử lý chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam còn phức tạp và lâu dài

Hội nghị Tổng kết thực hiện Dự án 

Những kết quả chính của Dự án được chia sẻ tại Hội nghị là đã chôn lấp, cô lập hơn 7.500 m3 đất ô nhiễm dioxin, bằng kỹ thuật bảo đảm an toàn, theo tiêu chuẩn quốc tế tại sân bay Phù Cát tại Bình Định, đưa sân bay Phù Cát ra khỏi danh sách các điểm nóng dioxin cần xử lý ngay tại Việt Nam.

Đồng thời, Ban quản lý dự án đã phối hợp với Bộ quốc phòng và các cơ quan có liên quan, xây dựng kế hoạch tổng thể xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa.

Thông qua dự án này, ban quản lý dự án đã xây dựng các công trình ngăn chặn sự lan tạm thời trong sân bay Biên Hòa, nhằm ngăn chặn sự phát tán của dioxin ra môi trường bên ngoài sân bay.

Xử lý chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam còn phức tạp và lâu dài

Rà phá bom mìn gần sân bay Đà Nẵng

Dự án cũng đã thử nghiệm thành công, công nghệ xử lý dioxin và tổ chức nhiều hoạt động nâng cao năng lực trong nghiên cứu và lấy mẫu phân tích hàm lượng tại trong và ngoài điểm nóng.

Trong quá trình xây dựng dự án, Ban quản lý cũng đã xây dựng và đề xuất ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về ngưỡng dioxin trong môi trường và tiến hành các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về phòng chống phơi nhiễm dioxin tại các điểm nóng.

Xử lý chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam còn phức tạp và lâu dài

TS Nguyễn Thế Đồng- Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 33 phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, ông Bakhaodir Burkhanov, Phó Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam đánh giá cao công tác truyền thông của dự án và nhấn mạnh tầm quan trọng của truyền thông nhằm giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm đối với người dân.

Ông nhấn mạnh: “Công tác truyền thông trong cộng đồng nhằm thúc đẩy những tập quán hành vi an toàn cũng quan trọng không kém những nỗ lực xử lý ô nhiễm. Cung cấp thông tin chính xác và vận động, nâng cao nhận thức góp phần rất lớn lao vào nỗ lực giảm thiểu tác hại của dioxin đối với hệ sinh thái và sức khỏe của con người”.

Xử lý chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam còn phức tạp và lâu dài

Tài liệu báo cáo kết quả của Dự án

Dự án “Xử lý ô nhiễm môi trường tại các điểm nóng ô nhiễm nặng dioxin ở Việt Nam”, có giá trị liên kết và tăng hiệu quả của các hoạt động khác có liên quan đến nghiên cứu và khắc phục hậu quả chất da cam/dioxin tại Việt Nam, và hỗ trợ Văn phòng 33 trong vai trò là cơ quan đầu mối điều phối và hợp tác giữa các đơn vị trong nước và với các đối tác quốc tế như: Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ, Cộng hòa Séc, tổ chức Sida Thụy Điển, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Phát biểu tại Hội nghị, TS Nguyễn Thế Đồng, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 33, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nhận xét: “Dự án đã thực hiện tốt các mục tiêu được đặt ra, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn quan trọng đối với việc nghiên cứu và khắc phục hậu quả phức tạp và lâu dài của các chất da cam/dioxin tại Việt Nam”.

Báo cáo đánh giá cuối kỳ thực hiện bởi tư vấn quốc tế độc lập đã ghi nhận những thành quả của Dự án, các sản phẩm của Dự án đã được bàn giao cho Bộ quốc phòng, Văn phòng Ban chỉ đạo 33/Bộ tài nguyên và Môi trường, Sở tài nguyên và Môi trường Đồng Nai và một số cơ quan có liên quan để tiếp tục sửu dụng, duy trì và bảo quản theo sự phân công của Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam còn phức tạp và lâu dài