Xử lý án oan, hai chiều suy ngẫm

Tạ Duy Anh| 06/12/2013 14:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc các cơ quan thực thi pháp luật nhanh chóng thể hiện sự cầu thị trong vụ án liên quan đến ông Nguyễn Thanh Chấn là điều đáng hoan nghênh.

Nó chứng tỏ sự tiến bộ nhiều mặt của xã hội: Dân trí cao hơn, dân chủ, minh bạch hơn, quyền lực của người dân được tôn trọng hơn…Nhưng để thực thi công lý thì không thể dựa vào tình cảm cũng như muốn ngàn cách nó thể hiện một cách ồn ào. Công lý, từ trong bản chất của sứ mệnh, cần sự yên tĩnh, thăng bằng và lạnh lùng.

Trước hết phải khẳng định rằng, án oan luôn là một phần bi thương của lịch sử tư pháp thế giới. Phần nào đó có thể ví nó với việc trọng tài bắt sai trong điều khiển trận đấu! Tức là bất khả kháng. Bởi vì mọi quan toà, kể cả thông tuệ như vua Salomon, thì trước hết cũng đều là con người, với đầy đủ những hạn chế mang đặc tính chung là không bao giờ đạt đến độ hoàn hảo. Đạt đến hoàn hảo thì đã là thánh! Đó là chưa kể những yếu tố tác động từ bên ngoài làm ảnh hưởng đến quá trình xét xử. Nếu ai có điều kiện theo dõi qua chương trình Discovery, với loạt phóng sự điều tra về những vụ án để lọt tội phạm, kết án sai gây nên oan ức ở Mỹ, một quốc gia có nền tư pháp hàng đầu, với các thiết bị kỹ thuật hỗ trợ quá trình điều tra thuộc loại siêu đẳng nhất thế giới, thì sẽ thấy những vụ việc giống như vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Chắc chắn không có quốc gia nào là ngoại lệ.

Tất nhiên một nền tư pháp thông minh, dựa trên các nguyên tắc dân chủ trong điều tra, xét hỏi, tranh tụng thì án oan sai khó xảy ra hơn những nền tư pháp lạc hậu, bảo thủ và thiếu minh bạch. Điều đó không cần phải bàn cãi. Nhưng tuyệt đối chính xác thì không bao giờ có. Vì thế ở khá nhiều nước, người ta phòng xa cho việc đó bằng cách áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội trong xét xử. Giải thích ngắn gọn nhất về nguyên tắc này là khi không thể chứng minh được bị cáo có tội dựa trên các bằng chứng, hoặc chỉ chứng minh được 50 phần trăm có tội, trong khi đó lại có tới 50 % khả năng họ vô tội, thì việc tuyên án phải nghiêng về phía có lợi cho bị can. Trong đa số trường hợp, ở vào tình thế ấy, bị can được tuyên vô tội.

Như vậy là nguyên tắc suy đoán vô tội chấp nhận để lọt tội phạm (nếu có) còn hơn là kết án sai cho bị can. Việc không thể tuyệt đối tránh được án oan cũng là căn cứ để những người ủng hộ bỏ án tử hình dựa vào và càng ngày càng nhận được sự ủng hộ rộng rãi trên thế giới. Châu Âu đã bỏ loại hình phạt này. Hầu hết các bang ở Hoa Kỳ đã không áp dụng hình phạt tử hình cho dù họ không công khai tuyên bố loại bỏ, trong khi nhiều nước khác hạn chế tới mức tối đa áp dụng hình phạt cao nhất.

Trở lại với vụ án Nguyễn Thanh Chấn, trước hết phải khẳng định, nếu ông Chấn thực sự không giết người thì đây là một thảm hoạ pháp lý. Với các nguyên tắc tố tụng như chúng ta đang áp dụng, với thói quen đề cao thành tích, suy luận thay cho chứng minh, coi mọi thứ đều là nhiệm vụ chính trị, trọng dụng người không đúng năng lực, thì thảm hoạ này không dễ trút bỏ trách nhiệm cho riêng ngành toà án. Mọi thứ đã không còn nguyên dạng ngay từ khâu đầu tiên của quá trình điều tra. Tôi đồng ý với nhận định, cùng với việc trừng phạt nghiêm khắc những ai ép cung, mớm cung, dùng nhục hình với ông Nguyễn Thanh Chấn, thì bản thân ông Chấn cũng phải chịu một phần trách nhiệm khi để xảy ra oan khốc như vậy.

Nhưng chúng ta sẽ trở lại chủ đề trên vào một dịp khác. Ở bài viết này, với những gì đang diễn ra sau cuộc trở về tạm thời của ông Chấn, chúng tôi muốn luận bàn từ hai chiều của vấn đề khắc phục hậu quả vụ án và hệ luỵ mà nó có thể để lại.

Chúng ta, trong hầu hết mọi lĩnh vực, do chưa thực sự chuyên nghiệp, nên thường để bị rơi vào tình trạng thái quá hay bất cập khi đưa ra các quyết định. Vội vã kết án ông Chấn khi chứng cứ chưa thật chắc chắn là hành động thái quá. Nhưng khi khắc phục hậu quả thì lại có vẻ đang bất cập. Trước kia chưa chú ý đúng mức những cảnh báo của dư luận, bởi thái độ có phần tự tin đến mức tự phụ, thì giờ đây ai nói gì cũng nghe, với sự hoang mang của người đứng giữa ngã ba đường. Một cuộc điều tra lại vẫn còn chưa hoàn tất. “Hung thủ” cũng mới chỉ thể hiện việc phạm tội qua lời tự thú, về nguyên tắc chỉ có thể dùng làm căn cứ điều tra chứ chưa phải là bằng chứng cuối cùng. Vì thế ông Nguyễn Thanh Chấn oan thật hay không chưa thể được kết luận. Thật lòng thì tôi (và có lẽ nhiều người nữa) rất tin ông Nguyễn Thanh Chấn bị oan. Nhưng những niềm tin cá nhân hay cộng đồng thể hiện sự thương xót, chia sẻ với ông Chấn, dựa trên các thông tin báo chí, tuy là chính đáng nhưng không thể được sử dụng như một lợi thế với ông Chấn khi đưa ra kết luận pháp lý. Tương tự như vậy, không thể chiều theo lòng căm thù ngùn ngụt của đám đông nếu tới đây sẽ xét xử bị can Lý Nguyễn Chung. Thế mà có vẻ điều đó đang không chỉ chi phối dư luận, mà còn chi phối cả chính những người thừa hành công vụ. Điều này vô cùng nguy hiểm.

Nói thẳng ra là mọi thứ chúng ta đang làm rất cảm tính, với mục đích giải tỏa áp lực của dư luận, thỏa mãn cơn bức xúc của đám đông, hơn là truy tìm công lý một cách khách quan, khoa học và công bằng. Không cẩn thận từ sai lầm này, do hấp tấp, thiếu bình tĩnh, chúng ta sẽ phạm phải sai lầm khác khó gỡ hơn. Tại sao không chờ đến khi phiên tòa tái thẩm kết thúc, có kết luận pháp lý chắc chắn minh oan thực sự cho ông Chấn, hãy đưa ra những quyết định liên quan khác?

Tuy vậy chúng tôi vẫn đánh giá cao thái độ thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm của người đứng đầu ngành Toà án. Được biết tới đây sẽ có một cuộc tổng rà soát lại toàn bộ những vụ xét xử có mức án tử hình, chung thân, hoặc những vụ án đã tuyên nhưng có đơn kêu oan. Chúng tôi hoan nghênh việc làm này. Chúng tôi tin là các ngành chức năng có thời gian và nhân lực để thể hiện điều đó một cách có trách nhiệm cao nhất. Nhưng chúng tôi cũng lại tin rằng, không cẩn thận, do bị áp lực, sẽ xảy ra sự rối loạn không thể kiểm soát theo hướng ngược lại, nghĩa là xuất hiện tình trạng mọi vụ án đã xử, dù to hay nhỏ, cũng thuộc diện “có nghi vấn”. Nếu để tình trạng đó xảy ra thì thiện ý giảm án oan sai chưa chắc đã có hiệu quả bởi mọi năng lực bị phân tán, trong khi thông tin thì bị nhiễu loạn.

Chấp nhận để lọt tội phạm trong trường hợp bất khả kháng như đã trình bày, không hề giống với việc dễ dàng bỏ lọt tội phạm một cách vô nguyên tắc và tràn lan chỉ vì muốn chứng tỏ sự cầu thị! Việc kết án sai biến người vô tội thành người có tội, chắc chắn là thảm họa. Nhưng trong trường hợp ngược lại thì thảm họa cũng không hề kém. Chúng ta đau lòng, xấu hổ và thương xót khi một công dân lương thiện bị tù oan tới 10 năm và chỉ thoát chết nhờ may mắn. Nhưng sẽ thế nào nếu một kẻ giết người, phạm tội tày trời lại không bị trừng phạt, nhởn nhơ đi lại suốt 10 năm, thậm chí có thể tiếp tục gây ra các vụ trọng án khác?

Cả hai tình huống này, với hậu quả của nó, cần phải được coi trọng trong công tác xét xử, trong việc tỉnh táo và khách quan khi tiếp nhận dư luận. Vì thế nó cần cả lòng chân thành, sự minh bạch, nguyên tắc thượng tôn sự thật và bản lĩnh nghề nghiệp. Một trái tim lương thiện thường nồng ấm, nóng bỏng, dễ xúc động, thậm chí có thể cho phép chút lầm lẫn. Nhưng một cái đầu lương thiện thì hoàn toàn ngược lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý án oan, hai chiều suy ngẫm