Theo thông lệ, cứ qua cái Tết âm lịch là xứ Lạng lại bước vào mùa của lễ hội. Điều đặc biệt là mỗi lễ hội đều có ý nghĩa văn hóa khác nhau, vì chúng tượng trưng cho một sự tích, giai thoại hay quan niệm, cho nên sự đặc sắc cũng mang theo linh hồn của từng vùng.
Sau thời gian tạm dừng do ảnh hưởng dịch COVID-19, trong dịp Xuân Quý Mão 2023, các lễ hội trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn bắt đầu được tổ chức trở lại.
Theo thông tin mà PV tìm hiểu, mỗi năm ở Lạng Sơn có khoảng gần 300 lễ hội lớn nhỏ khác nhau được tổ chức và trải dài khắp mùa xuân. Trong đó, có khoảng 80 – 90% lễ hội mang tính chất cầu cho mưa thuận, gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, cuộc sống no ấm và hạnh phúc, viên mãn hơn.
Lễ hội là nơi diễn ra nhiều hoạt động hấp dẫn từ dân ca, dân vũ, cho tới các trò chơi dân gian đặc sắc của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Lễ hội Đền Mẫu Đồng Đăng
Đền Mẫu Đồng Đăng là cách gọi phổ biến của nhân dân địa phương, nhưng do trong đền còn có thờ cả tượng phật nên đền có tên gọi là “Đồng Đăng Linh Tự”, hoặc theo tấm đại tự treo trên cửa chính điện bản đền, đền còn có tên gọi nữa là “Quan Âm Linh Tự” tức Chùa Quan Âm.
Toàn cảnh Chùa Tân Thanh, ngày 30/8/2022 UBND tỉnh Lạng Sơn ra Quyết định số 1418/QĐ-UBND về việc công nhận Chùa Tân Thanh là điểm du lịch của tỉnh.
Lễ hội được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm tại đền Mẫu Đồng Đăng (Thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn).
Lễ hội diễn ra với các hoạt động tôn giáo - tín ngưỡng với tính chất cầu mong sự may mắn, an bình, thịnh vượng. Bên cạnh đó, còn có nhiều trò chơi, trò diễn dân gian như múa sư tử, võ dân tộc, thi đấu các môn thể thao truyền thống...
Vào những ngày hội, du khách từ khắp nơi trong và ngoài nước (đặc biệt là khách Trung Quốc) cùng đến đền Mẫu Đồng Đăng dự lễ và tham gia các hoạt động văn hóa truyền thống được tổ chức tại đây, đồng thời thưởng thức những món ăn đặc sản nổi tiếng của địa phương.
Lễ hội là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa, nghệ thuật, tín ngưỡng đặc sắc đã trở thành một điểm đến lý tưởng của du khách trong hành trình du lịch nơi cửa ngõ phía bắc nước ta.
Theo tài liệu lịch sử để lại, trước kia Đền Mẫu Đồng Đăng vốn được thờ phụng tại một mái đá sát chân núi đá "Núi Ông Voi" (Cách vị trí đền ngày nay khoảng hơn 300m về phía Đông Bắc) hiện tại ở vị trí này còn có một bia đá Ma Nhai (được trạm khắc vào tháng sáu năm Kỷ Tỵ, triều Gia Long thứ 8 (1809).
Qua nội dung bia này cho thấy đây vốn là một di tích thờ Mẫu Thiên Cửu Trùng (Theo nhân dân trong vùng kể lại, đây là do bà Bang Dụ – một phụ nữ ở địa phương nhân một lần mơ thấy Thánh Mẫu hiện về, sau đó đứng ra xây dựng lên đền này).
Trong dân gian truyền tai nhau rằng, khi đến với đền Mẫu Đồng Đăng bạn dâng hương, cầu nguyện với tấm lòng thành kính của mình, bạn sẽ được bề trên nghe thấu, phù hộ độ trì. Đồng thời, trong tâm khảm mỗi người sẽ tìm thấy hi vọng, hướng tới để cuộc sống viên mãn.
Lễ hội Đền Kỳ Cùng – Tả Phủ
Đây là Lễ hội truyền thống giữa hai đền Kỳ Cùng và Tả Phủ được tổ chức mỗi năm một lần, diễn ra trong 6 ngày ( từ 22 đến 27 tháng giêng âm lịch), đã trở thành đời sống văn hóa quan trọng của cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Hoa...trên địa bàn TP. Lạng Sơn.
Nghi lễ rước kiệu tại Lễ hội Đền Kỳ cùng – Tả phủ
Lễ hội Kỳ Cùng – Tả phủ là sự gắn kết về các nghi thức tế lễ, rước kiệu và các trò chơi, diễn xướng dân gian đặc sắc của nhân dân các dân tộc thành phố Lạng Sơn. Đồng thời cũng là dịp để người dân tỏ lòng ngưỡng mộ, biết ơn công đức của Quan lớn Tuần tranh và phó tướng Thân Công Tài là những người có công dẹp giặc, giữ gìn sự bình yên cho nhân dân, là người có công trong việc mở mang phố chợ Kỳ Lừa, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc Lạng Sơn.
Theo truyền thuyết, đền Kỳ Cùng (phường Vĩnh Trại) thờ quan lớn Tuần Tranh thuộc nhà Trần, do oan khuất nên ông nhảy xuống sông Kỳ Cùng tự vẫn. Sau này, Tả đô đốc Hán quận công Thân Công Tài được nhà Lê cử lên Lạng Sơn đã minh oan cho cái chết của ông Tuần Tranh, sau khi ông mất người dân lập đền Tả Phủ (phường Hoàng Văn Thụ) để thờ cúng.
Cảm kích trước công ơn của ông Thân Công Tài, ngày 22 tháng Giêng hàng năm, vào đúng Ngọ người dân địa phương mở hội rước bát hương ông Tuần Tranh từ đền Kỳ Cùng lên đền Tả Phủ tạ nghĩa.
Ngày 27 sẽ rước kiệu quay ngược lại, đặc biệt ngày 27 diễn ra lễ cướp đầu pháo, theo quan niệm dân gian ai cướp được đầu pháo năm ấy sẽ gặp may mắn tài lộc.
Lễ hội Đền Kỳ Cùng – Tả Phủ đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia theo Quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL ngày 8 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Lễ hội Chùa Tam Thanh
Lễ hội chùa Tam Thanh được tổ chức hàng năm vào ngày 15 tháng giêng hàng năm, tại phường Tam Thanh, TP. Lạng Sơn, với nhiều nghi lễ truyền thống đặc sắc của nhân dân các dân tộc Lạng Sơn như: tế lễ, cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Phần hội với nhiều trò diễn xướng dân gian và trò chơi như hát sli, hát lượn, múa sư tử, ném còn, đánh cờ người...
Lễ hội tại Chùa Tam Thanh
Nét đặc sắc trong lễ hội chùa Tam Thanh là lễ rước kiệu và bài vị danh nhân Ngô Thì Sĩ từ chùa Tam Giáo (động Nhị Thanh) sang chùa Tam Thanh (động Tam Thanh) buổi sáng và rước ngược lại vào buổi chiều.
Đoàn rước đi qua một số đường phố chính của thành phố: Nhị Thanh, Trần Đăng Ninh, Tam Thanh, Tô Thị và Lê Hồng Phong. Tại các dãy phố đoàn rước đi qua, bà con nhân dân hai bên đường sắm sửa lễ rất trang trọng để nghênh đón, niềm vui được nhân lên khi các đội múa sư tử và rồng ghé vào múa mừng chúc Tết, chúc Xuân mới cho các gia đình.
Đoàn rước đi đến đâu được mọi người hò reo, cổ vũ đón chào đến đó. Lễ rước kiệu và bài vị Đốc Trấn Ngô Thì Sĩ từ chùa Tam Giáo sang chùa Tam Thanh dự hội có ý nghĩa to lớn, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa, niềm tự hào về các bậc tiền nhân, anh hùng có công với dân, với nước một cách sâu sắc.
Ngoài ra, di tích chùa Tam Thanh là một điểm tham quan thu hút khách du lịch thập phương bằng vẻ đẹp tự nhiên kỳ thú với hang động đẹp, có nhiều nhũ đá và hình thù độc đáo.
Ngoài sự nổi tiếng về giá trị danh thắng, chùa Tam Thanh còn nổi tiếng bởi những giá trị văn hoá nghệ thuật ẩn chứa trong di tích. Đó là hệ thống các văn bia khá phong phú mang giá trị về mặt sử liệu và văn học nghệ thuật.
Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh đều lựa chọn những lễ hội tiêu biểu để tổ chức tạo điểm nhấn như: huyện Tràng Định có lễ hội Bủng Kham; huyện Bắc Sơn là lễ hội lồng tồng, lễ hội Ná Nhèm (mặt nhọ), xã Trấn Yên; huyện Lộc Bình có lễ hội Háng Đắp (lễ hội cuối tháng giêng)…
Do đó, lễ hội Lạng Sơn tạo thành một chuỗi sự kiện để du khách lựa chọn. Trong số các lễ hội tại các huyện, đáng chú ý, có lễ hội Ná Nhèm (mặt nhọ), xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn được tổ chức vào ngày 15 tháng giêng là một lễ hội đậm chất dân gian, giàu bản sắc văn hóa, đã gián đoạn hơn 50 năm nay, mới được khôi phục, tổ chức lại.
Đến với Xứ Lạng vào mùa Xuân, ở khắp các bản làng đều náo nức vui đùa bên ngày hội, giờ đây, các lễ hội đã vượt ra khỏi tính chất, quy mô cộng đồng của riêng địa phương để trở thành một điểm đến hấp dẫn cho du khách. Mỗi lễ hội đều mang một bản sắc riêng của di sản văn hóa Việt Nam.