Bén duyên với ngôi trường Học viện Tài chính thông qua lời động viên của một người bạn, thế nhưng tuổi trẻ, thanh xuân và nay mái tóc đã ngã màu vị PGS. Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Trọng Cơ – Giám đốc Học viện Tài Chính vẫn ngày đêm miệt mài cống hiến, tiếp lửa cho bao thế hệ sinh viên.
Xông đất năm mới 2021 Nhà giáo Nhân dân Việt Nam, Phóng viên Báo Công lý đã có cuộc phỏng vấn sâu về PGS. Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện Tài chính - một trong những người được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân năm 2020.
PV: PGS có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân?
Khi được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, bản thân tôi rất thấy đó là một vinh dự, tự hào. Danh hiệu, đó thể hiện sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những nỗ lực đóng góp của không chỉ bản thân tôi mà của tập thể các thế hệ nhà giáo, sinh viên, cán bộ học viện nhiều năm qua.
Đồng thời, riêng đối với bản thân mình, tôi nhận rõ được trách nhiệm nâng hơn để xứng đáng với danh hiệu này. Phải làm sao để duy trì, lan tỏa tác động tích cực phong trào thi đua giảng dạy, nghiên cứu khoa học trong giảng viên, nghiên cứu viên và sinh viên toàn Học viện.
Người ta thường nói, vinh dự càng cao thì trách nhiệm càng lớn. Bởi vậy, khi ở cương vị mới này tôi càng thấy rõ được trách nhiệm của bản thân mình hơn đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo của Học viện Tài chính cũng như sự nghiệp giáo dục đào tạo của nước nhà
PV: Hiện nay, phong trào nghiên cứu khoa học đang được đẩy mạnh trong các trường đại học, học viện. Vậy theo PGS việc nghiên cứu khoa học trong ngành Tài chính đòi hỏi như thế nào?
Nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nào cũng đều phải có sự đam mê, sáng tạo. Tuy nhiên đối với ngành Tài chính có những đặc thù khác biệt so với những ngành khác. Ngoài sự đam mê, kiên trì còn phải sự cẩn thận, quan sát diễn biến kinh tế thế giới, trong nước từ đó nhận diện phát hiện ra được vấn đề thực tiễn cuộc sống đặt ra cho ngành Tài chính và tìm cách giải quyết những vấn đề đó.
Trong Khoa học Cơ bản nó là sự phát triển lên dần, còn Khoa học Kinh tế không chỉ là sự phát triển lên dần mà còn phải phù hợp với thực tiễn cuộc sống kinh tế chính trị xã hội của một quốc gia, một khu vực trên thế giới. Bởi vậy, người nghiên cứu về kinh tế phải có tầm nhìn dài hạn, đánh giá tổng quan mọi mặt để đưa ra được chiến lược đúng đắn, hiệu quả.
Tôi thường chia sẻ với sinh viên của mình, muốn phát triển bền vững, làm giàu cho bản thân, gia đình cần phải biết cách phát hiện, nhận diện các vấn đề cuộc sống đặt ra để giải quyết. Để có được điều đó, các em phải nắm chắc kiến thức cơ bản, rèn luyện và nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học thì nó mới bền vững, mới lâu dài.
PV: Theo PGS khi đánh giá vị thế của một trường đại học người ta dựa vào những yếu tố nào?
Thực tế hiện nay, khi đánh giá vị thế của một trường đại học người ta thường dựa vào nhiều tiêu chí trong đó có sự thành đạt của các sinh viên sau tốt nghiệp và sự thành đạt của các cựu sinh viên có trọng số lớn trong đánh giá thương hiệu. Ví dụ: Học viện Tài chính những năm gần đây số cựu sinh viên thành đạt trong lĩnh vực chính trị, kinh tế xã hội rất nhiều. Trong Đại hội Đảng XIII, cựu sinh viên của Học viện Tài chính đã có 15 cựu sinh được bầu vào Ban chấp hành đó cũng là một trong những thành công và sự tự hào của học viện.
Hay như năm vừa rồi, học viện chúng tôi có khảo sát thực tế việc làm của sinh viên, theo đó có đến hơn 98% sinh viên ra trường trong một năm có việc làm. Đặc biệt, trong năm 2020, khi khảo sát số sinh viên về nhận bằng thì 90% sinh viên đã có việc làm. Như vậy, sinh viên của chúng tôi chưa nhận bằng tốt nghiệp đã có đến 90% có việc làm. Dẫu năm 2020, dịch bệnh covid-19 làm giảm việc làm, nhưng sinh viên của chúng tôi vẫn có việc làm đạt đến 90%, đó là một thành quả ghi nhận đáng kể, được các đơn vị sử dung lao động tin tưởng, xã hội đánh giá cao
Để có được như vậy thầy và trò của học viện đã nỗ lực rất là nhiều. Đặc biệt, nhà trường luôn luôn cố gắng tạo dựng môi trường đào tạo tốt nhất, phù hợp với thực tế trong giai đoạn cuộc cách mạng 4.0 cho giảng viên, sinh viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu và nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
PV: Theo nhiều người nói, học tài chính rất khô khan, vậy PGS làm thế nào để truyền cảm hứng cho sinh viên?
Lúc đầu, khi mới vào trường, tôi cũng nghe nói nghề tài chính là nghề này gắn với những con số kế toán thì nó khô khan. Tuy nhiên, khi vào học được các thầy dạy, truyền cảm hứng tôi cảm nhận không phải vậy.
Càng học, tôi hiểu thêm sự kỳ diệu của các con số, nó không hề khô khan, giúp cho con người ta biết được nhiều thứ. Các con số giống như cuộc đời của một con người đa dạng và phong phú. Ai yêu nó sẽ cho biết nhiều điều. Ai quý nó nó sẽ cho thấy nhiều thứ. Càng yêu càng yêu quý sẽ cho mình thấy được nhiều thứ kỳ điệu trong con số.
Và thực tế những con số kế toán các nhà phân tích tài chính rất yêu. Bởi những con đó cho những nhà phân tích chuyên nghiệp thấy được sự phát triển của một doanh nghiệp, sự phát triển nền kinh tế của một quốc gia, khu vực hay sự phát triển trên thế giới.
Bởi vậy, tôi luôn nói với sinh viên hãy học hết mình, hãy yêu chính những con số đó, các em sẽ thấy được sự kỳ diệu, hấp dẫn và không khô khan tí nào.
PV: Cơ duyên nào đưa PGS gắn bó với ngành tài chính?
Như cha ông nói, nghề chọn người, chứ người không chọn nghề. Bởi vậy, trong một lần học lớp 10 mình được tiếp xúc với một tờ báo toán học. Lúc bây giờ mình mới có cơ hội tiếp xúc với bất đẳng thức Bunhiacopxki và mình đã đam mê nó từ lúc nào không hay, rồi mình mơ ước có thể được tiếp xúc với nhiều cái mới, cái hay như vậy.
Nhưng mình sinh ra ở quê, rất khó có thể mua những tờ báo có kiến thức hay như thế này. Từ đó, mình nãy ra suy nghĩ sẽ học một ngành kỹ thuật để có thể sống ở thành phố và cơ hội tiếp xúc với các kiến thức mới, hay sẽ không khó khăn như bây giờ.
Thế nhưng, khi làm hồ sơ thi đại học có anh bạn thân của mình rủ thi vào ngành tài chính. Rồi đến khi vào học, tôi lại học chuyên ngành kế toán công nghiệp lúc đó thấy rằng những con số kế toán, kiến thức về tài chính giúp con người ta năng động, biết quan sát sự vận động của nền kinh tế. Và nó cho biết nhiều thứ nữa càng về sau càng làm cho mình mê và ham học.
Sau khi tốt nghiệp, tôi bất ngờ khi nhận được quyết định ở lại trường giảng dạy và tiếp tục theo đuổi đam mê nghiên cứu các con số kế toán. Cơ duyên nó chỉ tình cơ như vậy. Nên mình nghĩ, nghề chọn người và mình luôn cố gắng sống, làm việc và cống hiến với cái nghề đã chọn mình!
Xin cảm ơn PGS đã chia sẻ. Chúc PGS và gia đình một năm mới mạnh khỏe và hạnh phúc!