Trong giờ khắc đón mừng Xuân mới Bính Thân 2016, phóng viên Báo Công lý đã “xông đất” một số Thẩm phán, lãnh đạo các Tòa án 3 cấp, Học viện Tòa án… để lắng nghe mong ước đầu năm.
Dẫu hoàn cảnh khác nhau, điều kiện công tác khác nhau nhưng tất cả các vị chủ nhà đều chia sẻ chung một mong ước là năm mới hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.
Thẩm phán Phạm Văn Hà, Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội: Chuyên môn, nghiệp vụ phải được đặt lên hàng đầu
Với vị trí là cơ quan xét xử, để thực hiện quyền tư pháp và bảo vệ được công lý cũng như các nhiệm vụ của hệ thống Tòa án, ngoài phẩm chất chính trị, tư cách đạo đức thì vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ phải được đặt lên hàng đầu. Các bản án khi tuyên phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, thấu tình đạt lý thì mới là bảo vệ công lý, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, phục vụ được nhiệm vụ chính trị tại địa phương chính là bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Trong công việc, bản thân Thư ký, Thẩm phán phải luôn cập nhật những quy định mới của pháp luật. Đồng thời, khi nghiên cứu các văn bản hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hay các Thông tư liên tịch cần nghiên cứu một cách toàn diện, hiểu đúng tinh thần hướng dẫn của các văn bản nêu trên.
Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức TAND năm 2014 đã xác lập vị thế quan trọng của TAND. Đây là cơ quan giữ vị trí trung tâm của hoạt động tư pháp, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Bởi thế, thẩm quyền của TAND đã được mở rộng hơn. Tuy nhiên, điều đó cũng đặt ra nhiều nhiệm vụ quan trọng, nặng nề đối với TAND các cấp trong thời gian tới, đòi hỏi mỗi cán bộ, Thẩm phán và TAND các cấp phải tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thẩm phán Nguyễn Anh Tiến, Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng: Đề cao sự đoàn kết trong đơn vị
Từ năm 2009 đến nay, năm nào đơn vị cũng được TANDTC tặng thưởng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”; năm 2009, 2011 được tặng thưởng “Cờ thi đua của TANDTC”; năm 2014 được tặng thưởng “Cờ thi đua của Chính phủ”. Ngoài ra, tất cả công chức, người lao động của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng hàng năm đều được tặng thưởng danh hiệu “Lao động tiên tiến”. Trong đó, có trên 15% công chức được tặng thưởng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, nhiều cá nhân được tặng thưởng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua TAND”. Đặc biệt, một cá nhân của đơn vị được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, một cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba,… và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Tiếp nối truyền thống, với những thành tích đạt được của tập thể và các cá nhân trên đây mà TAND cấp cao tại Đà Nẵng được tiếp quản theo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Có thể khẳng định, đó là tiền đề vững chắc để Tòa án cấp cao kế thừa, phát huy, phấn đấu trong thời gian tới. Vì lẽ đó, mặc dù đến nay đang trong quá trình hình thành, xây dựng, hoàn thiện đơn vị, song toàn thể lãnh đạo, công chức, người lao động TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã phát huy tinh thần trách nhiệm. Năm 2016, các CBCC trong cơ quan đề cao sự đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ xét xử, giải quyết các loại vụ án theo thẩm quyền, không để án tồn đọng. Đồng thời, đơn vị luôn hoàn thành tốt các mặt công tác khác theo quy định của pháp luật.
TS. Nguyễn Đức Bình, Giám đốc Học viện Tòa án: Phấn đấu là Trung tâm nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực tư pháp
Với việc thành lập Học viện Tòa án có chức năng đào tạo đại học và sau đại học, đào tạo nghề cho các chức danh Tòa án, đây là thuận lợi lớn để TANDTC chủ động về nguồn nhân lực có chất lượng cao. Hiện nay, Học viện đã tập trung mọi nguồn lực mở các lớp đào tạo nghiệp vụ xét xử dành cho Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, đào tạo Thẩm phán chuyên biệt hội nhập quốc tế; đào tạo Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính để tăng cường cho Tòa án các cấp, nhất là Tòa án cấp cao; đào tạo Thư ký cho các Tòa án địa phương. Ngoài ra, Học viện còn tổ chức bồi dưỡng định kỳ cho Thẩm phán sơ cấp; bồi dưỡng kiến thức lãnh đạo, quản lý Tòa án cấp tỉnh và quân khu; bồi dưỡng trực tiếp cho Hội thẩm nhân dân các địa phương.
Về đội ngũ giảng viên, Học viện có giảng viên cơ hữu và giảng viên kiêm chức được Chánh án TANDTC bổ nhiệm gồm các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Thạc sỹ đều là các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín và Thẩm phán giàu kinh nghiệm của TAND các cấp. Học viện Tòa án là cơ sở đào tạo đại học và sau đại học chuyên ngành Tòa án; đào tạo nghề cho các chức danh Tòa án để họ thực sự là những người “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”. Ngoài ra, Học viện cũng phấn đấu là Trung tâm nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực tư pháp có tầm cỡ trong nước và khu vực nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp cũng như hội nhập quốc tế.
TS. Phạm Minh Tuyên, Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh: Thấm nhuần lời dạy của Bác
Tôi cùng tập thể lãnh đạo TAND tỉnh luôn quán triệt tới các cán bộ, Thẩm phán Tòa án hai cấp tỉnh Bắc Ninh cần phải xác định rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của TAND là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Từ đó, chúng tôi xây dựng chuyên đề tới các cán bộ, Thẩm phán cần phải hiểu và thấm nhuần lời dạy của Bác vào tháng 2/1948 tới cán bộ Tòa án: “Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn cần phải nêu cao cái gương: Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”.
Năm mới lại bắt đầu, chúng tôi cho rằng việc sinh hoạt chuyên đề về lời dạy của Bác đã giúp cho cán bộ, Thẩm phán trong hệ thống Tòa án nói chung và Tòa án hai cấp tỉnh Bắc Ninh nói riêng luôn vững vàng và kiên định về chính trị tư tưởng và giữ gìn đạo đức của người cán bộ Tòa án.
Thẩm phán Nguyễn Hữu Trí, Chánh án TAND tỉnh Bình Phước: Mong không xảy ra những án "thảm sát"
Bình Phước với đặc thù là tỉnh có nhiều dân tộc anh em sinh sống, lại giáp biên giới Campuchia, tình hình an ninh trật tự trong năm qua khá phức tạp. Lượng án hình sự tăng nhanh, năm sau cao hơn năm trước, đặc biệt trong năm qua đã xuất hiện vụ án giết người hàng loạt đặc biệt nghiêm trọng tại huyện Chơn Thành, gây xôn xao dư luận cả nước. TAND tỉnh Bình Phước đã phối hợp rất tốt với các cơ quan tố tụng, nhanh chóng đưa vụ án ra xét xử lưu động, tuyên bản án nghiêm minh, đúng người đúng tội dành cho các bị cáo, được dư luận cả nước đồng tình; qua đó, góp phần tuyên truyền phổ biến pháp luật, phòng ngừa tội phạm, góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội. Là người giữ vai trò Thẩm phán chủ tọa, tôi mong rằng năm 2016, địa bàn tỉnh Bình Phước nói riêng và cả nước nói chung sẽ không xảy ra những vụ án “thảm sát” đau lòng, không có những vụ án gây ra các bi kịch thương tâm.
Xuân Bính Thân 2016 là mùa xuân đặc biệt với nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Luật Tổ chức Tòa án đã mở ra những nền tảng pháp lý quan trọng, kiến tạo sự phát triển của hệ thống Tòa án. Tôi kính chúc hệ thống TAND sẽ ngày càng phát triển vững mạnh, chúc đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động TAND hai cấp tỉnh Bình Phước dồi dào sức khỏe, cùng nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ xét xử trong năm nay.
Thẩm phán Nguyễn Thành Thơ, Chánh án TAND tỉnh Đồng Tháp: Tòa án xứng đáng là nơi người dân gửi trọn niềm tin
Năm qua, TAND 2 cấp tỉnh Đồng Tháp thụ lý 11.426 vụ, việc các loại án. Trong khi đó, số lượng Thẩm phán hiện có là 112 người, còn thiếu 27 Thẩm phán so với biên chế được giao. Như vậy, bình quân mỗi Thẩm phán phải giải quyết 8,5 vụ việc/tháng. Đây là một áp lực rất lớn đối với đội ngũ Thẩm phán và TAND 2 cấp trong tỉnh. Năm mới, tôi mong muốn ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân trong tỉnh được nâng lên để giảm bớt số người vi phạm pháp luật, giảm thiểu những tranh chấp phát sinh. Đồng thời, tôi cũng mong thông qua việc thi tuyển, số lượng Thẩm phán sẽ sớm được bổ sung đủ biên chế được giao, nhằm giảm bớt áp lực cho anh em trong công tác xét xử. Ngoài ra, các Thẩm phán nâng cao ý thức trách nhiệm, ra sức học tập, trau dồi kiến thức chuyên môn để ra những bản án, quyết định đúng quy định của pháp luật, phù hợp lòng dân, hạn chế tối đa lượng án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán để Tòa án xứng đáng là nơi người dân gửi chọn niềm tin.
Nhân dịp xuân Bính Thân, kính chúc mỗi đơn vị trong hệ thống Tòa án luôn đoàn kết, vui tươi, phấn khởi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Chúc CBCC TAND hai cấp trong tỉnh tiếp tục nâng cao năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, luôn mạnh khỏe để cùng hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao. Chúc gia đình mỗi đồng chí hạnh phúc và thành đạt.
Thẩm phán Đào Chiến Thắng, Chánh án TAND tỉnh Lâm Đồng: Cùng nhau vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
Năm 2015 là năm TAND tỉnh Lâm Đồng đã đạt được thành tích cao nhất trong những năm gần đây và đề nghị Hội đồng thi đua khen thưởng TANDTC xem xét tặng Cờ thi đua TAND. Với lượng án đã giải quyết trên án thụ lý là 96,9%, chất lượng giải quyết các loại án được nâng cao rõ rệt, không có án xét xử oan sai, không còn án quá hạn luật định. Toàn thể lãnh đạo, Thẩm phán, CBCC của TAND hai cấp tỉnh Lâm Đồng rất phấn khởi với những thành tích đã đạt được. Tuy nhiên, dự báo năm 2016, TAND 2 cấp tỉnh Lâm Đồng sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là những Thẩm phán có nhiều kinh nghiệm trong công tác xét xử sẽ đồng loạt về hưu.
Mặt khác, do đặc điểm của tỉnh Lâm Đồng là khoảng cách từ trung tâm tỉnh đến các huyện rất xa, đường rất khó đi, vì vậy, khi muốn điều động Thẩm phán sơ cấp của huyện tăng cường cho TAND tỉnh, thì hầu như không ai muốn đi vì xa gia đình, lại không có nhà công vụ. Thậm chí, có những trường hợp Thẩm phán sơ cấp được cử đi thi thẩm phán trung cấp nhưng cố tình thi không đạt để không bị điều động lên TAND tỉnh. Trong năm mới, mong ước có cơ chế đặc cách, cũng như chế độ phù hợp để khuyến khích tất cả các Thẩm phán, CBCC cùng nhau chung tay, góp sức vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Thẩm phán Đào Đình Hân, Chánh án TAND tỉnh Hải Dương: Đẩy mạnh công tác thi đua ngay từ đầu năm
Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo TAND tỉnh luôn nêu cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác thi đua khen thưởng để công tác này thật sự có chất lượng, hiệu quả. Đơn vị luôn xác định việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến là nhiệm vụ trọng tâm trong đổi mới phương pháp tổ chức chỉ đạo các phong trào thi đua.
Ngoài ra, các đơn vị còn đẩy mạnh việc tuyên truyền các điển hình tiên tiến để nhân rộng và làm động lực thúc đẩy phong trào thi đua ngày càng mạnh mẽ, hiệu quả. Việc bình xét thi đua được thực hiện nghiêm túc, có tiêu chí cụ thể, rõ ràng, không bình xét theo kiểu cào bằng, chia phần; đảm bảo người được khen xứng đáng là tấm gương điển hình, nổi bật, để người khác học hỏi.
“Thẩm phán mẫu mực" Nguyễn Thị Mỹ Thanh, Phó Chánh án TAND thị xã Dĩ An, Bình Dương: Gần dân, hiểu dân với mô hình tập thể "Tòa án thân thiện"
TAND thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương là đơn vị có thành tích thi đua đặc biệt xuất sắc, nhiều năm liền được tặng danh hiệu “Cờ thi đua Chính phủ” và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Là Phó Chánh án phụ trách công tác thi đua, tôi đã mạnh dạn đề xuất lãnh đạo kế hoạch xây dựng mô hình tập thể “Tòa án thân thiện” với phương châm “Gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân”. Mục đích lớn lao nhất là nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên; phát huy tinh thần và thái độ hết lòng hết sức phục vụ nhân dân; xây dựng nét đẹp văn hóa nơi công sở và tăng cường hơn nữa niềm tin của nhân dân vào hoạt động xét xử của Tòa án.
Tuy thời gian triển khai thực hiện mô hình chưa lâu nhưng qua đó đã nâng cao được ý thức của cán bộ, công chức đơn vị về việc xây dưng hình ảnh cơ quan Tòa án thân thiện, gần gũi, gắn bó và trách nhiệm với nhân dân. Trong dịp xuân mới Bính Thân 2016, tôi mong ước đơn vị sẽ làm tốt hơn nữa công tác thi đua, tiếp tục phấn đấu vì mục tiêu “Tòa án thân thiện”.
Thẩm phán Huỳnh Thị Mộng Thúy - Chánh án TAND TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp: Vai trò của phụ nữ ngày càng lớn
Trước đây, theo truyền thống phương Đông, người phụ nữ chỉ làm công việc nội trợ. Ngày nay, vai trò của người phụ nữ cũng đã dần thay đổi, được Đảng, Nhà nước quan tâm và đề cao, thể hiện rõ qua các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng. Cơ hội tham gia công việc ngoài xã hội của phụ nữ ngày càng nhiều và giữ những chức vụ cao trong hệ thống chính trị. Xu hướng hiện nay của phụ nữ là vừa đảm đương được công việc ngoài xã hội và vừa đảm trách tốt cả công việc gia đình. Lúc sinh thời, Bác Hồ cũng đã chỉ ra rằng phụ nữ không thua kém nam giới khi được tạo mọi điều kiện thuận lợi.
Để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, vai trò của phụ nữ nói chung và phụ nữ trong hệ thống Tòa án nói riêng càng nặng nề hơn, đòi hỏi chị em phải nỗ lực nhiều hơn để vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ ở cơ quan; vừa làm tròn bổn phận người con, người vợ, người mẹ tốt trong gia đình. Một điều tưởng chừng như đơn giản nhưng lại là sự phấn đấu, nỗ lực khôn cùng. Đôi khi nó đòi hỏi chị em sự hy sinh về sức khỏe, tuổi thanh xuân, sự nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, nhưng làm tròn cả hai vai trò là niềm hạnh phúc của người phụ nữ. Nhân dịp xuân mới, tôi xin chúc chị em CBCC hệ thống Tòa án luôn “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.