Xin lỗi: Nhận lỗi, đổ lỗi, có sửa lỗi?

Nhật Minh| 06/04/2016 06:24
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Xin lỗi cũng có dăm bảy đường, từ thực tâm đến chiếu lệ, cũng có khi vì áp lực số đông... Chẳng thế mà công chúng dù yêu "sao" lắm, vẫn phải ngán ngẩm sao cứ chơi bài... "nguyễn y vân" hậu xin lỗi.

“Nhân vô thập toàn”. Con người mấy ai dám tự hào mình là người hoàn hảo, chưa khi nào mắc lỗi, chưa từng làm ai đó phiền lòng. Và xin lỗi chính là một hành vi ứng xử để cứu vãn một hành động sai trái mà bản thân đã gây ra trước đó.

Xin lỗi: Nhận lỗi, đổ lỗi, có sửa lỗi?

Lời xin lỗi thật khó nói!

Chúng ta rất dễ nhận thấy lỗi người mà không thể thấy lỗi mình. Chúng ta thường có thể nói “cảm ơn” một cách dễ dàng, song lại rất khó khăn để đưa ra lời xin lỗi, dù sự thật mười mươi rằng mình đã sai. Bởi xin lỗi có nghĩa là chúng ta phải chịu trách nhiệm cho những gì mình đã làm, đã nói.

Đúng như Elton John đã từng nói: “Xin lỗi dường như là từ khó nói nhất”, nó khiến chúng ta có thể “nghẹn đắng” nơi cổ họng khi buộc phải thốt ra với một ai đó, đặc biệt với những người quan trọng.

Xin lỗi để… đổ lỗi?

Mấy ngày qua, truyền thông Việt có dịp mổ xe câu chuyện về văn hóa xin lỗi quanh bức thư của ông chủ người Nhật Bản đã 25 năm sinh sống tại Việt Nam. Công ty ông bị đổ đất chặn trước cửa, bị cắt đường ống nước, bị cúp nước… Và ông viết thư xin lỗi.

Ông xin lỗi vì đã làm ảnh hưởng thời gian của mọi người khi quan tâm đến chuyện của ông, của công ty ông. Ông xin lỗi vì sợ chuyện công ty ông sẽ làm ảnh hưởng đến tình hữu nghị Việt - Nhật. Ông xin lỗi vì… khiến mọi người mất thời gian đọc thư xin lỗi của ông.

Xin lỗi: Nhận lỗi, đổ lỗi, có sửa lỗi?

Nguyên bản bức thư bằng Tiếng Nhật của ông chủ người Nhật Bản. Ảnh: Dân Việt

Xin lỗi, nét văn hóa của người Nhật Bản không còn quá xa lạ với chúng ta. Lâu lâu, truyền hình Nhật Bản lại xuất hiện cảnh một quan chức cúi gập người xin lỗi nhân dân. Hay lãnh đạo các công ty, tập đoàn kinh doanh lớn xứ sở hoa anh đào công khai xin lỗi khi nhận được phàn nàn từ người tiêu dùng, âu cũng là chuyện bình thường.

Trong lịch sử Việt Nam, hẳn chúng ta không thể nào quên hình ảnh vô cùng xúc động của vị Cha già kính yêu của dân tộc khóc xin lỗi trước toàn dân trong cải cách ruộng đất.

Nhiều người cho rằng, xin lỗi là thừa nhận sai trái, và dường như khiến mình trở nên “thấp bé”, yếu đuối, nhu nhược… Thế nên, đôi khi dù biết mình sai, nhưng chúng ta lại cố tìm ra lý do nào đó để biện minh cho hành vi của mình. Chẳng hạn, đường cao tốc mới làm đã bị lún và nứt thì đó là do ông trời, hoa trái được mùa mà không có đầu ra là do bà con không biết tính toán, hay cử nhân, thạc sĩ nhiều mà thất nghiệp là do thiếu kỹ năng mềm v.v…

Việc đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan hay một người khác thay vì thừa nhận trách nhiệm cho sai lầm của mình trở nên phổ biến đến mức một chuyên gia xã hội học phải thừa nhận, đã trở thành “phản xạ tự nhiên”.

Xin lỗi… lần sau lại thế!

Xin lỗi không đơn giản là biết lỗi và nhận lỗi, mà nó thể hiện trách nhiệm của người đó với cuộc sống. Xin lỗi là để không tái diễn những lỗi ấy, để quyết tâm sửa chữa, và thăng tiến hơn. Việc lạm dụng từ xin lỗi quá thường xuyên sẽ bớt đi nét đẹp vốn có của nó. Xin lỗi rồi mà cứ tiếp tục phạm sai lầm tuơng tự, thì chắc chắn sẽ bị người khác nghi ngờ về mức độ thành thật trong lời xin lỗi đó.

Thế nhưng, nếu việc không dám nhận lỗi, đổ lỗi cho hoàn cảnh thể hiện sự thiếu trách nhiệm, thiếu tự tin, thiếu dũng khí của cá nhân hữu trách, thì thực tế lại có những người lợi dụng từ “xin lỗi” để biện minh cho sự giả dối của mình, hay để chứng tỏ rằng mình là người dám làm dám nhận...

Hoặc, cũng có người lên tiếng xin lỗi chỉ vì áp lực số đông, áp lực dư luận. Công chúng đã từng nhiều lần ngán ngẩm khi ca sĩ nọ, người mẫu kia xin lỗi trên báo, trên facebook vì ăn mặc hở hang, phát ngôn thiếu cẩn trọng, song rồi lại… “nguyễn y vân”.

Xin lỗi: Nhận lỗi, đổ lỗi, có sửa lỗi?

Bộ trưởng Cao Đức Phát gửi lời xin lỗi đến nhân dân và độc giả trong buổi trò chuyện với Báo Lao động. Ảnh: Báo Lao Động

Gần đây, khi Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát gửi lời xin lỗi tới người dân vì việc diễn đạt không chuẩn xác về thực phẩm an toàn trên diễn đàn Quốc hội, khiến người dân và bạn đọc hiểu lầm và bức xúc, nhiều người cho rằng, ông đã kịp thời xin lỗi và rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, cũng có người cho, đó chẳng qua chỉ là lời xin lỗi “cho có”, chưa thực tâm!?

Song, chẳng phải Bộ trưởng cũng đã có những cam kết, lộ trình cụ thể để khắc phục những vấn đề gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm mà người dân bức xúc rồi đó sao. Điều quan trọng là chúng ta hãy đợi! Câu trả lời chính xác nhất chính là những hành động thực tế.

Xin lỗi: Nhận lỗi, đổ lỗi, có sửa lỗi?

Loạn xin lỗi. Tranh biếm họa của Họa sĩ Satế. Nguồn: Satế Sài Gòn biếm họa

Lời xin lỗi xuất phát từ trái tim

Sẵn lòng thừa nhận lỗi lầm, đối diện thẳng thắn và hành động để đưa mọi việc vào trật tự tốt đẹp như cũ không làm chúng ta yếu đi, mà trái lại khiến mọi người đánh giá cao hơn.

Các nghiên cứu khoa học tâm lý đã chỉ ra, lời xin lỗi có thể giải quyết xung đột, chữa lành tổn thương, thúc đẩy sự tha thứ, lòng vị tha và cải thiện mối quan hệ trong cả đời sống cá nhân lẫn xã hội. Mặt khác, lời xin lỗi còn tăng lòng trung thành, niềm tin và sự cộng tác của con người với nhau. Xin lỗi cũng giúp cho cuộc sống của chúng ta được an lành, hạnh phúc hơn, giúp người với người thông hiểu và yêu thương nhau hơn.

Xin lỗi: Nhận lỗi, đổ lỗi, có sửa lỗi?

Hãy nói lời xin lỗi chân thành xuất phát từ trái tim

Thế nhưng, việc bạn nhận ra lỗi lầm của mình và nói xin lỗi, chưa hẳn đã được tha thứ. Điều này còn tùy thuộc vào cách xin lỗi và mức độ hậu quả của hành vi sai trái trước đó.

Vì thế, theo chuyên gia NLP, bạn cần phải tìm hiểu đối phương, tính toán thiệt hại mà mình đã gây ra ở mức nào (từ tinh thần đến vật chất)… trước khi nói lời xin lỗi. Bạn cũng cần sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm, và đền bù nếu cần. Một điều đặc biệt quan trọng là, cần xin lỗi một cách chân thành. Chân thành chính là con đường ngắn nhất để trái tim đến với trái tim!

“Đừng tiết kiệm một lời xin lỗi. Hãy mạnh dạn nói lời xin lỗi dù bạn là ai, người cần được xin lỗi là ai. Với những người thân, gần gũi nhất như cha, mẹ, con cái, càng cần phải xin lỗi khi làm sai”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xin lỗi: Nhận lỗi, đổ lỗi, có sửa lỗi?