Xét xử nguyên TGĐ Công ty Xổ số Đồng Nai: Thẩm vấn điều tra viên và giám định viên

Nhóm PV| 02/07/2020 10:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau khi phiên tòa xét xử nguyên TGĐ Công ty Xổ số Đồng Nai tạm ngừng để triệu tập điều tra viên và giám định viên, ngày 30/6, phiên tòa đã được mở lại với sự có mặt của hai vị cán bộ này.

Ngày 30/6- 1/7, điều tra viên Hoàng Xuân Tiến (Cơ quan CSĐT, Bộ Công an) và giám định viên Nguyễn Thị Khương, chuyên viên Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) có mặt tại phiên tòa theo yêu cầu của HĐXX. 

HĐXX thẩm vấn điều tra viên, giám định viên

Trả lời câu hỏi của HĐXX về kết quả giám định mà các bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, Luật sư có ý kiến cho rằng chưa chính xác, giám định viên Nguyễn Thị Khương cho biết mình tiến hành giám định dựa theo quyết định trưng cầu giám định của Cơ quan CSĐT Bộ Công an về lao động tiền lương đối với Công ty Xổ số Đồng Nai dựa trên các tài liệu mà cơ quan này cung cấp.

Theo tài liệu CQĐT cung cấp, trong các năm từ 2008 – 2012, lợi nhuận kế hoạch của Công ty Xổ số Đồng Nai luôn thấp hơn so với thực hiện của năm trước liền kề. Tuy nhiên, ngành xổ số là ngành đặc thù, thuộc sản phẩm do nhà nước quản lý và Bộ Tài chính quy định trong từng thời kỳ về số lượng vé phát hành, mệnh giá vé. Ngoài ra, lĩnh vực kinh doanh xổ số còn chịu ảnh hưởng bởi quy định về việc trích lập Quỹ dự phòng rủi ro, trả thưởng.

Xét xử nguyên TGĐ Công ty Xổ số Đồng Nai: Thẩm vấn điều tra viên và giám định viên

Giám định viên Nguyễn Thị Khương tại phiên tòa

Bà Khương trình bày: "Theo nội dung trưng cầu, tôi giám định dựa trên hồ sơ của cơ quan điều tra cung cấp và căn cứ vào các quy định hiện hành vào thời điểm đó ra kết quả giám định, chứ không căn cứ vào thực tế công ty sử dụng lao động như thế nào. Còn việc xem xét kết quả giám định thì phụ thuộc vào Tòa án và Cơ quan điều tra".

“Trong phần trưng cầu giám định về lao động, tiền lương, theo báo cáo, có mấy yếu tố liên quan đặc thù, xác định được các yếu tố trên thì chọn trường hợp 1 hay trường hợp 2. Tôi không khẳng định công ty thuộc trường hợp nào mà tôi căn cứ vào pháp luật nếu trường hợp này thì được thế này, trường hợp kia thì thế kia”, bà Khương cho biết.

Theo bà Khương, trong hồ sơ CQĐT cung cấp, lợi nhuận kế hoạch các năm sau đều thấp hơn năm trước. Do đó, nếu không áp dụng điều kiện khách quan, các yếu tố loại trừ khách quan như Nhà nước can thiệp, ... thì không được áp dụng mức lương tối thiểu cao hơn mức lương tối thiểu vùng và hệ số tăng thêm. Ngoài ra, trong hồ sơ, CQĐT không cung cấp tài liệu Công ty Xổ số Đồng Nai mở rộng đầu tư kinh doanh nên giám định viên không biết việc đó.

Khi được hỏi tính cách tính nào để giám định viên tính lương TGĐ Công ty Xổ số Đồng Nai hơn 4 triệu đồng/tháng còn nhân viên lương hơn 5 triệu đồng/tháng, bà Khương cho hay, bà tính theo quy định của pháp luật.

Nêu ý kiến ngay sau đó tại phiên tòa, đại diện UBND tỉnh Đồng Nai, ông Huỳnh Văn Tịnh cho rằng, giám định viên phải yêu cầu các tài liệu thực tế của Công ty Xổ số Đồng Nai để giám định cho chính xác. Công ty có quyền tuyển thêm lao động nhưng không tuyển mà gắng thực hiện, tăng năng suất lao động, doanh thu, lợi nhuận tăng. Và như vậy, đảm bảo đủ các yếu tố để được áp dụng hệ số tăng thêm. Vậy nên cần phải tiến hành giám định lại.

Cùng với giám định viên Nguyễn Thị Khương, HĐXX thẩm vấn điều tra viên Hoàng Xuân Tiến một số vấn đề xoay quanh nội dung mà VKS truy tố.

Cáo trạng của VKSNDTC nêu, năm 2012, ông Nguyễn Hùng Sơn (nguyên Trưởng phòng hành chính tổ chức, Công ty Xổ số Đồng Nai) lập báo cáo đơn giá tiền lương và trình bị cáo Nguyễn Văn Minh ký. Tại phiên tòa đã làm rõ, ông Nguyễn Hùng Sơn chính thức nghỉ việc từ tháng 7/2011. Vậy, ai là người lập báo cáo trên?

Trả lời HĐXX, điều tra viên Hoàng Xuân Tiến cho biết, người trực tiếp xây dựng đơn giá tiền lương năm 2012 là bà Lê Thị Kim Lệ (kế toán tiền lương, Công ty Xổ số Đồng Nai). “Có thể nhầm lẫn trong soạn thảo văn bản nhưng các lời khai có trong vụ án đều khẳng định bà Lệ là người trực tiếp xây dựng đơn giá tiền lương năm 2012”, điều tra viên Tiến nói.

Cũng tại phiên tòa, HĐXX đặt ra nhiều câu hỏi với điều tra viên Tiến. Tuy nhiên, vị cán bộ này chỉ trả lời chung chung là “thông tin đã có trong hồ sơ vụ án” mà không giải trình rõ.

Kết luận thanh tra, kiểm toán Nhà nước có giá trị không?

Nêu vấn đề với HĐXX về phần trả lời của giám định viên và điều tra viên, LS Nguyễn Minh Long (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng: phần trả lời của bà Khương và ông Tiến rất chung chung, không cụ thể, rõ ràng và né tránh câu hỏi của HĐXX.

Theo LS Long, giám định viên Nguyễn Thị Khương khẳng định: giám định dựa trên hồ sơ tài liệu và quyết định trưng cầu giám định do Cơ quan CSĐT cung cấp. Căn cứ vào biên bản bàn giao tài liệu của CQĐT với bà Khương trong việc giám định cho thấy: hồ sơ tài liệu của Cơ quan CSĐT cung cấp không đầy đủ, không phản ánh đúng thực tế về tình hình sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động của Công ty Xổ số kiến thiết Đồng Nai.

Xét xử nguyên TGĐ Công ty Xổ số Đồng Nai: Thẩm vấn điều tra viên và giám định viên

Điều tra viên Hoàng Xuân Tiến tại phiên tòa

Giám định viên cũng đã trả lời HĐXX rằng: không được CQĐT cung cấp những tài liệu như kết luận thanh tra của UBND tỉnh, kết luận kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước về tình hình tài chính, doanh thu, tiền lương… của Công ty Xổ số Đồng Nai. Do đó, nội dung giám định đơn giá tiền lương không đúng với thực tế hoạt động của Công ty xổ số Đồng Nai, có sự chênh lệch về số tiền thiệt hại giữa kết luận thanh tra số 2704/KL-UBND  ngày 13/04/2015 của UBND tỉnh Đồng Nai và số tiền thiệt hại theo kết luận giám định ngày 16/10/2018 là gần 79 tỷ đồng.

Do không được cung cấp đầy đủ những thông tin, tình hình thực tế như trên dẫn đến việc kết luận giám định ngày 16/10/2018 của giám định viên Nguyễn Thị Khương không đúng, không phù hợp thực tế về lao động, tiền lương tại Công ty Xổ số Đồng Nai. Đặc biệt không đúng với quy định tại khoản 1 Mục IV Thông tư số 06/2005/TT-BLĐTBXH ngày 05/01/2005 của Bộ LĐ-TB&XH. Thông tư 06/2005/TT-BLĐTBXH không quy định mức lao động định biên của năm nay không được vượt quá 115% lao động thực tế của năm trước liền kề như kết quả giám định.

Phần trả lời của điều tra viên Hoàng Xuân Tiến cũng cho thấy: trong quá trình điều tra vụ án, đã không tiến hành xác minh làm rõ mặt bằng chung về mức lương tối thiểu của người lao động tại TP. Biên Hòa và tỉnh Đồng Nai.

Trong phần xét hỏi bị cáo Khương Thái Học đã nêu rõ: Mặt bằng chung tại thời điểm từ năm 2008 đến 2012, mức lương tối thiểu của người lao động ở Biên Hòa và tỉnh Đồng Nai là khoảng 5.200.000 đồng. Như vậy cách tính đơn giá tiền lương của công ty vẫn đảm bảo quy định.

“Kết luận của Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Bộ Tài chính được thực hiện theo quy định của pháp luật và là của đoàn công tác. Trong khi đó kết quả giám định của giám định viên Bộ LĐ-TB&XH chỉ là kết quả thẩm định của một cá nhân và kết quả này chỉ được căn cứ trên tài liệu trong hồ sơ mà cơ quan điều tra cung cấp, trong khi hồ sơ này có thể chưa bao gồm đầy đủ thông tin hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty trong năm 2008-2012 (như bà Khương đã trình bày). Vậy tại sao VKS không xem xét vấn đề này, đề nghị HĐXX xem xét vấn đề này”, LS Long kiến nghị.

Nói lời sau cùng tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Văn Minh cho biết, trong quá trình điều hành, quản lý chung có thiếu sót, mong HĐXX giám định lại tiền lương và thay đổi tội danh vì bị cáo không có hành vi tham ô.

Bị cáo Oanh mong HĐXX xem xét vì bị cáo không có hành vi giúp sức cho bị cáo Minh để tham ô. Trong quá trình làm việc được các cơ quan thanh tra, kiểm toán đánh giá làm đúng không sai. Phần người khác làm sai, quy cho bị cáo tội như vậy là không đúng, mong HĐXX xem xét, bị cáo có sai phạm nhưng không tham ô, không làm trái.

Sau khi hội ý, HĐXX thông báo sẽ nghị án kéo dài và tuyên án vào 15g ngày 6/7/2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử nguyên TGĐ Công ty Xổ số Đồng Nai: Thẩm vấn điều tra viên và giám định viên