Qua 4 ngày xét xử vụ án Hứa Thị Phấn, nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank), nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ cùng 27 đồng phạm đã làm rõ thủ đoạn nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch.
Từ chuyện rút ruột…
Những ngày qua, phiên tòa tập trung thẩm vấn về hành vi sai phạm của bị cáo Hứa Thị Phấn và đồng phạm lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái... trong việc nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch (Q.3, TP.HCM) từ khoảng 154 tỷ đồng lên 1.268 tỷ đồng, gây thiệt hại cho TrustBank - sau đổi thành ngân hàng (NH) VNCB và nay là NHCB hơn 1.105 tỷ đồng, trên tổng số thiệt hại của TustBank là khoảng 6.362 tỷ đồng trong vụ án này.
Như Báo Công lý phản ánh, phần thẩm vấn công khai tại phiên tòa đã lộ rõ những thủ đoạn của Hứa Thị Phấn và đồng phạm đã nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch lên gấp 8 lần so với giá thị trường thông qua Chứng thư thẩm định giá của Công ty TrustAsset. Một công ty không có chức năng thẩm định giá. Hậu quả là VNCB phải lâm vào tình trạng khó khăn mất thanh khoản và nhiều lãnh đạo của NH phải vào tù.
Trả lời câu hỏi của luật sư, bị án Phan Thành Mai, nguyên Tổng Giám đốc NH VNCB cho biết, khi tiếp quản TrustBank, NH này đã rơi vào tình trạng thanh khoản rất khó khăn. Có những ngày trong hệ thống VNCB không có nổi 10 tỷ đồng tiền mặt nên việc người dân đến rút tiền khiến NH rất căng thẳng. Chính vì thế, VNCB đã buộc phải định giá lại căn nhà này nhằm mục đích bán để hỗ trợ thanh khoản.
Bị án Phan Thành Mai, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng (NH) Xây Dựng (VNCB) khai rằng, căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch bà Phấn bán cho NH hơn 1.260 tỷ, nhưng định giá 160 tỷ đồng theo giá thị trường vẫn không ai mua, nên phải xin giảm giá thêm 20-30% |
Tuy nhiên, giá trị trên sổ sách của căn nhà là 1.268 tỷ đồng, trong khi thẩm định giá lại thì chỉ 160 tỷ đồng. “Sự chênh lệch quá lớn, nếu bán giá trị thấp như vậy thì NH sẽ lỗ sâu hơn và ảnh hưởng toàn bộ hoạt động kinh doanh của NH. Nhưng do áp lực thanh khoản, bị án đã có công văn trình lên NHNN xin bán căn nhà này. Vì không bán được, không thể bán lỗ nhưng trong lúc cấp bách tôi đã trình đề xuất xin bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch này giảm khoảng 20-30% so với định giá để giải quyết khó khăn. Và những hành vi sai trái này tôi đã bị kết án”, bị án Phan Thành Mai nói.
Tại phiên toà, bị án Phạm Công Danh, cựu Chủ tịch HĐQT VNCB cũng thừa nhận, không hề biết việc căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch này bị nâng khống lên cả hơn 1.000 tỷ đồng. “Tôi là doanh nghiệp, tôi tin vào việc thẩm định hồ sơ, giấy tờ của NH. Nếu tôi biết căn nhà này bị nâng khống như vậy, và còn nhiều vấn đề khác nữa tôi sẽ không mua”, ông Danh nói.
Bị cáo Lâm Kim Dũng, nguyên Giám đốc Công ty Lam Giang tại phiên tòa
Luật sư Hà Hải, Đoàn luật sư TP.HCM (bảo vệ quyền lợi cho Phạm Công Danh) nói trước tòa, hồ sơ hợp đồng chuyển nhượng 84,92% bà Phấn và TrustBank cho ông Danh không hề có bất cứ thông tin nào về việc định giá, hay mua đi bán lại căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch.
Tại đại án gây thất thoát 9.000 tỷ đồng xảy ra ở VNCB, ông Danh nhiều lần kêu trước toà rằng dù “không muốn dùng chữ bị lừa nhưng đúng thật mình bị lừa”. Bà Phấn và đồng phạm đã rút ruột hàng ngàn tỷ đồng rồi đẩy “cái nhà sắp sập” là TrustBank sang cho ông Danh. Nhưng vì đã lỡ “sa chân” vào cái bẫy của bà Phấn, không quay đầu trở lại nên ông Danh bị đi tù.
Trong suốt quá trình xét xử giai đoạn I, giai đoạn II, đến tận 17/1, ông Danh mới phát hiện thêm: “Bây giờ thông qua luật sư tôi mới được biết chính xác kết luận điều tra rất rõ ràng về TrustBank. Công ty Phương Trang chỉ nợ TrustBank là 3.936 tỷ đồng, chứ không phải 9.437 tỷ đồng như bà Phấn và TrustBank ghi nợ".
Khi trả lời thẩm vấn về căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, bị cáo Hoàng Văn Toàn, nguyên Chủ tịch TrusBank, được xác định là đồng phạm với Hứa Thị Phấn cũng thừa nhận rằng, bị cáo Phấn là người rất thông minh, thẳng thắn, cách quản lý tài sản rất nghiêm ngặt, không có ai có thể lấy được tiền của bà. Có lần bà Phấn tâm sự: “Thầy ơi, tôi có một lỗi rất lớn là tham lam”…
Bị cáo Hoàng Văn Toàn tại phiên tòa
Cũng chính vì tham lam, nên bà Phấn đã không từ bỏ bất kỳ thủ đoạn nào để có được tiền. Ngay cả việc sử dụng toàn người nhà như em trai, em gái, cháu trai, cháu gái, họ hàng… vào giữ các vị trí chủ chốt trong NH. Từ đó, bà Phấn cùng các đồng phạm thực hiện nhiều thủ đoạn rút ruột TrustBank. Hậu quả là tất cả những người bà con thân cận này phải vướng vào vòng pháp luật.
…đến trốn thuế
Bên cạnh đó, hành vi nâng khống rút ruột NH, bà Phấn còn bị cáo buộc trốn thuế 177 tỷ đồng. Theo cáo trạng, ngày 7/2/2012, bà Phấn mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch từ Công ty Địa ốc Lam Giang, với giá 450 tỷ đồng. Đến ngàỵ 13/2/2012, bà Phấn bán lại cho TrustBank với giá 1.260 tỷ đồng.
Kết luận giám định thuế của Bộ Tài chính cho rằng, số thuế thu nhập cá nhân (TNCN) mà bà Phấn đã kê khai nộp thuế đối với việc chuyển nhượng căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch có sai lệch. Cụ thể, số thuế TNCN đã kê khai bà Phấn nộp là 25 tỷ đồng. Nhưng qua giám định thuế, số tiền thuế phải nộp là 202 tỷ đồng. Số thuế TNCN chênh lệch qua giám định là 177 tỷ đồng.
Trả lời Viện Kiểm sát bà Lê Thị Lý (nguyên Trưởng Ban Kiểm soát của NH Đại Tín) đã cho biết, bà phát hiện sai phạm của Ban Tổng giám đốc, và HĐQT, “Tôi đã phát hiện sai phạm khi NH Đại Tín tạm ứng 200 tỷ mua căn nhà, thời điểm này là trước khi bị NHNN thanh tra. Ngay sau đó, tôi đã họp với Ban kiểm soát và trình giải pháp phải cơ cấu lại tài sản". Tuy nhiên kiến nghị không được ghi nhận, sau đó, HĐQT còn yêu cầu bà Lý và các thành viên Ban kiểm soát viết đơn xin thôi việc. |
Theo ông ông Đàm Quý Dân, nguyên chuyên viên Vụ Thanh tra Tổng cục thuế, hành vi trên liên quan về thuế của bà Phấn trong việc mua, bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch có dấu hiệu phạm tội “Trốn thuế” quy định tại Điều 161 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Tại toà, Đại diện Chi cục thuế quận 3 khẳng định đã thu thuế đúng theo quy định pháp luật nhưng phía bà Phấn không cung cấp giấy tờ để tính theo cách thứ nhất nên buộc phải tính theo cách thứ 2. Việc Chi cục thuế quận 3 tính theo cách thứ 2 đã “giúp” cho cho bà Phấn trốn 177 tỷ đồng tiền thuế.
Tuy nhiên, đây chưa phải là lần đầu bà Phấn có dấu hiệu trốn thuế. Hồ sơ điều tra cho thấy, căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch được bà Phấn mua từ năm 2008. Trong suốt từ 2008 -2012 bà Phấn đã mua bán vòng qua lại với Công ty Lam Giang.
Cụ thể, ngày 14/10/2008, bà Phấn đã bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch cho Công ty Lam Giang. Sau đó, Công ty Lam Giang sử dụng tài sản này để thế chấp tại chính TrustBank vay vốn đi đầu tư. Đến 3/8/2011, TrustBank đã trình HĐQT mua căn nhà này với giá 1.268 tỷ đồng từ Công ty Lam Giang. Tuy nhiên, hợp đồng mua bán của TrustBank với Công ty Lam Giang sau 5 ngày bị huỷ bỏ.
Sau đó, Công ty Lam Giang bán cho bà Phấn 450 tỷ đồng. Bà Phấn bán lại cho TrustBank 1.260 tỷ đồng. Trong phi vụ này, bà Phấn trốn thuế 177 tỷ đồng.
Từ việc chuyển nhượng từ pháp nhân sang cá nhân của bà Phấn với chiêu bài “một mũi tên bắn trúng nhiều đích”, vừa trốn được tiền thuế như nêu trên, vừa nâng khống giá trị nhà để rút ruột TrustBank trước khi chuyển nhượng cổ phần của mình.
Rõ ràng căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch đã được “mua qua bán lại” nhiều lần, liệu trong các lần mua bán còn lại, bà Phấn có cung cấp đủ đầy đủ giấy tờ mua bán nhà cho cơ quan thuế để nộp thuế đầy đủ hay chưa? câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ.