Xem xử án “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt"

Bùi Xuân Thao| 31/01/2014 09:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hàng năm, với mục đích tuyên truyền, phổ biến và giáo dục ý thức pháp luật cho nhân dân, góp phần ngăn ngừa, phòng chống tội phạm, ngành Tòa án cả nước đưa đi xét xử lưu động hàng nghìn vụ án.

Nhưng có lẽ đó chỉ là những con số thống kê khô khan nếu không thực tế một lần đồng hành để cảm nhận được gian nan, vất vả của những  chuyến đi lưu động như thế, nhất là ở những vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, nơi biên cương Tổ quốc.

 

Tôi may may mắn có dịp được chia sẻ cái cảm giác ấy khi cùng cán bộ, Thẩm phán TAND huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đi xét xử lưu động tại xã biên giới  Y Tý - một vùng đặc biệt khó khăn mà nhiều năm qua, Chính phủ đã có chính sách đặc biệt giúp người dân nơi này…

 

Một đêm… “làm lính” Biên phòng

 

Một hồi kẻng dài lanh lảnh, táp vào vách đá, xé nát cái tĩnh mịch vốn có từ ngàn đời của núi rừng. Trên sân Đồn Biên phòng Y Tý (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) sương mù vẫn còn giăng mắc, gió từ trên đỉnh núi ào xuống, mang theo cái rét đầu mùa làm cho lòng lạnh căm. Cái lạnh vùng sơn cước như níu kéo người không muốn dời khỏi chăn ấm. Dù vậy, không ai bảo ai, tất cả chúng tôi đều bật dậy bởi một nhiệm vụ quan trọng đang chờ. Hôm nay là ngày TAND huyện đưa một số vụ án đi xét xử lưu động ở Y Tý, xã xa xôi, cách trở bậc nhất của huyện vùng cao Bát Xát. Ngay từ khi biết được kế hoạch của Tòa án huyện, lãnh đạo Đồn Biên phòng Y Tý đã chia sẻ khó khăn, tạo mọi điều kiện về chỗ ăn, chỗ nghỉ cho đoàn. Thực ra, theo tôi hiểu,  Đồn BP cũng là nơi duy nhất mà hàng chục người trong đoàn công tác của tòa án có thể ngủ đêm, bởi giữa chốn rừng núi hoang vu, sơn cùng thủy tận này biết kiếm đâu ra chỗ nghỉ cho cả bằng ấy con người…  

 

Y Tý là xã hội tụ nhiều cái nhất huyện Bát Xát, Lào Cai. Xa nhất, nghèo nhất và đường đi nguy hiểm nhất. Tuy chỉ cách trung tâm huyện lị có hơn 80 kilomet, nhưng để lên được Y Tý, đoàn chúng tôi phải mất gần 4 tiếng đồng hồ mới “bò” hết con đường chạy lắt lẻo giữa bịt bùng núi cao và vực sâu hun hút. Kể cả với những tay lái cừ khôi nhất vùng tây Bắc, khi phải vần vô lăng trên cung đường này cũng không tránh khỏi cảm giác rờn rợn. Đường chạy dọc theo mép vực với liên tiếp những khúc tay áo, nhiều đoạn chỉ rộng chừng 3m, nên mỗi khi gặp ô tô ngược chiều thì chả khác gì chuyện “Hai con Dê qua cầu”. Khi đó, một xe sẽ bắt buộc phải lùi lại tìm cách áp sát vào vách núi để nhường đường. Còn muốn vượt xe cùng chiều, cánh lái xe ở đây có kiểu áp dụng “luật bất thành văn”, thay vì vượt trái, xe sẽ vượt phải vì xe trước chỉ ép về bên trái( nép vào vách núi) tránh bị “đẩy” xuống vực.  Đó là chưa kể đến những chướng ngại vật “di động” bởi thói chăn thả gia súc của đồng bào. Suốt trên đoạn đường từ Trung tâm huyện lị vào Y Tý, rất nhiều lần xe của chúng tôi phải dừng lại để chờ đợi gia súc, gia cầm của đồng bào đủng đỉnh qua đường. Vị Hội thẩm nhân dân Lý Văn Bình, người “bản địa” cho hay, nếu chỉ vô tình kẹp chết một con gà hay vịt thôi thì bất biết to nhỏ, đồng bào sẽ yêu cầu trả đủ 100.000 đồng mới được đi qua. 

 

Đường lên Y Tý càng đi, càng xấu. Đến người có thâm niên như Thẩm phán Nguyễn Thị Tuyết Lanh cũng thấy “oải” và nhiều lần chỉ chực “ném mẻ”(kiểu ví von của người ở đây về túi nôn, vì nhìn nó giống như mẻ). Đường không dài nhưng vẫn phải dừng nghỉ giữa chặng để “ gửi tình yêu vào đất” (cách nói vui của cánh thanh niên về chuyện đi WC). Giữa mênh mông đất trời, sông núi, chúng tôi có thêm dịp để cảm nhận thêm về vẻ đẹp và sự hùng vĩ của đất nước mình. Núi ủ trong mây mù, mây mù ôm cuốn lấy những bản làng mờ xa, tất cả như một bức tranh không thể hoàn mỹ hơn…

 

Để chuẩn bị hậu cần cho chuyến đi, mấy chị em trong đoàn đã đi chợ từ sáng sớm để mua rau, hành lá, chanh, hạt dổi… mang lên để phục vụ những bữa ăn cho 2 ngày . Trước đó, lãnh đạo tòa án đã nhờ Đồn BP mua lợn về mổ, mua gạo và… nhờ luôn cả nấu ăn. Thẩm phán Lanh bảo, cũng may mà Đồn Y Tý mới được xây dựng khá khang trang, có bếp ăn rộng rãi chứ không thì các chị em vất vả về khoản hậu cần lắm. Quán xá ở đây không có, UBND xã không có bếp, nhờ mấy cô giáo cắm bản thì thiếu đủ mọi thứ. Những năm trước lên đây xử lưu động, chị em tòa án phải lọ mọ, bằng mọi cách để có bữa ăn đạm bạc, ngủ nhờ các cô giáo cắm bản và nhà cán bộ xã …

 

Xem xử án “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt

 

Tác giả và Chánh án TAND huyện Bát Xát

 

Sáng hôm qua, do phải đi đón hội thẩm nhân dân, đường xấu, nhiều chướng ngại vật di động và sợ gặp sương mù nên đến quá trưa xe của đoàn công tác mới đến nơi. Thật cảm động khi lãnh đạo Đồn BP cho chiến sỹ ăn trước còn ngồi chờ chúng tôi. Bữa ăn vội để có thời gian tập trung chuẩn bị nơi xét xử ngày mai. 

 

Nghỉ một lát, anh chị em cán bộ tòa án cùng với lực lượng thanh niên địa phương khuân vác vành móng ngựa, Quốc huy.. Đến cả mấy vị hội thẩm nhân dân cũng xúm vào mỗi người giúp sức một tay (mỗi lần đi xử lưu động, tòa án đều chủ động đón các vị hội thẩm cùng đi, cùng ăn, cùng ở), không khí rõ là náo nhiệt. 

 

Khu vực trung tâm xã Y Tý, ngoài phần đất trống xây chợ thì chẳng còn chỗ nào có thể làm nơi xét xử được. Tôi đương băn khoăn, vì sao không tổ chức xét xử ở ngoài sân trụ sở UBND xã để thật nhiều bà con được tận mắt nhìn các bị cáo thì một vị Hội thẩm nhân dân đã giảng giải: ở trên này thời tiết thay đổi nhanh lắm, chả ai đoán được ông trời trở chứng lúc nào đâu. Trông cao xanh, lồng lộng thế này thôi, chứ chưa biết chừng gió lốc lại nổi lên bây giờ ấy mà! Hôm qua ở trên đây trời vừa mù đấy. Ông kể, năm kia, cũng xử lưu động ở đây, sáng ra thời tiết đang rất đẹp, tự nhiên nổi gió lốc cuốn đổ hết…

 

Nói về chuyện thời tiết “đỏng đảnh” và khắc nghiệt  ở nơi này, Thiếu tá Bùi Tiến Mạnh_Đội trưởng Đội kiểm soát hành chính Đồn BP Y Tý còn cho biết độ cao ở đây còn  hơn cả Sa Pa. Cứ vào khoảng tháng 3-4 âm lịch, dù khỏe hay yếu, hầu như ai cũng bị chảy máu cam vì gió Lào quá hanh khô. Mùa nồm thì quần áo giặt cả tuần không khô, trong nhà ướt như ngoài sân. Còn mùa đông thì sáng ra, anh nuôi phải lấy cái sào chọc thủng lớp băng đóng dầy trên mặt bể nước mới thả thùng xuống múc nước được…Thẩm phán Nghiêm Mạnh Quân_phó Chánh án TAND huyện Bát Xát góp thêm về chuyện này, có lần đi xử lưu động, trời rét quá nên vị kiểm sát viên phải đeo găng tay.  Đọc hết trang, không lật nổi trang sau, rút găng ra thì rơi cáo trạng xuống đất. Gió tốc bay cả phông màn, HĐXX phải tạm dừng chuyển vào trong hội trường. Có lẽ vậy nên  để “chắc ăn”, lần này lãnh đạo xã đề nghị xắp xếp phòng xử án phía trong hội trường UBND.

 

Tôi được coi là “khách” nên tranh thủ đi ngắm cảnh quan nơi đây. Đúng lúc Thiếu tá Nguyễn Văn Tần - Phó Đồn trưởng đi kiểm tra công tác địa bàn đã cho tôi ghé thăm cầu “Thiên sinh” (Trời sinh - cách hiểu của người dân nơi đây - PV), một cây cầu nối liền 2 nước Việt - Trung. Cầu dài chừng 2 mét và có lẽ đây là chiếc cầu nối hai quốc gia ngắn nhất thế giới (!). Một quả núi lớn như bị một nhát kiếm bổ đôi từ hàng ngàn, hàng triệu năm về trước, thành vách dựng trời, sâu thẳm. Cầu là mặt một tảng đá kẹt giữa hai bức tường thành đá cao vời vợi là ranh giới lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc. 

 

Cũng như khi đi, lúc trở về cùng trên một con đường duy nhất đang bị lũ làm sạt lở nặng, chiếc xe lồng lên giữa những ổ voi. Nắng vàng nhạt mơn man trên những vách núi dựng đứng. Một cái gì đó thật xốn xang, khó tả. Tôi chợt nhớ và thầm nhẩm theo những câu hát “Chiều biên giới em ơi, có nơi nào cao hơn như đầu sông, đầu suối, như đầu mây, đầu  gió như trời quê biên cương…”

 

Chốn sơn cước thường nhanh tối. Bóng tối như ùa ra từ trong ống thổi khổng lồ của núi rừng. Mới hơn 17 giờ mà trên những ngọn núi đã váng màu như tô mực. Sương chùng chình giăng mắc, cả một vùng biên cương chìm trong tĩnh lặng. Cảm giác thanh bình, nhẹ bẫng, yên ả và nao nao xâm chiếm lòng tôi… Trong nhà ăn tập thể Đồn BP, những vò rượu được cơi lên, mùi thơm loang bay xa. Những người lính đeo quân hàm xanh và đoàn công tác Tòa án cùng nâng chén, cùng thắp lên những bước say, cùng thắp lên những ngọn lửa tình quân dân. Những cái bắt tay, những vòng ôm siết đã kéo gần mối thâm tình chủ - khách. Rồi đến mục “hát cho nhau nghe”. Nhạc được tấu lên, cán bộ biên phòng và tòa án cùng say sưa trong giai điệu bài hát “Gửi em ở cuối sông Hồng”. Đã không còn khoảng cách, chỉ còn lại những thanh âm rộn rã, chỉ còn lại tình quân dân nồng ấm giữa đêm đen giá buốt chốn biên thùy.

 

…Biết cái này là sai rồi mà!

 

Một hồi kẻng nữa lại vang lên, cắt ngang dòng hồi ức của tôi về ngày hôm qua. Đó là kẻng báo hiệu bắt đầu bữa ăn sáng của Đồn. Bữa sáng đạm bạc, chút thịt kho và dưa muối. Gọi là dưa chứ chỉ là rau vẫn xanh và xổi vì theo Thiếu tá Mạnh thì ở đây trời lạnh nên có muối dưa 4-5 ngày vẫn trơ ra chẳng chịu chua. Nhà ăn của đồn có bàn ghế nhưng hầu như mọi người đều đứng ăn, vì ngồi thì lạnh.

 

Hôm qua, lúc ngồi trên xe, tôi thắc mắc sao lại xử án vào ngày thứ 7, thì được Chánh án Phùng Lâm Hồng giải thích rằng: Thứ 7 là phiên chợ ở Y Tý, sẽ thu hút được nhiều người tham dự. Người vùng cao rất thích đi chợ, có khi chỉ mang một con gà hay vài mớ rau đi bán, chẳng đáng bao nhiêu nhưng đó là nơi họ được gặp gỡ, giao lưu…Mở  phiên tòa vào dịp phiên chợ sẽ tạo điều kiện cho bà con vừa đi chợ, vừa được tham dự phiên tòa. Trước đó, TAND huyện và Đảng ủy, UBND xã Y Tý đã thống nhất và có thông báo nội dung chương trình xét xử lưu động của tòa án, giao cho các trưởng thôn về thông báo cho người dân biết. Hóa ra, lãnh đạo tòa án đã tính toán trước hết cả rồi- tôi thầm ngượng vì mình chả biết gì…

 

Chưa đến giờ xét xử mà Hội trường đã có nhiều người đến xem. Trong số đó, xen lẫn giữa đám nam thanh niên là sặc sỡ những khăn, những váy của phụ nữ người Mông, Dao, Hà Nhì… Lũ học sinh mấy trường trung học cơ sở, phổ thông cạnh đó cũng tranh thủ giờ ra chơi, chen chúc nhau để nhòm vào xem “cái bị cáo nó thế nào”…

 

Những phiên tòa diễn ra trật tự và uy nghiêm. Không chen lấn, không xô đẩy, đồng bào theo dõi buổi xét xử trong yên lặng. Nghe  HĐXX phân tích, giải thích pháp luật, các bị cáo đều nhận mình có tội và chỉ xin “cho tù ít thôi còn về làm nương, trông cháu...”.

 

Xem xử án “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt

 

Một phiên tòa lưu động

 

Tẩn Xử Mẩy, sinh 1958, được hỏi có biết tiếng phổ thông không thì quay sang người phiên dịch nói gì đấy. Vậy nên mỗi câu hỏi lại phải chờ phiên dịch…Mẩy khai hôm đi chợ mường Hum, có cái  người Mông nó bảo muốn mua thuốc phiện, hê rô in, bị cáo bảo mình không có mà. Rồi nó gọi điện thoại di động bảo đi mua rồi về bán, nó khắc mua. Thế là bị cáo khắc đi lên chợ mua thuốc phiện của đưa người Mông không biết tên đâu mà, mua hê rô in của đứa người Hà Nhì... Lúc đầu Mẩy cứ hồn nhiên khai như thể mua thuốc phiện hay hêrôin là mua cái rau, cái.. Theo người phiên dịch thì Mẩy “cãi”, bảo Mẩy chưa bán mà, đang để trong người thì cái bộ đội biên phòng nó bắt… HĐXX đã phân tích và giải thích cho Mẩy cũng như những người đến dự phiên tòa rằng việc mua thuốc phiện, hê rô in về để bán là không được vì Nhà nước cấm, là vi phạm pháp luật, là phạm tội. HĐXX cũng nêu bao thảm cảnh, tan cửa nát nhà, vợ chồng con cái li tán, bệnh tật và tội ác vì thuốc phiện, vì hêrôin…  Rồi Mẩy cũng hiểu, Mẩy khóc, những giọt nước mắt ân hận. Anh Tẩn Láo Sử- người phiên dịch (là người cùng dân tộc với Mẩy) nói với HĐXX rằng bà ấy bảo đã biết sai rồi mà, tòa cho đi tù ít thôi, già rồi mau về trông cháu cho bố mẹ nó đi lên nương. Có những tiếng xì xầm của bà con ở phía dưới. Tôi không hiểu được những người dân tộc Mông, Hà Nhì nói gì chỉ thấy những cái lắc đầu. Hỏi người phiên dịch, tôi được biết như vậy là bà con không đồng tình và không thích cái đứa buôn bán thuốc đó đâu. Bào chữa viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý đã nêu nhận xét việc truy tố Mẩy ra tòa là đúng người, đúng tội và chỉ phân tích thêm những tình tiết giảm nhẹ mà bị cáo được hưởng. HĐXX đã xem xét toàn diện về tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi cùng những tình tiết giảm nhẹ và tuyên phạt bị cáo Mẩy 30 tháng tù.

 

Một tình huống dù đã được trù liệu và không mong muốn nhưng vẫn xảy ra. Mất điện.Đang phiên xử bỗng điện tắt cùng tiếng ồ lên. Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Thị Tuyết Lanh đã nhanh chóng đề nghị mọi người trật tự, yêu cầu những người trả lời nói to để mọi người nghe thấy. Nhiều người đang nghe xét xử qua loa truyền thanh ngoài sân cũng mau vào hội trường để nghe cho rõ hơn. 

 

Vũ Thị Xuân là người dân tộc Kinh nhưng cư trú tại bản Vược cũng bị bắt quả tang khi bán hê rô in kiếm lời. Trước phiên tòa công khai, Xuân thành khẩn khai báo, nhận mình đã vi phạm pháp luật và chỉ xin giảm nhẹ vì bố đẻ là người được tặng thưởng huân chương lao động. Bản án 9 năm tù đã tuyên là hình phạt nghiêm khắc đối với bị cáo trên cơ sở đã áp dụng những tình tiết giảm nhẹ theo quy định và cũng là răn đe những kẻ khác muốn gieo rắc cái chết trắng cho bà con các dân tộc nơi này.

 

Tuy mới ngoài 30 tuổi, nhưng Hầu A Chúng đã kịp trang bị cho mình “ba vợ, sáu con” (ba vợ đều không có đăng ký kết hôn) và một bản án 7 năm tù về tội hiếp dâm. Lần này, Chúng phạm tội vì đã tổ chức cho cháu ruột 13 tuổi của mình trốn ra nước ngoài trái phép. Và không ai khác, chính đứa cháu khi được trở về Việt Nam đã tố cáo y. HĐXX và người bào chữa cho bị cáo Chúng đã phân tích hành vi phạm tội cho bị cáo và những người dự phiên tòa cùng nghe. Mức án 3 năm tù đã được tuyên đúng người, đúng tội.

 

Mỗi phiên xét xử, ngoài việc thẩm vấn kỹ, làm rõ hành vi phạm tội của từng bị cáo, các vị Chủ tọa đều giành khá nhiều thời gian phân tích, giải thích và tuyên truyền pháp luật cho bà con các dân tộc có mặt tại phiên tòa. Các vị Hội thẩm nhân dân, những người đang sinh sống cùng bà con cũng phân tích thêm với phương pháp rất gần gũi, đơn giản để bà con hiểu. Rồi Bào chữa viên do Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước tỉnh Lào Cai cũng giải thích, động viên các bị cáo mức án mà HĐXX tuyên là đã xem xét rất đầy đủ, khách quan và toàn diện…

 

Khi cán bộ dẫn giải đưa các phạm nhân ra xe, mọi người ra về thì cán bộ, Thẩm phán ở lại để thu dọn. Họ vui vì hoàn thành nhiệm vụ, vui vì những phiên tòa thành công trọn vẹn và có đông đảo bà con các dân tộc đến tham dự, đồng tình trước những phán quyết của tòa.

 

Có lẽ mãi về sau, chắc chắn tôi sẽ không thể nào quên được những phiên tòa lưu động như vậy. Cảm phục, ghi nhận và chia sẻ những vất vả của những người cán bộ tòa án nơi biên giới với những khó khăn nhưng tôi cũng không khỏi băn khoăn, chia sẻ với họ bởi với kinh phí eo hẹp, mỗi lần đi lưu động càng khó khăn hơn…Dù vậy, họ vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị cao cả của mình.

 

Một lần đến “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”

 

Trên đường về, chúng tôi ghé thăm mảnh đất địa đầu Tổ quốc, đúng nơi đầu nguồn con sông Hồng chảy vào Việt Nam. Nếu không lên Y Tý, có lẽ chẳng riêng gì tôi mà nhiều người vẫn lầm tưởng đầu nguồn con sông Hồng là đoạn ở ngay cửa khẩu Lào Cai… Ngay cả cán bộ tòa án huyện cũng chưa đặt chân đến nơi này. Đó là khu vực ngã 3, nơi có dòng suối Lũng Pô nước trong xanh chảy, tiếp nối vào dòng sông Nguyên Giang (Trung Quốc) tạo ra con sông Hồng nặng đỏ phù sa, mang những mùa vàng bội thu cho người dân Việt.

 

Đứng bên cột mốc biên giới thiêng liêng, chúng tôi cùng chung cảm giác lâng lâng, chộn rộn. Chẳng ai bảo ai, chúng tôi kính cẩn nghiêng mình trước những hy sinh và cống hiến lớn lao của bao thế hệ cha ông đã ngã xuống để gìn giữ bình yên cho mảnh đất nơi tuyến đầu Tổ quốc... Và câu hát “Anh ở biên cương, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt…” cứ ngân mãi, ngân mãi, chảy dài theo sóng nước sông Hồng, theo tôi về dưới xuôi...

 

Bát Xát, tháng 11/2013

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xem xử án “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt"