Doanh nghiệp - Doanh nhân

Xe điện kinh doanh dịch vụ bắt đầu “nóng”?

Hải Long 25/11/2024 - 15:46

Việc một hãng taxi vừa kí hợp đồng mua hơn 1000 xe cho thấy thị trường xe điện cho kinh doanh dịch vụ đang dần trở nên sôi động và đầy tiềm năng trong thời gian tới.

Xu hướng tất yếu

Thị trường xe điện tại Việt Nam đang cho thấy những tín hiệu tích cực và ngày càng "nóng" lên, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ. Sự gia tăng doanh số bán xe điện và hybrid, cùng với việc ra mắt nhiều mẫu xe mới từ các hãng trong và ngoài nước, đã thúc đẩy nhu cầu sử dụng xe điện cho các dịch vụ vận tải.

VinFast, thương hiệu xe điện nội địa, đã tạo dấu ấn lớn khi ra mắt các mẫu xe VF3, VF5 và các phương tiện khác đang được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm, giúp hãng chiếm lĩnh phân khúc xe điện tại Việt Nam. Nhu cầu của người tiêu dùng đối với các dịch vụ vận tải sử dụng xe điện ngày càng tăng do ý thức về bảo vệ môi trường và nhu cầu tiết kiệm chi phí nhiên liệu.

oto.jpg
Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, đầu tư vào cơ sở hạ tầng trạm sạc cũng đang được đẩy mạnh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc sử dụng xe điện trong các dịch vụ. Những bước tiến này cho thấy rằng xe điện có tiềm năng lớn trong việc phát triển thành xu hướng chủ đạo trong ngành dịch vụ vận tải tại Việt Nam.

Ngoài ra, các công ty vận tải cũng đang từng bước tiếp cận và nghiên cứu triển khai sử dụng xe điện trong hoạt động kinh doanh của mình, với mục tiêu giảm chi phí và cải thiện hiệu suất môi trường. Sự gia tăng này không chỉ phản ánh sự tiến bộ trong công nghệ mà còn là xu hướng toàn cầu trong việc chuyển đổi sang các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.

Công ty nghiên cứu thị trường BMI Research dự báo, doanh số bán ô tô điện mới tại Việt Nam sẽ tăng 114,8% so với cùng kỳ năm 2023, đạt khoảng 18.000 chiếc. Trong đó, doanh số bán xe thuần điện tăng 104,4%, dự kiến sẽ đạt gần 17.000 chiếc. Doanh số bán xe điện hybrid plug-in (PHEV) cũng được dự đoán sẽ có mức tăng trưởng đáng kể, tăng gấp 9 lần so với năm 2022, lên gần 1.100 chiếc.

Dù đạt được một số kết quả ban đầu, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển dịch năng lượng và phát triển giao thông điện. Vì vậy để thực hiện lộ trình chuyển đổi phương tiện vận tải đường bộ sang sử dụng phương tiện giao thông điện, năng lượng xanh và định hướng xây dựng chính sách khuyến khích chuyển đổi, ngành giao thông vận tải đường bộ cần xác định rõ mục tiêu.

Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi

Xe điện đang ngày càng phổ biến trên khắp cả nước nhờ các quy định của chính phủ nhằm loại bỏ dần các loại xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Tất cả các biện pháp này dự kiến ​​sẽ góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng của thị trường xe điện Việt Nam.

Ở nhóm khách hàng tầng lớp trung lưu và dân số trẻ ngày càng tăng cùng sự quan tâm của nhóm đối tượng này đối với các công nghệ tiên tiến, hiệu quả sử dụng nhiên liệu và nhận thức về môi trường dự kiến cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu với xe điện.

Bên cạnh đó, việc áp dụng rộng rãi phương tiện di chuyển bằng điện đang chuyển đổi ngành vận tải và do đó, nhiều công ty vận tải hàng hóa hiện đang chuyển sang các loại xe chạy bằng động cơ điện. Sự chuyển dịch sang xe điện này được thúc đẩy bởi nhận thức ngày càng tăng về tác động môi trường của phương tiện vận tải chạy bằng nhiên liệu hóa thạch và lợi ích kinh tế khi sử dụng xe điện.

Sở thích ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với xe điện tiết kiệm nhiên liệu như xe điện, xe tự lái và công nghệ giao tiếp giữa xe với xe dự kiến ​​sẽ thúc đẩy tăng trưởng thị trường trong giai đoạn 2024-2029.

Theo đại diện một doanh nghiệp taxi cho biết, xe điện có chi phí bảo dưỡng thấp nên tổng chi phí vận hành ước tính giảm từ 20 - 30% so với xe xăng.

Do chính sách thuê pin cộng với chi phí tiết kiệm nên tài xế xe điện có lợi 3 - 4 triệu đồng/tháng so với xe xăng.

Theo ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp tiên phong sử dụng xe điện đang góp công lớn trong thực hiện cam kết của Chính phủ thì phải sớm được hưởng chính sách hợp lý. Doanh nghiệp thấy được chính sách hỗ trợ để kinh doanh có lãi sẽ sẵn sàng chuyển đổi sang xe điện.

Về vấn đề này, trước đó Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp vận tải sớm chuyển đổi phương tiện kinh doanh đường bộ sang sử dụng năng lượng sạch, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định góp phần thực hiện cam kết giảm phát thải carbon và bảo vệ môi trường bền vững.

Theo lộ trình tại Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành Giao thông vận tải, từ sau năm 2030, tại các đô thị, 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh. Điều đó cho thấy việc chuyển sang sử dụng xe điện cho hoạt động kinh doanh vận tải nói chung và taxi nói riêng là xu thế không thể đảo ngược.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xe điện kinh doanh dịch vụ bắt đầu “nóng”?