Vấn đề quan tâm

Xe bị tạm giữ hư hỏng, CSGT có phải bồi thường?

Trang Nhi 13/01/2025 - 07:47

Đối với tang vật là hàng hóa dễ hư hỏng, cán bộ Cảnh sát giao thông phải báo cáo ngay để xử lý, nếu để hư hỏng hoặc thất thoát thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Đây là quy định mới tại Thông tư 73/2024/TT-BCA của Bộ Công an và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025. Nói một cách đơn giản là xe máy hay ô tô vi phạm, nếu bị tạm giữ nhưng lại để cho hư hỏng hay thất thoát thì chính lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) đã ra quyết định tạm giữ sẽ phải bồi thường.

xe-vi-pham.png
Ảnh minh họa.

Cụ thể, Điều 17 Thông tư 73/2024/TT-BCA quy định, khi phát hiện hành vi vi phạm thuộc trường hợp phải tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề (CCHN), Tổ trưởng Tổ CSGT trực tiếp thông báo hoặc phân công cán bộ trong tổ thông báo cho người vi phạm và những người liên quan có mặt tại đó biết.

Sau đó, tổ sẽ tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính; lập biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, CCHN.

Theo Thông tư, trong 24 giờ kể từ khi lập biên bản, cán bộ CSGT lập biên bản phải báo cáo người có thẩm quyền tạm giữ về tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, CCHN đã tạm giữ để xem xét ra quyết định tạm giữ.

Đối với tang vật là hàng hóa dễ hư hỏng, cán bộ CSGT phải báo cáo ngay thủ trưởng trực tiếp để xử lý, nếu để hư hỏng hoặc thất thoát thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp không ra quyết định tạm giữ, thông tư quy định cán bộ CSGT phải trả lại ngay tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, CCHN cho chủ sở hữu.

Với trường hợp khi tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, người điều khiển phương tiện giao thông không có mặt hoặc cố tình trốn tránh, gây cản trở, không chấp hành, cán bộ CSGT sẽ lập biên bản làm việc, biên bản tạm giữ, có chữ ký xác nhận của đại diện chính quyền cấp xã hoặc ít nhất một người chứng kiến, đồng thời sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (máy ảnh, camera) ghi nhận vụ việc; đưa tang vật, phương tiện về nơi tạm giữ; xác minh và gửi thông báo đến chủ phương tiện, yêu cầu người vi phạm đến giải quyết.

Trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền, cán bộ CSGT tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự: Giấy phép lái xe, Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng; chứng nhận đăng ký xe hoặc chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Trường hợp các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông đã được tích hợp, cập nhật trong tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng định danh quốc gia (VNeID), cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý, vận hành, người có thẩm quyền sẽ thực hiện việc tạm giữ giấy tờ trên môi trường điện tử, cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính và đồng bộ với ứng dụng VNeID, cơ sở dữ liệu, ứng dụng, hệ thống thông tin điện tử khác do Bộ Công an quản lý để người vi phạm, chủ phương tiện biết và chấp hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xe bị tạm giữ hư hỏng, CSGT có phải bồi thường?