Nghiệp vụ

Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên:Xây dựng thủ tục tố tụng thân thiện đối với người chưa thành niên bị buộc tội

Ths. Nguyễn Thị Thu Hằng-Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, TANDTC 07/06/2024 - 08:17

Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên đã đổi mới quy trình thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên bị buộc tội theo hướng thân thiện hơn; bảo đảm phù hợp với người chưa thành niên từ giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố đến xét xử với mục đích vì lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên.

Thủ tục tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên bị buộc tội ngoài việc điều chỉnh bởi Bộ luật Tố tụng hình sự còn có 03 văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành bởi các chủ thể khác nhau tương ứng với từng giai đoạn tố tụng khác nhau, dẫn đến thiếu đồng bộ, cắt khúc.

Bên cạnh đó, mặc dù đã có một số quy định đặc thù cho người chưa thành niên nhưng thủ tục tố tụng hình sự chưa thực sự thân thiện, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, khả năng nhận thức và sự phát triển của người chưa thành niên vì được xây dựng trên cơ sở điều chỉnh một phần nhỏ trong hệ thống thủ tục tố tụng chung dành cho người trưởng thành.

tre_vi_thanh_nien.jpg
Xây dựng thủ tục tố tụng thân thiện đối với người chưa thành niên bị buộc tội trong dự thảo Luật tư pháp người chưa thành niên (Hình minh họa)

Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên đã đổi mới quy trình thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên bị buộc tội theo hướng thân thiện hơn; bảo đảm phù hợp với người chưa thành niên từ giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố đến xét xử với mục đích vì lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên.

Thứ nhất, rút ngắn thời hạn tố tụng đối với vụ án có người chưa thành niên bị buộc tội

Để tránh tác động tiêu cực từ thủ tục tố tụng kéo dài đến tâm lý của người chưa thành niên nhưng vẫn bảo đảm tính khả thi, dự thảo Luật quy định thời hạn điều tra, thời hạn quyết định việc truy tố, thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm đối với vụ án có người chưa thành niên là người bị buộc tội không quá một phần hai thời hạn tương ứng được quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự.

Trường hợp vụ án có tính chất phức tạp thì thời hạn điều tra, thời hạn quyết định việc truy tố, thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Quy định này bảo đảm nguyên tắc giải quyết nhanh chóng, kịp thời vụ án hình sự có người chưa thành niên là người bị buộc tội, khắc phục bất cập của thực tiễn hiện nay khi thời hạn điều tra, truy tố vẫn còn và chưa kết thúc vụ án nhưng thời hạn tạm giam đã hết vẫn phải trả tự do cho người chưa thành niên, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án.

Thứ hai, đổi mới chế định ngăn chặn, cưỡng chế đối với người chưa thành niên bị buộc tội

Dự thảo Luật quy định 10 biện pháp ngăn chặn gồm: giữ người trong trường hợp khẩn cấp; bắt người theo các trường hợp quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự; tạm giữ; tạm giam; giám sát điện tử; giám sát tại nhà; bảo lĩnh; đặt tiền để bảo đảm; cấm đi khỏi nơi cư trú; tạm hoãn xuất cảnh. Quy định 03 biện pháp cưỡng chế gồm: áp giải, dẫn giải; kê biên tài sản; phong tỏa tài khoản.

Thu hẹp các trường hợp người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp tạm giam và quy định rõ ràng, cụ thể căn cứ áp dụng biện pháp tạm giam, theo đó, người chưa thành niên chỉ bị áp dụng biện pháp tạm giam trong trường hợp thật cần thiết và khi các biện pháp giám sát khác không hiệu quả.

Các trường hợp tạm giam theo pháp luật hiện hành mà theo dự thảo Luật không còn áp dụng biện pháp này thì quy định bằng việc áp dụng hai biện pháp ngăn chặn mới được bổ sung là giám sát điện tử và giám sát tại nhà.

Quy định theo hướng này góp phần hạn chế các trường hợp người chưa thành niên bị tạm giam, giúp các em không bị tách khỏi ra gia đình và vẫn bảo đảm được các hoạt động học tập, sinh hoạt bình thường; tránh người chưa thành niên bị tác động tổn thương tâm lý khi bị tạm giam…

Thứ ba, bổ sung quy định về tố tụng thân thiện trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố

Để bảo đảm thực hiện các thủ tục tố tụng thân thiện đối với người chưa thành niên, dự thảo Luật quy định vụ án hình sự có có người bị buộc tội là người chưa thành niên và người đã thành niên thì cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải tách vụ án hình sự đối với người chưa thành niên để giải quyết vụ án độc lập.

Dự thảo Luật bổ sung nhiều quy định để bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện đối với người chưa thành niên trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố như: quy định nguyên tắc việc khởi tố, điều tra, truy tố đối với người chưa thành niên là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị buộc tội phải được tiến hành trong môi trường thân thiện, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, bí mật cá nhân, danh dự, nhân phẩm của họ; thủ tục tố tụng được tiến hành bởi Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, người làm công tác xã hội là người được đào tạo, tập huấn, có kinh nghiệm, hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người chưa thành niên;

Quy định việc lấy lời khai, khám xét người, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói người chưa thành niên phải bảo đảm thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi và phải có sự tham gia của người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; các thông tin có liên quan đến hành vi phạm tội của người chưa thành niên phải được giữ kín, không cung cấp công khai...

Thứ tư, hoàn thiện quy định về thủ tục xét xử thân thiện

Dự thảo Luật quy định vụ án hình sự có người chưa thành niên bị buộc tội thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên hoặc do Thẩm phán chuyên trách xét xử và được xét xử trong phòng xử án thân thiện.

Đồng thời, bổ sung nhiều quy định để bảo đảm thủ tục xét xử phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của người chưa thành niên, hạn chế tác động tiêu cực và vì lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên như: khi xét xử không còng tay hoặc sử dụng các phương tiện cưỡng chế khác; tại phiên tòa, cho phép người làm công tác xã hội trình bày Báo cáo điều tra xã hội đối với người chưa thành niên; việc xét hỏi, tranh luận phải được tiến hành phù hợp với lứa tuổi, khả năng nhận thức của người chưa thành niên; Thẩm phán mặc trang phục hành chính và phải điều hành phiên tòa theo mức độ tập trung của người chưa thành niên; phiên tòa có thể được tổ chức xét xử kín nhưng khi tuyên án công khai chỉ tuyên phần quyết định...

Bên cạnh các chính sách về hình sự thì việc xây dựng một quy trình, thủ tục tố tụng đơn giản, gần gũi, thân thiện, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, khả năng nhận thức và sự phát triển của người chưa thành niên là rất quan trọng để bảo đảm việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm, cải thiện hành vi; hạn chế tối đa tác động tiêu cực từ quy trình thủ tục tố tụng hình sự đến người chưa thành niên; thực hiện tốt nguyên tắc việc giải quyết vụ việc có người chưa thành niên phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của họ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng thủ tục tố tụng thân thiện đối với người chưa thành niên bị buộc tội