Xây dựng Tập đoàn xuất bản - truyền thông: Không đơn giản là phép cộng hành chính

congly.com.vn| 13/04/2012 10:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 4-10, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật đã tổ chức hội thảo khoa học “Xây dựng tập đoàn xuất bản - truyền thông ở Việt Nam hiện nay”. Đây là hoạt động nhằm nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, góp phần xây dựng các mô hình và cơ cấu mới phù hợp với sự phát triển của công nghiệp xuất bản hiện đại. Có nhiều ý kiến bàn thảo xung quanh chủ �

Các nhà xuất bản đang chung sống với nhiều khó khăn, bất cập

Một chủ trương lớn của Đảng


Khai mạc hội thảo, GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nêu rõ: Nâng cao chất lượng hoạt động xuất bản, xây dựng thí điểm tập đoàn xuất bản là một chủ trương lớn của Đảng về vấn đề tổ chức, quản lý các đơn vị sự nghiệp, công ty nhà nước hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, cần được nghiên cứu, định hướng và từng bước đưa vào áp dụng. Hội thảo này là một hoạt động khoa học có ý nghĩa thiết thực đối với ngành xuất bản nước ta nói chung và các nhà xuất bản nói riêng.


GS.TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh: Ở nước ta, hoạt động xuất bản có vai trò hết sức quan trọng trong công tác tư tưởng văn hóa, là kênh thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính thống về các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, cung cấp những tri thức nâng cao dân trí nhằm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước. Thực tiễn hoạt động xuất bản cho thấy đã có những bước phát triển, thu được những kết quả đáng ghi nhận, số lượng xuất bản phẩm tăng nhanh, chất lượng nội dung và hình thức ngày càng tốt hơn, đa dạng hơn, phương thức hoạt động xuất bản có nhiều đổi mới, công nghệ xuất bản đã và đang được hiện đại hóa...


Theo GS.TS Phùng Hữu Phú, những kết quả đạt được là tiền đề rất có ý nghĩa để tiếp tục đổi mới căn bản mô hình tổ chức, phương thức hoạt động của các nhà xuất bản. Tuy nhiên, hoạt động xuất bản vẫn còn non yếu về tiềm lực, phát triển không đồng bộ, hoạt động nhỏ lẻ, phân tán, chưa khai thác hết tiềm năng, xã hội hóa còn lúng túng, một số nhà xuất bản không quản lý tốt các công đoạn hoạt động... Từ đó đặt ra yêu cầu phải đổi mới, tổ chức lại mô hình doanh nghiệp xuất bản một cách mạnh mẽ.


Theo TS Nguyễn Duy Hùng, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, tập đoàn xuất bản là một hình thức tổ chức hoạt động tương đối phổ biến của các nhà xuất bản trên thế giới, đặc biệt là ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển. Ở nước ta, Chỉ thị 42 ngày 25-8-2004 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản đã đề cập việc thí điểm xây dựng các tập đoàn xuất bản. Tuy nhiên, thực tế chưa được thể chế hóa thành cơ chế, chính sách của Nhà nước. Trong những năm qua, ngành xuất bản Việt Nam nói chung và các nhà xuất bản nói riêng đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, trong đó còn rất nhiều lúng túng trong việc xác định mô hình tổ chức và hoạt động thích hợp.


Mô hình nào thích hợp?


TS Nguyễn Duy Hùng cho rằng, để thực hiện mục tiêu đưa nền xuất bản Việt Nam phát triển ngang tầm khu vực và thế giới, việc sớm quy hoạch ngành xuất bản, xác định đúng đắn mô hình tổ chức và hoạt động của các đơn vị xuất bản, chuẩn bị các điều kiện để hình thành tập đoàn xuất bản có đủ năng lực cạnh tranh trong nước và vươn ra quốc tế là đòi hỏi cấp bách hiện nay. Song không thể thành lập mô hình này theo một phép cộng hành chính mà phải trên cơ sở nhu cầu và nội lực của các đơn vị, có sự chỉ đạo, quản lý khoa học, đầu tư hợp lý và cần xây dựng thí điểm để rút kinh nghiệm.


Thời gian qua đã xuất hiện các mô hình khép kín 3 khâu: Xuất bản-in-phát hành mô hình tổ hợp: Xuất bản-báo chí, xuất bản-các dịch vụ văn hóa... song hiệu quả còn hạn chế. Nhiệm vụ phát hành sách của đại bộ phận các nhà xuất bản mới chỉ dừng lại ở tiêu chí giới thiệu sản phẩm, việc phát hành chủ yếu vẫn dựa vào hệ thống phát hành sách tư nhân.


Có thể nói, bức tranh chung của các nhà xuất bản hiện nay là chung sống, thích nghi với những khó khăn, bất cập do việc nhận thức không đúng, không đủ về vị trí, vai trò của sự nghiệp xuất bản, chưa ổn định về mô hình tổ chức và hoạt động... Thực tiễn hoạt động xuất bản cho thấy, mô hình tổ chức và hoạt động của các nhà xuất bản nước ta trong những năm gần đây và những năm tới đặt ra nhiều vấn đề cần phân tích, đánh giá, tổng kết trên nhiều phương diện. Trong đó, nổi lên vấn đề cơ bản là mô hình nào đối với nhà xuất bản sẽ thích ứng điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế?


Tại hội thảo, các nhà khoa học, quản lý đã trao đổi nhằm làm rõ một số vấn đề lý luận, thực tiễn về: Mô hình tập đoàn xuất bản; tiêu chí xây dựng mô hình tập đoàn xuất bản ở Việt Nam; điều kiện xây dựng (về quan điểm, đường lối, chính sách, pháp luật, nguồn lực, môi trường kinh tế, xã hội, thị trường, văn hóa đọc...); phương thức xây dựng (bằng các quyết định hành chính hay thông qua tích tụ, tập trung, mở rộng quy mô, lĩnh vực hoạt động, liên kết tự nguyện...) vấn đề sở hữu mối quan hệ giữa chức năng tư tưởng - văn hóa và nhiệm vụ kinh doanh chiến lược hoạt động và cơ chế quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất bản nói chung và tập đoàn xuất bản nói riêng... Các đại biểu cũng đã đề xuất những giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho các nhà xuất bản tìm ra được mô hình tổ chức hoạt động phù hợp và phát triển đúng hướng, có hiệu quả, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh.


Thanh Hòa

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng Tập đoàn xuất bản - truyền thông: Không đơn giản là phép cộng hành chính