Chiều 7/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng (Hội đồng điều phối) chủ trì Hội nghị lần thứ hai của Hội đồng góp ý xây dựng quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tham dự Hội nghị có các Phó Chủ tịch Hội đồng: Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; lãnh đạo các bộ, cơ quan Trung ương; lãnh đạo 11 tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng; các thành viên Hội đồng.
Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị đã xác định tầm nhìn đến năm 2045 “Đồng bằng Sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới…”.
Tại Hội nghị, sau khi nghe trình bày một số nội dung chính liên quan quy hoạch, các đại biểu nêu bật vai trò, vị trí của vùng Đồng bằng sông Hồng; vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực; thực trạng phát triển vùng.
Theo đó, quy hoạch phát triển vùng phải cụ thể hóa tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu đã được xác định tại Nghị quyết phát triển vùng và quy hoạch cấp quốc gia vào vùng; bố trí không gian phát triển các ngành quốc gia, giải quyết các vấn đề xung đột giữa các ngành, lĩnh vực trên địa bàn vùng; có các dự án mang tính kết nối quan trọng giữa các tỉnh trong vùng, liên vùng và liên ngành.
Trên cơ sở đó, quy hoạch để vùng phát triển thực sự là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của dân tộc; là cực tăng trưởng của cả nước; đồng thời là cửa ngõ phía Bắc của nước ta và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc - một thị trường rộng lớn nhất thế giới và ngược lại.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, vùng Đồng bằng Sông Hồng và Đông Nam Bộ có tính đặc thù, đóng góp trên 50% GDP của đất nước. Do đó công tác quy hoạch phải đi trước một bước; cần quy hoạch để phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, ổn định lâu dài; phải kết nối quy hoạch tỉnh với quy hoạch vùng, quy hoạch vùng phải kết nối quy hoạch tổng thể quốc gia; tạo động lực mới cho tăng trưởng.
Thủ tướng cho rằng quy hoạch chưa chỉ ra hết tiềm năng của vùng Đồng bằng sông Hồng. Đơn cử, Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa…; vùng Đồng bằng sông Hồng - gắn với văn minh lúa nước, có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời… nhưng chưa được nêu bật hết. Cùng với đó, vùng Đồng bằng sông Hồng là cửa ngõ của ASEAN nối với Trung Quốc, trong đó đặc biệt là Cửa khẩu Móng Cái kết nối ngắn nhất với vùng phát triển năng động nhất của Trung Quốc. Tuy nhiên, những vấn đề này chưa được nêu đậm nét trong quy hoạch.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ, quy hoạch cũng phải làm sống lại các dòng sông vốn đang bị cạn kiệt tài nguyên, bị xâm lấn dưới tác động của con người. Đây là khu vực có mật độ đông dân nhất cả nước; bên cạnh đó, khu vực có địa hình đa dạng, phong phú để phát triển công, nông nghiệp, du lịch gắn với tâm linh. Do đó, quy hoạch phải khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; các chương trình, dự án cụ thể và các cơ chế, chính sách đi kèm.
“Chúng ta phải hóa giải được những hạn chế, bất cập, mâu thuẫn của vùng, đó là vùng có diện tích bé nhưng dân số lớn, do đó phải đô thị hóa; khai thác, phát triển không gian ngầm và trên không, tăng cường đổi mới sáng tạo”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng, khẳng định quan điểm không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Do đó, phải có giải pháp, dự án, nguồn lực, cơ chế, chính sách để xử lý vấn đề rác thải, ô nhiễm… trong vùng; Việc đào tạo nguồn nhân lực không chỉ phục vụ cho phát triển của vùng mà có tính dẫn dắt, điều phối nhân lực cho cho cả nước.
Cho rằng, vùng Đồng bằng sông Hồng có tiềm năng, cơ hội lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp. Để huy động nguồn lực cho sự phát triển của vùng, Thủ tướng đề nghị lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài và quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; đồng thời phải có cơ chế, chính sách đặc thù.
Thủ tướng đề nghị làm rõ các động lực mới cho sự phát triển của vùng là đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, tập trung vào chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng; phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo gồm nước, gió, nắng; thực hiện kinh tế nông nghiệp, hình thành hệ sinh thái nông nghiệp; phát triển công nghiệp có trọng tâm, trọng điểm; tiết kiệm đất, khai thác hiệu quả quỹ đất; một số địa phương như Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình phải tính tới việc lấn biển.
Thủ tướng khẳng định phát triển giao thông phải đi trước một bước, có giao thông thông suốt thì sẽ phát triển các ngành khác, có không gian phát triển mới, các nhà đầu tư sẽ tự đến đầu tư. Trong đó, về phát triển sân bay, Thủ tướng cho rằng việc đầu tư cần cân nhắc vì trong vùng có 3 sân bay, việc đầu tư một sân bay trung chuyển quốc tế lớn nhưng vấn đề là nghiên cứu tìm quỹ đất, cân đối, hài hòa với các sân bay khác.
Cùng với phát triển nội vùng, Thủ tướng yêu cầu xây dựng quy hoạch phải liên kết với các vùng và cả nước, quốc tế. Đặc biệt, phải xây dựng phòng tuyến hợp tác và cạnh tranh kinh tế quốc tế, cùng với ASEAN, Trung Quốc, khu vực có liên quan chặt chẽ với khu vực Đông Bắc Á - khu vực phát triển năng động bậc nhất thế giới.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, tranh thủ rộng rãi ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, người dân; học hỏi kinh nghiệm quốc tế vận dụng khoa học, sáng tạo vào xây dựng quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng; nhanh chóng cụ thể hóa Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.