Trong hai ngày 10 - 11/3, tại TP Hồ Chí Minh, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cùng Quỹ dân số Liên Hiệp quốc (UNFPA) tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo chính sách pháp luật về di dân và góp ý dự thảo Luật Dân số.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận và cho ý kiến về những vấn đề sẽ quy định trong dự thảo Luật Dân số, để khi được thông qua sẽ là một đạo luật nhân văn, phù hợp với thực tiễn. Việt Nam đã trải qua hơn 10 năm thực hiện Pháp lệnh dân số và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, một số vấn đề về dân số mới phát sinh nhưng chưa được điều chỉnh bằng các văn bản luật, gây ra những khó khăn nhất định. Trong đó, tình trạng di cư đang diễn ra khá mạnh trong những năm gần đây, ảnh hưởng nhiều đến chính sách Nhà nước và quyền lợi người dân.
Người cao tuổi tập dưỡng sinh
Hiện, Đông Nam Bộ là vùng nhập cư số 1 của nước ta theo cả ba tiêu chí về số người, tốc độ tăng và tỉ suất nhập cư (chiếm 61% người nhập cư). Trong giai đoạn 1994 - 1999, chỉ có 43% người di cư chọn Đông Nam Bộ là điểm đến thì giai đoạn 2004 - 2009 đã lên tới 70%. Theo ông Nguyễn Đình Cử, Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Đại học Kinh tế quốc dân), với những thực trạng đang diễn ra, chúng ta cần phải tập trung nghiên cứu và xây dựng chính sách, nhằm tháo gỡ khó khăn cho hàng triệu người di cư do có sự khác biệt giữa hộ khẩu và nơi cư trú thực tế.
Có như vậy mới vừa phát huy được nguồn lực của người di cư và đảm bảo quyền lợi của họ từ các chính sách xã hội. Cùng quan điểm trên, bà Trần Thị Vân, đại diện UNFPA tại Việt Nam cho rằng, khảo sát thực tế cho thấy, trong hai thập kỷ qua, di cư trong nước đã gia tăng ở mức độ chưa từng có. Nhưng người di cư hiện còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Do đó, cần xây dựng chính sách pháp luật về dân số phù hợp để định hướng và điều tiết hiệu quả di cư.
Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, với lực lượng dân số trẻ dưới 24 tuổi khá đông đảo. Tuy nhiên, theo các đại biểu, chúng ta sẽ phải đối mặt với vấn đề già hóa dân số trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tốc độ chuyển từ già hóa dân số sang cơ cấu dân số già của Việt Nam có thể rất nhanh, trong vòng 20 - 40 năm (so với các nước phát triển là khoảng 70 - 80 năm).
Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Hiện dân số nước ta khá ổn định, tỷ lệ tăng dân số không cao. Riêng TP Hồ Chí Minh chỉ có 3% gia đình sinh con thứ 3. Nhưng trên thực tế, hiện có nhiều gia đình, kể cả cán bộ Nhà nước ở các đô thị rất muốn sinh con thứ ba, nhưng vướng quy định. Do đó, khi xây dựng Luật, chúng ta sẽ chú ý có những quy định phù hợp, hạn chế việc già hóa dân số trong tương lai. Tuy nhiên, cũng phải có điều chỉnh để cân bằng tỷ lệ sinh ở đô thị và nông thôn, vì hiện nay còn chênh lệch khá lớn.