Chi cục Thủy sản Tiền Giang cho biết, thời gian qua có một số thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng cho rằng người nuôi cá lồng bè “điêu đứng” gây tâm lý lo lắng cho người nuôi cá, có thể ảnh hưởng đến hiệu quả vụ cá bè đang nuôi.
Trước tình hình này, Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản nắm lại tình hình sức khỏe cá nuôi do xâm nhập mặn ở các vùng nuôi cá bè.
Qua khảo sát tình hình nuôi cá bè ở khu vực phường Tân Long và xã Thới Sơn (Tp Mỹ Tho, Tiền Giang) cho thấy, đối tượng thủy sản nuôi bè chủ yếu là cá điêu hồng chiếm trên 90%, cá chim trắng nước ngọt nuôi chỉ khoảng 2-3%, còn lại một số ít nuôi đối tượng khác như lăng nha, trê lai, he… Hiện tại cá nuôi vẫn khỏe mạnh và phát triển bình thường.
Trước đó, từ ngày 12/03 đến ngày 15/03, theo kết quả quan trắc môi trường của Chi cục Thủy sản, vùng nước khu vực làng bè phường Tân Long và Thới Sơn có độ mặn cao nhất là 3,9‰ lúc nước lớn. Thực tế cho thấy, độ mặn tăng đột ngột theo con nước trong thời gian này có ảnh hưởng đến cá điêu hồng bè làm cá giảm ăn và mức độ hao hụt của một số bè cá tăng nhẹ nhưng những ngày sau đó thì cá trở lại bình thường.
Hiện tại xâm nhập mặn chưa ảnh hưởng lớn đến cá nuôi bè nhưng người nuôi cá cần chú ý các giải pháp hạn chế thiệt hại
Còn nhóm bè của hộ ông Lâm Văn Khóe (là cha ông Lâm Văn Tánh) ngụ phường Tân Long có 10 bè nuôi cá chim trắng thuộc nhóm hộ nuôi cá bè có thiệt hại cao nhất với khối lượng cá chết từ 100-200 kg/ngày, kéo dài trong 2-3 ngày, sau đó cá nuôi phát triển bình thường. Cá chim ảnh hưởng và chết nhiều đa phần là cá lớn trên 300 gram, cá nhỏ ít bị ảnh hưởng hơn.
Như vậy, việc ảnh hưởng của nước mặn đến các vùng nuôi cá bè của tỉnh là có nhưng chưa nhiều nên bà con nuôi cá bè cần yên tâm sản xuất. Để hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến cá nuôi bè trong thời gian tới, Chi cục Thủy sản cho biết sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các yếu tố thủy lý hóa vùng nuôi cá bè, nhất là chỉ tiêu độ mặn để kịp thời có giải pháp xử lý thích hợp khi độ mặn tăng cao gây ảnh hưởng lớn đến người nuôi cá bè.
Đồng thời, Chi cục Thủy sản khuyến cáo: Người nuôi cá bè thường xuyên theo dõi thông tin độ mặn. Nếu các đối tượng thủy sản nuôi đạt kích cỡ thương phẩm thì các cơ sở nuôi chủ động thu hoạch ngay (không chờ giá) khi độ mặn có xu hướng tăng cao đạt mức từ 7‰ để hạn chế thiệt hại có thể xảy ra. Đối với cá bè đã thu hoạch chưa thả giống trở lại, người nuôi cá bè cần kiểm tra, tu sửa hệ thống lồng bè thật kỹ nhằm tránh thất thoát khi thả giống nuôi. Thường xuyên kiểm tra độ mặn nước trên sông và có kế hoạch thả giống phù hợp, tuyệt đối không nên thả giống nuôi khi nguồn nước có độ mặn cao (từ 3‰ trở lên).
Đối với các lồng bè nuôi thủy sản đã thả giống, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến môi trường nuôi, nhất là độ mặn, để có kế hoạch chăm sóc quản lý phù hợp cho cá nuôi. Khi nhiệt độ và độ mặn tăng cao thì khả năng khuếch tán oxy từ không khí vào nước giảm (nồng độ oxy bảo hòa giảm) vì mật độ thả nuôi cá trong bè rất cao. Do đó, người nuôi cá bè cần tăng cường sục khí khi “nước đứng”, giảm mật độ nuôi hoặc nếu có điều kiện chủ động di dời lồng bè đến vùng nuôi an toàn, hoặc chuyển các đối tượng nuôi vào hệ thống các ao đất khi độ mặn được dự báo có thể lên 7‰.