Trong khuôn khổ Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2023, tối 22/4, tại công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ diễn ra chương trình trình diễn bộ sưu tập áo dài và xác lập các kỷ lục Guinness Việt Nam dành cho áo dài “Non sông gấm vóc”.
Chiếc áo dài kỷ lục “Non sông gấm vóc” dài 178m, nặng gần 200kg, được thực hiện in, vẽ tay, thêu tay, đính kết với 410m vải và hàng triệu hạt pha lê lấp lánh, 50m tơ ông viền, 380m dây viền kết đá, 100 cuộn len đũa và len xù và hơn 300 viên đá to lấp lánh kết hợp với hàng ngàn cánh sen gấm, lá sen.
Thân trước của áo dài là họa tiết trống đồng Âu Lạc biểu trưng của nền văn hóa Hùng Vương khai quốc.
Với tâm huyết, công sức và thời gian làm việc cần mẫn của nhà thiết kế Phương Hồ cùng hơn 20 thợ may - thợ thêu ngày đêm cho chiếc áo dài rất đặc biệt này.
Ngoài ra, chiếc áo dài "Non sông gấm vóc" còn khắc họa vẻ đẹp hùng vĩ, nên thơ của dải đất Việt Nam hình chữ S, lấy Đền Hùng (Phú Thọ) làm trung tâm kết nối và lan tỏa các giá trị di sản văn hóa dân tộc Việt Nam.
Bà Phương Hồ, Trưởng Ban tổ chức chương trình cho biết: “Non sông gấm vóc trong tâm trí những người con Việt có thể nói là lòng tự hào dân tộc. Áo dài “Non sông gấm vóc” là tất cả tâm huyết của tôi dành tặng cho đất tổ. Phương Hồ cũng mong rằng trên hành trình bắc-nam của mình, Phú Thọ có thể là nơi phát triển nhiều hơn các chương trình văn hóa nghệ thuật thời trang nhằm góp phần cùng với thành phố Việt Trì không chỉ là một thành phố của các lễ hội mà còn là thành phố chinh phục nhiều kỷ lục nhất Việt Nam”.
Bên cạnh chiếc áo dài kỷ lục “Non sông gấm vóc”, các nhà thiết cũng đã dày công sáng tạo cho ra nhiều bộ sưu tập như: Linh thiêng nguồn cội; sắc cọ; Sen gấm..., để trình diễn trên cung đường trình diễn hơn 500m với số lượng gần 3.800 người mặc áo dài tham dự sự kiện văn hóa, nghệ thuật.
Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng là lễ hội thường niên của toàn dân tộc, là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên quê hương đất Tổ. Đây còn là cơ hội để thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo vùng đất Tổ, tạo sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch, quảng bá rộng rãi tiềm năng, thế mạnh tài nguyên du lịch văn hóa địa phương.