Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội và Chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP vừa tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến về dự án Luật Phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.
Luật Phòng chống thiên tai gồm 5 chương 46 điều sẽ khắc phục những nhược điểm trên dựa vào các yếu tố như: trên cơ sở nền tảng pháp luật có sẵn sẽ bổ sung những quy định mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn, luật hóa một số quy định trong văn bản dưới luật nhằm tăng giá trị pháp lý của các quy định này và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Diệu cho biết, dự thảo Luật quy định khá cụ thể về các vấn đề phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Đồng thời quy định quyền và nghĩa vụ không chỉ của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp mà còn quy định quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình. Tức là quy định cấp nào chịu trách nhiệm gì, dân chịu trách nhiệm gì, chính quyền, Trung ương chịu trách nhiệm đến đâu…
Lũ lụt gây khó khăn lớn cho cuộc sống của người dân (Ảnh: TL)
Tuy nhiên, theo quan điểm của Cục Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu - Bộ TN&MT, khoản 2 Điều 40 dự luật quy định giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành giúp Chính phủ trong việc thực hiện quản lý nhà nước về phòng chống thiên tai trong phạm vi thẩm quyền được giao có thể gây khó cho việc phân định rành mạch, rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền cũng như quá trình tổ chức triển khai thực hiện công việc có liên quan đến phòng chống thiên tai của các bộ. Mặt khác, theo chủ trương cải cách hành chính hiện nay, trong phân định chức năng, nhiệm vụ giữa các Bộ cần đảm bảo nguyên tắc “một việc chỉ giao cho một bộ, một cơ quan phụ trách và chịu trách nhiệm chính”.
Do vậy, để đảm bảo nguyên tắc trên cần phân tích rõ ràng chức năng, nhiệm vụ thẩm quyền của từng bộ, ngành đối với từng nội dung phòng, chống thiên tai tương ứng và giao cho một bộ có chức năng giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về phòng chống thiên tai trong Luật. Đồng thời cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của bộ khác đối với từng lĩnh vực cụ thể liên quan phục vụ hoạt động phòng chống thiên tai.
Đại diện Ban Chỉ huy PCBL tỉnh Lào Cai thì cho rằng, cần phải bổ sung quy định UBND các cấp phê duyệt phương án và giao dự toán kinh phí cho các cơ quan đơn vị chuẩn bị vật tư, dụng cụ, nhu yếu phẩm phải mua dự trữ hoặc dự trữ bằng tiền để khi xảy ra thiên tai ứng phó kịp thời.
Nguyên Bình