Truy tố bác sĩ sau tai biến chạy thận ở Hòa Bình: Bộ Y tế nói gì?

Thảo Nguyên| 22/03/2018 06:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều ngày 21/3, Bộ Y tế tổ chức họp báo cung cấp thông tin về vụ việc khởi tố bác sĩ Hoàng Công Lương.

Tại buổi họp báo, TS Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) khẳng định, tai biến trong vụ chạy thận khiến 8 bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình là hết sức đau lòng, hi hữu và là sự cố y khoa rất nghiêm trọng đối với ngành y tế. Ông Quang thừa nhận, sự cố y khoa này đã gây rúng động dư luận xã hội, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành y tế trong việc cung cấp cấp dịch vụ khám, chữa bệnh cho người dân.

Liên quan đến vụ việc, Viện KSND Hòa Bình đã ra cáo trạng truy tố bác sĩ Hoàng Công Lương cùng 2 người khác. Trước thông tin này, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, sau khi cơ quan Cảnh sát điều tra Hòa Bình khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 3 bị can, Bộ Y tế và hội nghề nghiệp đã vào cuộc.

“Bộ Y tế có quan điểm nhất quán là vụ việc tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng nên mong muốn cơ quan chức năng khẩn trương xem xét, điều tra đưa vụ án ra xét xử làm rõ trách nhiệm các bị can trong vụ án.

Truy tố bác sĩ sau tai biến chạy thận ở Hòa Bình: Bộ Y tế nói gì?

TS Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế)

Bộ cũng mong cơ quan bảo vệ pháp luật, khi xem xét, điều tra, tuy tố phải đảm bảo nguyên tắc tuân theo hiến pháp và pháp luật, không bao che cho cán bộ nào. Hiện nay, cơ quan chức năng chưa có hoạt động xét xử vụ án, nhưng Bộ Y tế đã có những chỉ đạo mới về chạy thận, kiểm tra quy trình chạy thận nhân tạo, quản lý thiết bị vật tư y tế về chạy thận, hoàn thiện pháp lý đảm bảo cho người bệnh”, ông Quang thông tin.

TS Quang cũng phân tích: Cơ quan điều tra truy tố bác sĩ Hoàng Công Lương tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Nhưng bác sĩ là người chịu trách nhiệm việc chữa bệnh bao gồm “cấp cứu, điều trị, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người bệnh”. Bác sĩ Lương với chuyên môn về thận nhân tạo sẽ chịu trách nhiệm xem bệnh nhân có được chỉ định lọc máu hay không và thực hiện các quy trình chuyên môn để tiến hành lọc máu cho bệnh nhân. Thiết bị y tế do bộ phận quản lý trang thiết bị của bệnh viện quản lý. Chất lượng trang thiết bị không phải trách nhiệm của bác sĩ điều trị. Bác sĩ Lương không phải chịu trách nhiệm về chất lượng nước đã qua hệ thống lọc RO, kể cả sau khi hệ thống được bảo trì, bảo dưỡng.

"Việc kiểm tra nước tinh khiết RO để chạy thận phải qua thiết bị chuyên ngành mới xác định được. Trong khi đó, bác sĩ Lương chưa được đào tạo thì không thể kiểm tra được. Vì vậy, dù có kiểm tra thì bác sĩ Lương cũng không thể biết được nước RO đã đảm bảo hay chưa. Hơn nữa, dù bác sĩ Lương có báo cáo với Trưởng khoa thì cũng không thể biết được nước RO đó đã đảm bảo hay không. Và như vậy, tai biến vẫn sẽ xảy ra. Bác sĩ Lương có kiểm tra, báo cáo thì các bệnh nhân vẫn có chất lạ vào cơ thể và đây là nguyên nhân dẫn đến tử vong. Đối chiếu với cáo trạng của Viện KSND Hòa Bình thì nội dung gây đến hậu quả nghiêm trọng như trên thì cáo trạng đối với bác sĩ Lương là chưa thực sự thuyết phục”, ông Quang nêu quan điểm.

Truy tố bác sĩ sau tai biến chạy thận ở Hòa Bình: Bộ Y tế nói gì?

Ông Quang cũng cho hay, với tội danh này, nếu đưa ra xét xử, bác sĩ Lương có thể phải nhận bản án 7-12 năm tù, như vậy bác sĩ sẽ không có cơ hội và niềm tin để quay lại với nghề nghiệp, trong khi đây là một bác sĩ được đào tạo bài bản, có nhân thân tốt.

Bộ Y tế kiến nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật nghiên cứu kỹ cáo trạng của VKS và Toà án xét xử định danh theo đúng tinh thần, thuyết phục, đúng người, đúng tội. Bộ Y tế cũng cho biết, sẽ có hai luật sư tham gia bào chữa cho bị can Hoàng Công Lương khi vụ án được đem ra xét xử.

"Sở dĩ đến thời điểm này Bộ Y tế mới lên tiếng bởi Bộ không can thiệp vào hoạt động điều tra mà để cơ quan bảo vệ pháp luật làm việc độc lập, nghiêm minh”, TS Quang cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truy tố bác sĩ sau tai biến chạy thận ở Hòa Bình: Bộ Y tế nói gì?