"Quay cuồng" chống chọi bệnh tay chân miệng

Chí Tâm| 08/10/2018 14:09
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong khi các loại dịch bệnh như sởi, sốt xuất huyết đang tấn công thì dịch bệnh tay chân miệng (TCM) cũng bùng phát khiến các cơ sở y tế phải "căng mình" tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân.

Diễn biến phức tạp

PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, TCM là bệnh do virus lây qua đường tiêu hóa. Bệnh bắt đầu xuất hiện rải rác và gây thành những ổ dịch nhỏ tại Việt Nam từ những năm cuối của thập niên trước. Năm 2011, tay chân miệng đã gây ra dịch lớn trên cả nước với hơn 150 trường hợp tử vong.

Trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 53.529 trường hợp mắc bệnh TCM tại 63 tỉnh, thành phố; trong đó 6 trường hợp tử vong tại khu vực phía Nam. Các tỉnh thành ghi nhận số mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây như TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng…

Thống kê từ Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, số ca mắc bệnh tay chân miệng tích lũy từ đầu năm đến nay trên địa bàn là hơn 1.600 ca, dù chưa tăng đột biến nhưng so với cùng kỳ năm ngoái đã tăng gần gấp đôi. Hiện, trung bình mỗi tuần có thêm 30-50 ca mắc mới.

Số trẻ nhỏ mắc bệnh TCM tại Hà Nội từ đầu năm đến nay tăng mạnh

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm đến nay, bệnh viện tiếp nhận hơn 770 trường hợp mắc TCM, hiện tại 12 trẻ đang nằm điều trị tại khoa Truyền nhiễm. Trong khi cả năm 2017, Bệnh viện Nhi Trung ương mới tiếp nhận hơn 200 ca TCM.

Theo bác sĩ Trần Thị Thu Hương - Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, so với cùng kỳ năm 2017, số trẻ nhập viện do TCM tăng gấp 4, trong đó có nhiều ca biến chứng nặng vào tim, phổi, não, riêng biến chứng viêm não chiếm 15-20%, trong khi mọi năm tỷ lệ này dưới 5%.

Đáng lưu ý, phần lớn mẫu bệnh phẩm xét nghiệm tìm căn nguyên gây bệnh TCM đều phát hiện trẻ nhiễm chủng Enterovirus 71 (EV71) - loại virus từng gây dịch lớn trên cả nước vào năm 2011, làm nhiều trẻ tử vong.

Tại TP.HCM, thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP cho thấy, các ca bệnh có xu hướng tăng trong tháng 8 và tháng 9 với hơn 200 ca nhập viện mỗi tuần, có những tuần gần 300 ca, tăng 47% so với các tháng trước đó. Tổng số ca bệnh nhập viện do mắc bệnh TCM của TP hiện là 3.200 ca và 15.500 ca điều trị ngoại trú.

Tương tự, tại tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến nay có hơn 4.000 ca mắc bệnh TCM, trong đó 90% là trẻ dưới 3 tuổi.

Dự báo dịch bệnh TCM có xu hướng gia tăng trong thời gian tới do tính chất lây truyền, đặc biệt trong mùa tựu trường, học sinh tập trung vào năm học mới và hiện chưa có vắc xin phòng bệnh.

Bác sĩ quay cuồng chống dịch

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, khoa đang trở nên quá tải khi phải gánh cùng lúc 2 dịch bệnh theo mùa là sởi và TCM, đặc biệt, số bệnh nhi mắc TCM nhập viện liên tục. Một số thời điểm, khoa phải tiếp nhận và điều trị hơn 240 bệnh nhi. Do dịch sởi và TCM không thể ở chung một khoa, ảnh hưởng đến vấn đề chống dịch, bệnh viện buộc phải cải tạo căng tin thành phòng bệnh và kê thêm giường mới đáp ứng đủ lượng bệnh nhi nhập viện gia tăng.

Những ngày qua bệnh viện đã hỗ trợ mì gói, xúc xích, sữa cho các y bác sĩ dùng thêm trong đêm trực. Hơn 50 điều dưỡng, 13 bác sĩ của khoa phải tăng cường công suất làm việc, hạn chế nghỉ phép tối đa. Lịch làm việc của bác sĩ Khanh cũng xáo trộn vì phải đi hỗ trợ chống dịch ở các tỉnh, hội chẩn các ca bệnh nặng, nghi ngờ bệnh nhiễm từ các khoa khác.

"Mùa chống dịch dạy các y bác sĩ trẻ lớn thêm, nhạy bén hơn, sức chịu đựng tăng dần, nhưng vài người quá sức phải ngừng cuộc chiến. Ai cũng nói to hơn vì bệnh vô liên tục, trong phòng nhiều tiếng khóc, bước nhanh hơn vì nhiều bé cần làm gấp, tư duy nhanh hơn vì cần phối hợp hội chẩn, mượn thuốc, xin dụng cụ, bàn giao bệnh", bác sĩ Khanh chia sẻ.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh thăm khám cho bệnh nhi mắc tay chân miệng ở phòng cấp cứu

Phân tích chuyên môn của bác sĩ Trương Hữu Khanh cho thấy, nguyên nhân dịch TCM bùng phát được cho là đến chu kỳ hàng năm song song đó có 2 chủng virus mới nên khiến nhiều trẻ mắc bệnh. Thông thường, thời gian điều trị theo phác đồ cho các bệnh nhi này chỉ từ 4 ngày đến một tuần. Tuy nhiên, lần này bệnh viện phải theo dõi kỹ nên thời gian nằm viện kéo dài hơn. Thời điểm này mới chỉ là đầu mùa dịch, nếu khống chế ở mức trung bình đến cuối tháng 11 dịch sẽ hết.

Theo PGS.TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, bệnh TCM đã được cảnh báo rất nhiều tới cộng đồng và nhận thức của người dân về căn bệnh này cũng đã tốt hơn rất nhiều. Tuy nhiên, năm nay do số ca mắc nhiều, nhiều ca nặng nên các bậc phụ huynh phải đặc biệt lưu ý, nhất là với trẻ dưới 3 tuổi. Nếu trẻ có các triệu chứng như sốt cao kéo dài hơn 2 ngày, nôn ói thì phải đưa trẻ đi khám. Một dấu hiệu khác của bệnh TCM mà các bậc cha mẹ ít để ý, đó là trẻ giật mình trong lúc thiu thiu ngủ. Nếu thấy trẻ giật mình trên 2 lần trong 30 phút kèm sốt cao trên 2 ngày thì phải lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế.

Để chủ động phòng chống bệnh TCM, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Để phòng bệnh, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Quay cuồng" chống chọi bệnh tay chân miệng