Mới đây, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT cho biết: Từ dữ liệu phân tích điểm thi THPT quốc gia năm 2019, tỉ lệ tốt nghiệp THPT trên cả nước đạt 94,06%.
Năm 2018, tỷ lệ tốt nghiệp THPT toàn quốc đạt 97,57% (trong đó giáo dục THPT đạt 98,36 %, giáo dục thường xuyên đạt 88,37%). Như vậy, tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm nay giảm so với năm 2018 là 3,51%.
Ảnh minh họa.
Điều đó phần nào cho thấy kết quả tốt nghiệp có sự khác biệt giữa các tỉnh/vùng miền, phản ánh trung thực chất lượng dạy học của các địa phương. Các tỉnh/thành phố có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi, có truyền thống thì tỷ lệ tốt nghiệp cao (các thành phố lớn, các tỉnh Đồng bằng sông Hồng…); nhiều tỉnh ở miền núi phía bắc, Tây Nguyên, Tây nam bộ có tỷ lệ tốt nghiệp thấp hơn.
Xoay quanh thông tin kỳ thi THPT quốc gia năm nay, trả lời trên kênh VTV1 tối 15/7, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ: "Nhiều địa phương coi tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là một trong những công việc quan trọng và chỉ đạo sát sao với trách nhiệm rất cao. Những địa phương mà lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng như cá nhân tôi đi kiểm tra đều thực hiện rất nghiêm túc theo quy chế".
Cũng theo thống kê từ Bộ GD-ĐT, năm nay tổng số thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia là 886.650, giảm gần 40.000 so với năm ngoái. Tuy nhiên, số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng lại tăng hơn 10.000, ở mức 653.000 thí sinh. Trong đó, thí sinh tự do chiếm khoảng 4,3%.
Bên cạnh đó, cách tính điểm xét tốt nghiệp được điều chỉnh theo hướng điểm thi chiếm 70% điểm xét tốt nghiệp THPT (tăng 20% so với năm 2018), điểm trung bình cả năm lớp 12 chỉ chiếm 30%.