Luật Giáo dục đại học chỉ nên điều chỉnh những vấn đề thuộc giáo dục đại học

Ngô Chuyên| 16/11/2018 21:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trước sự tranh cãi có nên quy định văn bằng riêng cho các ngành đặc thù như y tế, đại diện Bộ GD-ĐT đã nêu ý kiến của Bộ về vấn đề trên.

Cụ thể, theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT cho biết: “Trong hệ thống giáo dục đại học chỉ có 3 trình độ đào tạo gồm: Đại học, Thạc sĩ và Tiến sĩ. Bác sĩ, Luật sư, nghệ sĩ… là chức danh nghề nghiệp do hội nghề nghiệp công nhận, cấp chứng chỉ chứ không phải là bằng công nhận đã tốt nghiệp một trình độ đào tạo. Tương tự, trong đào tạo y khoa, các chức danh, ngành đào tạo Bác sĩ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 là một chứng chỉ nghề nghiệp mà những người tốt nghiệp đại học Y phải học để đủ điều kiện hành nghề”.

“Do vậy, nếu quy định về văn bằng tương đương ở điều 38 trong Dự thảo Luật đại học sẽ dẫn đến việc xây dựng chương trình định hướng nghề nghiệp bị sai lệch theo chuẩn thạc sĩ, tiến sĩ. Nếu quy định trình độ trình độ tương đương giữa đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ với bác sĩ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 sẽ không minh bạch  và không kiểm soát được chất lượng, trình độ, văn bằng. Quan điểm của Bộ GD-ĐT vẫn tuân thủ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ là bằng tương đương nhưng trình độ nào phải định danh trình độ đó”, bà Phụng nhấn mạnh.

 Luật Giáo dục đại học chỉ nên điều chỉnh những vấn đề thuộc giáo dục đại học

Ảnh minh họa. Ngô Chuyên.

Bà Phụng phân tích thêm, các sĩ chuyên khoa 1, 2 là những chứng chỉ nghề nghiệp thuộc hệ thực hành trong bệnh viện. Thạc sĩ, Tiến sĩ là hệ hàn lâm để phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu trong các đại học và học viện. Bản thân Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khi phát biểu tại Hội trường Quốc hội ngày 27/10/2018 cũng đã nói rõ việc đào tạo nhân lực y tế “đi theo hai hệ, một hệ hàn lâm là thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư là giảng dạy, nghiên cứu. Còn hệ thực hành là bác sĩ chuyên khoa, rất quý giá trong thực hành. Hai hệ đó hoàn toàn khác nhau, không thể nói tương đương, không thể nói hệ này kém hệ kia mà mỗi hệ là một nghề, mặc dù chúng ta có thể gọi là bác sĩ”.

Còn đối với khái niệm chuẩn giảng viên trong Dự thảo Luật là đề cập tới trình độ và văn bằng của các giảng viên giảng dạy của cơ sở giáo dục đại học. “Đối với các ngành nghề nghiệp chuyên sâu như văn hoá, nghệ thuật hay y tế, các nghệ sĩ nhân dân, bác sĩ giỏi có bằng chuyên khoa 1, 2 vẫn là giảng viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng giảng dạy thực hành cho sinh viên y khoa”, bà Phụng cho hay.

Trong Nghị định 75/2017 của chính phủ đã quy định chức năng nhiệm vụ của Bộ Y tế: Xây dựng và ban hành các điều kiện đảm bảo chất lượng và chuẩn đầu ra đối với đào tạo chuyên khoa đặc thù ngành y tế (không bao gồm các trình độ đào tạo của giáo dục đại học).

Như vậy, hệ thống pháp luật và văn bản dưới luật đã phân định rõ từng lĩnh vực và pháp luật điều chỉnh với từng lĩnh vực. Luật giáo dục đại học chỉ nên điều chỉnh những vấn đề thuộc giáo dục đại học. Nếu cần đưa vấn đề đào tạo bác sĩ chuyên khoa, nội trú vào văn bản Luật thì đề nghị đưa vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh (và tương tự là Luật Dược, đối với đào tạo trình độ dược sĩ chuyên khoa, sau khi tốt nghiệp đại học dược). Lần sửa luật này nên tiếp nối điều đó để đảm bảo tính hệ thống.

Về đào tạo và cấp văn bằng sau đại học công nhận trình độ thực hành ở một số ngành chuyên môn đặc biệt (quy định trong Điều 38 và Điều 43), trong báo cáo của UBTVQH về luật Giáo dục năm 2009 có ghi: Theo kết quả tổng hợp phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội, đa số ý kiến nhất trí với việc bỏ quy định cấp văn bằng tương đương trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, đồng thời đề nghị quy định việc đào tạo và cấp văn bằng sau đại học (không tương đương trình độ thạc sĩ, tiến sĩ) để công nhận trình độ thực hành, ứng dụng cho một số ngành chuyên môn đặc biệt".

Khi đưa ra biểu quyết lấy ý kiến tại hội trường, chỉ có 23% Đại biểu Quốc hội muốn có tương đương. 69% đồng ý với Bộ GD-ĐT nên cả luật giáo dục 2009 và luật giáo dục đại học 2012 đều không có chữ tương đương. Năm 2012, khi xây dựng Luật giáo dục đại học, Bộ Y tế cũng đưa ra vấn đề này nhưng Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng không đưa vào.

Theo đó, bà Phụng cũng đề xuất, để cấp văn bằng trong hệ thống giáo dục quốc dân do Bộ GD-ĐT quản lý (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ). Đào tạo để cấp chứng chỉ nghề nghiệp chuyên sâu do bộ chuyên ngành hoặc hiệp hội nghề nghiệp quản lý (hầu hết các nước mà nhóm đã tham khảo) đào tạo nội trú chuyên khoa thuộc loại hình đào tạo này.

Đào tạo nghề sau khi có bằng tốt nghiệp đại học (luật sư, kiểm toán, thẩm phán, Kiểm sát viên, chấp hành viên, bác sĩ chuyên khoa, dược sĩ chuyên khoa…) đã và đang đưa vào các luật chuyên ngành tương ứng Luật Luật sư, Luật Kiểm toán, Luật tổ chức toà án, Viện kiểm sát… Cần tiếp tục đưa vào Luật Khám chữa bệnh, Luật Dược để đảm bảo tính hệ thống và có cơ sở.

Đào tạo của hệ thống chính trị: Bằng lý luận chính trị cao cấp do các quy định của Đảng và công tác cán bộ; Đào tạo chức sắc tôn giáo thuộc các quy định nội bộ của từng tổ chức (mặc dù các tổ chức này đang gọi là đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ tôn giáo)…

Luật hiện hành có quy định và Dự thảo tiếp tục quy định về đào tạo các ngành chuyên sâu đặc thù tại Điều 6 và Điều 38 nhưng không nên có chữ “tương đương”, là để áp dụng trong phạm vi của hệ thống giáo dục đại học;

Bà Phụng dẫn chứng, hiện Bộ GD-ĐT đã quy định bằng kỹ sư theo chương trình đào tạo của Pháp tương đương thạc sĩ. Nếu đào tạo bác sĩ hiện nay mà chứng minh chuẩn đầu ra tương đương bậc 7 thì cũng tương đương thạc sĩ. Trong khi đó, trình độ đào tạo Kỹ sư, bác sĩ hiện nay đang thuộc hệ thống giáo dục đại học.

Các quy định về công chức, viên chức, vị trí việc làm, mức lương… có thể xác định tương đương giữa các kênh đào tạo để quy định chế độ, chính sách phù hợp cho các vị trí công tác.

Cho phép liên thông các kênh đào tạo trên theo đúng nguyên tắc của Khung trình độ quốc gia (tương tự quy định Thông tư Liên tịch số 30/2003/TTLT-BGDĐT-BYT) để đáp ứng nhu cầu “học tập suốt đời”.

Quy định như vậy để các bác sĩ nội trú, chuyên khoa và các chức danh nghề nghiệp khác có thể tự hào và toả sáng bằng chính chức danh, định danh của mình mà không cần quy chiếu tương đương với bất kỳ trình độ nào khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật Giáo dục đại học chỉ nên điều chỉnh những vấn đề thuộc giáo dục đại học