Sau khi chọn được ngành yêu thích nhiều học sinh cân nhắc đến chi phí như học phí, tiền sinh hoạt hàng tháng để chọn trường. Bởi học sinh ở vùng nông thôn để có chi phí đi học là cả một bài toán lớn.
Theo như tâm sự của nữ sinh Trần Thị Hoài (trường THPT Đồng Lộc – Hà Tĩnh), Hoài đang đang cân nhắc việc chọn học ở thành phố Vinh hay Hà Nội. Hoài chia sẻ: “Em muốn học ngành kế toán, sau khi xem xét mức học phí ở hai trường em tính đến phương án chọn thành phố nào. Và em ưu tiên chọn trường gần nhà, mức sinh hoạt hàng tháng rẻ để học đồng thời đi lại không quá tốn kém”.
Hoài cũng tâm sự thêm, gia đình em ngoài đi học ra còn có hai đứa em đi học nữa nên em và bố mẹ tính đến phương án chọn được ngành học thì cân nhắc chuyện chọn học ở đâu. Bố mẹ em động viên, học ở đâu cũng vậy nếu chăm chỉ, có kỹ kiến thức vững, kỹ năng tốt thì sau ra trường không quá khó khăn trong việc tìm việc làm.
Học sinh nghe tư vấn tuyển sinh tại Trường ĐH Luật Hà Nội năm 2018. Ảnh Ngô Chuyên.
Còn theo chia sẻ của em Nguyễn Thị Thư (học sinh trường THPT Cẩm Bình cho biết): “Chúng em thường chọn trường thường căn cứ vào điều kiện kinh tế của gia đình. Đặc biệt là với những học sinh vùng nông thôn như bọn em thì học phí quyết định một phần không nhỏ tới việc lựa chọn môi trường học tập”.
“Nhiều bạn của em nguyện vọng được học ở những trường top, thậm chí có đủ khả năng để thi vào trường đó nhưng vẫn không lựa chọn chỉ vì những trường đó thường nằm ở khu vực trung tâm các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM chi phí ăn ở, học tập cao vượt quá khả năng chi trả của gia đình”, Thư nói thêm.
Có niềm yêu thích với ngành điện nhưng gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cộng năng lực học trung bình nên nam sinh Đặng Văn Hùng (học sinh trường THPT Nghèn - Hà Tĩnh) chọn phương án học nghề. Hùng nói: “Em tìm hiểu ngành điện công nghiệp ở nhiều trường lớn như: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Công nghiệp Hà Nội đào tạo rất tốt nhưng do năng lực em hạn chế, đồng thời kinh tế gia đình cũng khó khăn bởi vậy nên sau khi thi xong tốt nghiệp em chọn phương án đi học nghề”.
Cũng có con đầu năm nay thi vào đại học, chị Nguyễn Thị Thảo (ở Hà Tĩnh) tâm sự: “Tôi chứng kiến nhiều gia đình ở gần nhà có con đi học đại học, họ đã phải chuẩn bị kinh tế từ mấy năm trời trước đó. Bởi nông dân, chủ yếu bám vào ruộng đồng nên có đứa con nào học tốt, có thể vào đại học thì phải chuẩn bị kinh tế từ trước chứ đến ngày mới chuẩn bị thì không kịp. Tôi cũng tham khảo nhiều gia đình, họ cũng định hướng con chọn những trường nào gần nhà một chút để tiết kiệm được chi phí sinh hoạt hàng tháng hoặc chọn trường nào có mức học phí vừa phải”.
Chị Thảo cũng nói thêm, vì mình nông dân, hiểu biết về các ngành nghề không nhiều, nên mình chỉ còn cách định hướng cho con thông qua hỏi thầy cô giáo cũng như những người đã có kinh nghiệm từ trước để tư vấn. Ngành yêu thích nhưng kinh tế gia đình cũng quyết định rất nhiều.