Để dạy dỗ học sinh ngoan ngoãn, học giỏi không chỉ là trách nhiệm của riêng giáo viên mà còn là của nhà trường, gia đình và xã hội.
Khi học sinh học kém, thiếu ý thức tổ chức kỷ luật thì trách nhiệm này chủ yếu là của giáo viên, phụ huynh và sự nỗ lực khắc phục khuyết điểm, ý chí cầu tiến, vượt khó của chính học sinh.
Nếu phụ huynh không đôn đốc con đi học đúng giờ, không quan tâm việc con làm bài tập về nhà, không thường xuyên kiểm tra sách vở, không phối hợp với giáo viên để giáo dục con… thì năng lực học tập của con không thể khá lên được.
Lâu nay, khi học sinh có kết quả học tập kém thì phụ huynh, kể cả ban giám hiệu nhà trường thường đổ lỗi trách nhiệm này cho giáo viên. Do đó, giáo viên phải chịu rất nhiều áp lực trong việc dạy học. Để giáo dục các em học sinh có năng lực học tập kém, làm chuyện riêng trong giờ học, không làm bài tập về nhà… thì giáo viên thường áp dụng các hình phạt đối với học sinh.
Ảnh minh họa
Để giáo dục một học sinh biết nghe lời, chấp hành nội quy, quy chế của lớp…thì giáo viên phải có công cụ quản lý đó là hình thức kỷ luật theo quy định. Nhưng trong một số trường hợp việc áp dụng các hình phạt (không phải hình thức kỷ luật) của giáo viên là không phù hợp, phản cảm như bắt học sinh úp mặt vào tường, chép lại bài tập hàng trăm lần, bắt học sinh phải quỳ gối hàng tiếng đồng hồ hoặc véo tai, sử dụng đòn roi…Đây là những hình phạt không phù hợp, cần phải lên án, giáo viên phải bỏ ngay các hình phạt có tính chất xúc phạm danh dự, nhân phẩm và thân thể đối với học sinh.
Giáo dục học sinh là cả một nghệ thuật và quá trình lâu dài, không phải giáo viên biết được kiến thức là có thể đứng trên bục giảng mà cần phải có nhiều kỹ năng khác, trong đó có khả năng nắm bắt tâm lý của học sinh là hết sức quan trọng, để từ đó có biện pháp chấn chỉnh, uốn nắn phù hợp, kịp thời.
Học sinh không ngoan là trách nhiệm không chỉ riêng giáo viên. Đối với học sinh ngỗ ngược, khi giáo viên áp dụng các hình thức kỷ luật theo quy định nhưng học sinh không chịu nghe lời thì phải mời phụ huynh lên làm việc và giao cho phụ huynh có trách nhiệm dạy dỗ; có những việc giáo viên không thể làm thay phụ huynh và ngược lại; phải xác định rõ trách nhiệm của các bên mới có thể giáo dục được một học sinh tốt.
Áp dụng hình phạt đối với học sinh, từ xưa đến nay thì người thầy đều sử dụng, tuy nhiên việc sử dụng hình phạt như thế nào vừa không xúc phạm đến danh dự, thân thể của học sinh, vừa mang tính giáo dục, đó mới là quan trọng.
Khi thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, nếu các hình thức xử phạt đối với học sinh phản cảm, thì giáo viên có thể nhận “gạch đá” và “búa rìu” từ dư luận. Khi đó, ai có lỗi sẽ bị xử lý theo quy định nhưng người tổn thương nhất không ai khác chính là học sinh.
Do vậy, giáo viên cần phải hết sức thận trọng trong việc áp dụng hình phạt đối với học sinh, nếu không hình phạt đó sẽ gây ra những hậu quả đáng tiếc mà người trong cuộc không thể lường được hết.