Điều chỉnh Luật Nhà giáo phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế

Minh Anh| 21/01/2023 07:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bộ GD&ĐT có đã xây dựng Dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo gửi Chính phủ. Qua đó cho thấy xây dựng Luật điều chỉnh về nhà giáo ở nước ta phải phù hợp với những đòi hỏi phát triển sự nghiệp giáo dục trong quá trình hội nhập quốc tế.

Trong Dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo gửi Chính phủ, Bộ GD&ĐT có nêu, kinh nghiệm xây dựng hệ thống pháp luật về giáo dục nói chung ở các nước trên thế giới cho thấy, giáo dục là lĩnh vực quan hệ xã hội hết sức rộng lớn, phức tạp và nhạy cảm, liên quan đến tất cả các lĩnh vực và tác động đến toàn xã hội.

Vì vậy, luật pháp trong lĩnh vực giáo dục không ngừng được phát triển thành một hệ thống văn bản luật ngày càng hoàn chỉnh và nhất quán để có khả năng điều chỉnh các lĩnh vực rộng lớn khác nhau của giáo dục.

Điều chỉnh Luật Nhà giáo phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế

Xây dựng Luật điều chỉnh về nhà giáo ở nước ta, phù hợp với những đòi hỏi phát triển sự nghiệp giáo dục trong quá trình hội nhập quốc tế.

Đây chính là cơ sở khách quan để đề xuất xây dựng Luật điều chỉnh về nhà giáo ở nước ta, phù hợp với những đòi hỏi phát triển sự nghiệp giáo dục trong quá trình hội nhập quốc tế.

Kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới trong xây dựng, ban hành Luật điều chỉnh về nhà giáo và các chính sách về nhà giáo cho thấy, chất lượng của hệ thống giáo dục phụ thuộc vào chất lượng đội ngũ nhà giáo nhưng chất lượng của nhà giáo phụ thuộc vào các chính sách định hình môi trường làm việc của họ và quy định cách thức lựa chọn, tuyển dụng và phát triển họ.

Nhà giáo không chỉ là một phương tiện để thực hiện các mục tiêu giáo dục. Nhà giáo chính là chìa khóa cho sự bền vững và năng lực quốc gia thông qua việc đạt được các chuẩn đầu ra của giáo dục và kiến tạo các xã hội dựa trên kiến thức, giá trị và đạo đức.

Vì lý do này, vị thế nghề nghiệp của nhà giáo phải được đề cập đến như là một yếu tố chủ chốt của mục tiêu giáo dục. Một số quốc gia thực hiện xây dựng và ban hành Luật riêng điều chỉnh về nhà giáo từ khá sớm như: Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Phillipines, Indonesia...

Một số nước có nhiều văn bản luật khác nhau về giáo dục; trong đó có luật nhằm thể chế hóa một số chính sách đặc trưng của nhà giáo. Một số nước chưa có luật riêng về nhà giáo nhưng vấn đề về đội ngũ nhà giáo cũng được quan tâm, phát triển trong một hệ thống chính sách toàn diện. Có những nước như: Anh, Nhật Bản, Áo ban hành nhiều đạo luật khác nhau về nhà giáo; các đạo luật đó gộp lại thì thể chế hóa hầu hết mọi chính sách liên quan đến nhà giáo.

Dự thảo Tờ trình cũng nhấn mạnh mục đích xây dựng Luật Nhà giáo nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo; tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo; tạo cơ hội cho nhà giáo yên tâm hoạt động nghề nghiệp và có những đóng góp tốt hơn cho Ngành, cho đất nước.

Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nhà giáo và bảo đảm định hướng chính trị đúng đắn đối với công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo. Nâng cao nhận thức xã hội, trách nhiệm của các cơ quan, xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo, tổ chức trong việc xây dựng phát triển đội ngũ nhà giáo.

Cùng với đó, hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ cơ bản về nhà giáo với giá trị pháp lý cao, tương đối ổn định, phù hợp phát triển giáo dục, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục nói riêng, hệ thống pháp luật Việt Nam trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điều chỉnh Luật Nhà giáo phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế