Điều gì đang xảy ra trong trường học vốn là nơi cả xã hội gửi gắm niềm tin về việc đào tạo những thế hệ tương lai hội đủ đức - trí - thể - mỹ? Phải chăng, ngành giáo dục và cả xã hội bất lực trước tình trạng này?
Trẻ mầm non bị cô giáo bạo hành, học sinh tiểu học bị thầy giáo dâm ô, bị giáo viên lùi xe cán tử vong trong sân trường, bị phạt tát đến mức nhập viện, bị bạn bè “quây” đánh hội đồng trong sự “im lặng đáng sợ” của những người liên quan… hàng loạt những vụ việc đau lòng xảy ra chỉ trong một thời gian rất ngắn khiến không ít phụ huynh phải rùng mình lo sợ.
Những câu chuyện buồn liên tiếp
Vụ việc thầy giáo dâm ô, sàm sỡ học sinh tại trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn (Phú Thọ), ở trường Tiểu học Tiên Sơn (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) và nghi án thầy giáo trường THPT chuyên Thái Bình bị tố nhắn tin “gạ tình” học sinh vừa qua đã khiến dư luận không khỏi bức xúc, phẫn nộ. Cùng với đó, nhiều vụ việc thầy cô giáo bạo hành học sinh xảy ra trước đó đã “góp phần” tạo nên những “vết đen” trong ngành giáo dục. Những người sai phạm đã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, song nỗi ám ảnh trong lòng con trẻ sẽ khó có thể phai mờ trong một sớm một chiều.
Cho dù có thể lý giải đó chỉ là bề nổi, “những con sâu làm rầu nồi canh” bởi trên khắp đất nước này, hàng trăm nghìn nhà giáo có phẩm chất đạo đức tốt, tận tụy với nghề nghiệp, có ý thức vươn lên, có tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của mình. Thế nhưng, chỉ một vài vụ việc như trên đã khiến niềm tin của xã hội đối với ngành giáo dục nói chung, với môi trường học đường nói riêng đã vơi bớt đi rất nhiều.
Nữ sinh H.Y. cho biết, thời gian qua em đã phải chịu quá nhiều áp lực và nhiều lần bị các bạn học sinh bắt nạt
Và trong khi những câu chuyện trên chưa kịp lắng, mấy ngày qua dư luận xã hội lại hết sức phẫn nộ khi clip nữ sinh N.T.H.Y., học sinh trường THCS Phù Ủng (huyện Ân Thi, Hưng Yên) bị 5 nữ sinh lột quần áo, đạp, đánh, đá, tát… được lan truyền trên mạng xã hội.
Hình ảnh trong clip cho thấy, em Y. bị đánh khá nặng. Đỉnh điểm của đoạn video này là việc em Y. bị các bạn lột quần áo ngay giữa lớp học. Do quá sốc và sợ hãi gia đình đã đưa em đi điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Hưng Yên. Đến thời điểm này em Y. vẫn còn chưa hết sốc và bàng hoàng. Em cho biết, không dám đi học vì sợ bị các bạn trong lớp. Em cũng rất xấu hổ vì đoạn clip bị tung lên mạng có cảnh em bị lột quần áo.
Trong cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ sáng 31/3, ông Nhữ Mạnh Phong - Hiệu trưởng Trường THCS Phù Ủng đã thừa nhận ngay khi tiếp nhận thông tin, ông cùng một số cán bộ của nhà trường đã xử lý vụ việc theo hướng thỏa hiệp, xuề xòa, chưa đúng với tính chất nghiêm trọng của vụ việc. Ông cũng cho rằng, nguyên nhân bị bắt nạt có thể chỉ vì em "quá hiền".
Đến đây, dư luận xã hội đã tỏ ra rất bức xúc, liên tiếp đặt ra nhiều câu hỏi: Phải chăng chưa có sự can thiệp kịp thời của cán bộ lớp, giám thị? Tại sao nhiều học sinh khác lại im lặng khi chứng kiến? Phải chăng công tác quản lý trong nhà trường có vấn đề? Tại sao giáo viên không nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, mâu thuẫn giữa học sinh từ đầu để phát hiện cảnh báo? Tại sao hiệu trưởng không đưa em đến bệnh viện, xử lý sự việc kịp thời? Chính sự "im lặng đáng sợ" của nhà trường đã để một mình em chịu đựng nỗi đau đớn cả thể xác và tinh thần?…
Đừng để cái xấu, cái ác lộng hành
Ngành giáo dục vốn bị sức ép quá lớn từ thành tích, danh hiệu thi đua nên có thể "chuyện bê bối" trong những sự việc trên được ban giám hiệu nhà trường thực hiện với phương châm “đóng cửa bảo nhau”? Nếu gia đình không phản ứng mạnh mẽ, truyền thông không lên tiếng có lẽ nạn nhân phải “ngậm đắng nuốt cay”?
Điều đó cũng cho thấy, nhà trường - nơi được xem là môi trường gắn bó và thân thiện với học sinh chỉ sau gia đình, nơi mà lâu nay các mối quan hệ được hành xử dựa trên nguyên tắc giữ gìn sự tôn nghiêm, bồi dưỡng tình cảm và rèn luyện đạo đức nhằm phát triển hình thành nhân cách của giới trẻ, nhất là đối với các em học sinh ở độ tuổi vị thành niên, thì nơi này dường như đang có những khoảng trống về giải pháp, cách thức tổ chức trong xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.
TS Tâm lý học Trần Thành Nam - Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) chia sẻ, những vụ việc như thế này có thể được phát hiện sớm và ngăn chặn nếu cha mẹ và thầy cô sớm nhận ra những dấu hiệu bạo lực lời nói hoặc thái độ thù địch của nhóm thủ phạm với nạn nhân. Cha mẹ và thầy cô nếu để tâm hơn đã sớm nhận ra những dấu hiệu bị bắt nạt ở nạn nhân thể hiện qua dấu hiệu bất an, né tránh khỏi nhóm bạn, quần áo xộc xệch hoặc chân tay xước xát.
“Sự việc có lẽ đã không leo thang nếu giáo viên báo cáo và nhà trường có một bộ phận hỗ trợ tâm lý cho những trường hợp nạn nhân bị bắt nạt và theo dõi, hỗ trợ kỹ năng giải quyết vấn đề, quản lý cảm xúc cho nhóm có nguy cơ đi bắt nạt. Sự việc có thể đã không xảy ra nếu nhà trường có một chính sách không khoan nhượng với bạo lực học đường, bảo vệ nhà trường định kỳ kiểm tra tình trạng phòng học, khu vệ sinh sau giờ học để đảm bảo an toàn…”, TS Nam cho hay.
Tình trạng bạo lực học đường ngày càng nghiêm trọng hơn. Ảnh minh họa
Theo ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và xã hội), qua sự việc bạo lực học đường đối với em học sinh lớp 9 tại huyện Ân Thi (Hưng Yên) cũng cho thấy nổi lên nhiều vấn đề lớn. Đó là kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực học đường của giáo viên và học sinh còn yếu. Công tác tham vấn tâm lý học đường chậm được triển khai và thiếu các giải pháp hiệu quả. Chính vì vậy không phát hiện được những vấn đề trong mối quan hệ giữa học sinh với học sinh, giữa học sinh với giáo viên. Sự lệch chuẩn và xuống cấp đạo đức nghiêm trọng của học sinh ở trong trường.
“Qua thông tin báo chí, nữ sinh lớp 9 đã bị bạo hành trong một thời gian dài, khi bị phát hiện thì giáo viên chủ nhiệm và lãnh đạo nhà trường có ý che giấu, muốn giải quyết nội bộ là thể hiện căn bệnh thành tích. Đây không phải là điển hình mà có rất nhiều vụ việc Cục Trẻ em nghiên cứu và theo dõi cho thấy xu hướng giáo viên chủ nhiệm muốn che giấu bao biện, còn cơ sở, đơn vị, trường học thì muốn tự xử lý nội bộ. Nhưng tôi muốn có một lời cảnh báo rằng, tất cả những vụ việc xâm hại trẻ em và bạo lực trong trường học thì đều không thể xử lý nội bộ được. Tại sao ở trong trường có tổ chức Đoàn, Đội mà không ai lên tiếng, Ban giám hiệu nhà trường cũng không biết cho thấy mạng lưới hoạt động là có vấn đề và mỗi bên thì chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình”, ông Nam nhấn mạnh.
Cho đến nay, Bộ GD&ĐT chưa có một báo cáo chính xác về số vụ bạo lực học đường mỗi năm. Trong khi tổng số vụ mà ngành Công an ghi nhận được là trên 2.000 vụ/năm, trong đó có đến 53% vụ bạo lực xảy ra trong trường học. Từ năm 2011 đến nay, số vụ bạo lực tăng dần qua các năm. Năm nào phía ngành Giáo dục đều có những công văn, chỉ thị chấn chỉnh tình trạng bạo lực học đường nhưng tình trạng bạo lực không giảm mà ngược lại, ngày càng nghiêm trọng hơn.
Điều gì đang xảy ra trong trường học vốn là nơi cả xã hội gửi gắm niềm tin về việc đào tạo những thế hệ tương lai hội đủ đức - trí - thể - mỹ? Phải chăng, ngành giáo dục và cả xã hội bất lực trước tình trạng này?
Làm thế nào để đảm bảo an toàn môi trường học đường hôm nay - vẫn là mối quan tâm của cả cộng đồng. Để mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui, an toàn trường học có lẽ cần được coi là một trong những nội dung thiết thực, quan trọng không kém việc dạy chữ và rèn người. Và hơn thế là không bao giờ được xem nhẹ, chủ quan đối với an toàn trường học.