Chương trình phổ thông mới, môn Ngữ văn có 6 tác phẩm bắt buộc, theo Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền, nghiên cứu sinh ĐH Newcastle (Australia), “6 tác phẩm bắt buộc trong chương trình Ngữ văn dường như lập lại cách tiếp cận giáo dục dựa trên nội dung trước đây.
Đánh giá về những thay đổi trong chương trình môn Ngữ văn, Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền nói: “Về cơ bản, cá nhân tôi hết sức ủng hộ về định hướng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đồng thời chúng ta cũng phải ghi nhận những nỗ lực của hội đồng chủ biên”.
Tuy nhiên, Thạc sĩ Sóng Hiền cho biết, 6 tác phẩm bắt buộc trong Chương trình Ngữ văn dường như đang lập lại cách tiếp cận giáo dục dựa trên nội dung trước đây. Nếu lấy hướng tiếp cận dựa trên năng lực là chủ đạo và cụ thể trong chương trình tiếng Việt và Ngữ văn nhằm giúp các em hình thành và phát triển 4 kỹ năng nghe nói đọc viết thì 6 tác phẩm bắt buộc này lại đi chưa đúng hướng đó.
Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền. Ảnh NVCC.
Thực tế, trong 6 tác phẩm Ngữ văn trên thì có tới 5 tác phẩm ở thể loại thơ và 1 tác phẩm ở thể loại văn chính luận. “Trong đó có đến 3 tác phẩm trung lặp về mặt ý nghĩa đó là bài thơ Thần được xem là của Lý Thường Kiệt, Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi, và Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh. Ba tác phẩm này được xem là ba bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc Việt Nam”, Thạc sĩ Sóng Hiền phân tích.
Đồng thời, theo thạc sĩ Sóng Hiền, cả 6 tác phẩm này cùng một nội dung ca ngợi về lòng yêu nước, ngoại trừ tác phẩm Truyện Kiều. 6 Tác phẩm này chưa thể hiện được hết tính đa dạng về thể loại văn bản giúp cho người học hình thành phát triển năng lực giao tiếp và 4 kỹ năng: Nghe, Nói, Đọc, Viết.
“Hơn nữa, việc xây dựng chương trình tiếng Việt và Ngữ văn theo định hướng phát triển 4 kỹ năng trên thì liệu chúng ta sẽ đánh giá năng lực của các em dựa trên khung đánh giá nào? Phải chăng, chúng ta sẽ xây dựng dựa trên khung năng lực ngoại ngữ của Châu Âu?”, Thạc sĩ Sóng Hiền nói.
Bên cạnh đó, Thạc sĩ Sóng Hiền cũng nhấn mạnh: “Việc xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông mới là một định hướng đúng đắn. Tuy nhiên, thiết nghĩ chúng ta cần phải xây dựng nó dựa trên những cơ sở lý luận khoa học, dựa trên những nghiên cứu đánh giá có tính hệ thống chứ không đơn thuần cóp nhặt ý tưởng của những nền giáo dục tiến bộ khác vì hướng tiếp cận giáo dục này có thể phù hợp với bối cảnh quốc gia này nhưng có thể không phù hợp với bối cảnh quốc gia khác”.
Ảnh minh họa. Hải Nam.
Đồng thời, theo Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền, trước khi ban hành chương trình mới nào, chúng ta cũng cần phải có sự đánh giá đầy đủ về tính khả thi của nó. Cần chú ý sự khác biệt vùng miền, trình độ dân trí, điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội ở mỗi vùng miền và địa phương. Đặc biệt, chú ý tới trình độ và năng lực giảng dạy của giáo viên ở mỗi vùng miền, trình độ và năng lực nhận thức của học sinh ở mỗi địa phương.
Miền núi sẽ khác miền xuôi, nông thôn sẽ khác thành thị. Và quan trọng nhất là điều kiện, cơ sở vật chất ở mỗi trường, mỗi địa phương để thực thi chương trình này.
Với hướng tiếp cận dựa trên năng lực, lấy người học làm trung tâm thì đòi hỏi lớp học cũng phải có quy mô nhỏ, các thiết bị hỗ trợ dạy học phải đầy đủ, và hơn hết những nhà quản lý giáo dục, các giáo viên ở các địa phương và các cơ sở giáo dục phải thật sự nhận thức một cách đầy đủ về hướng tiếp cận giáo dục dựa trên năng lực, có như vậy quá trình thực thi mới hi vọng có những chuyển biến tích cực.
“Chúng ta đã từng trả giá đắt cho Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, khi mà đề án này về mặt ý tưởng và lý thuyết thì hết sức thiết thực nhưng sau 10 năm thực hiện, chúng ta đã nhận một kết cục khá đau lòng, đó là một bài học nhãn tiền”, Thạc sĩ Sóng Hiền nhấn mạnh.