Những tỷ phú ngao sau vụ mùa thất bát

Vũ Dung - Lê Ngân| 31/03/2015 08:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chỉ trong vòng một tuần, tất cả vốn liếng, tài sản của những tỷ phú phất lên nhờ nuôi ngao đã theo sóng biển trôi ra ngoài khơi xa.

Lao đao vì ngao

Xã Đông Minh (huyện Tiền Hải, Thái Bình) gồm 5 thôn, có 2.700 hộ với 9.300 khẩu sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản. Cũng chính nhờ cái nghề ấy mà những người dân ở xã Đông Minh bao đời nay vốn đầu tắt mặt tối với thửa ruộng, bãi muối đã phất lên nhanh chóng.

Còn nhớ, vào những năm 2005 - 2006 khi ngao thương phẩm được thị trường trong nước và quốc tế ưa chuộng, người dân xã Đông Minh ăn nên làm ra nhờ nuôi ngao. Những ngôi nhà tiền tỷ mọc lên san sát, ô tô đậu kín hai bên đường đi, quán xá tấp nập người ra kẻ vào, chợ họp từ sáng sớm tới chiều muộn.

Những tỷ phú ngao sau vụ mùa thất bát

Vào tháng 8 năm ngoái ngao chết hàng loạt ở các bãi ngao xã Đông Minh. Ảnh: Internet

Vốn nhạy bén trong làm ăn, nên người dân xã Đông Minh đã mạnh dạn bỏ hẳn làm muối, vay vốn đầu tư mở rộng diện tích nuôi, trồng ngao giống và thương phẩm. Chính vì thế mà ông Nguyễn Trung Tiến, Phó chủ tịch UBND xã Đông Minh nói rằng, diện tích nuôi, trồng ngao những năm đó tăng lên từng ngày. Điều đó đồng nghĩa với việc, số vốn người dân vay ngân hàng cũng tăng lên với tốc độ chóng mặt.

Những bãi ngao ngút tầm mắt liên tục được cải tạo, nuôi trồng với những chiếc chòi canh ngao được cắm dày đặc trên các bãi nuôi, cho thấy người dân xã Đông Minh đã quyết sống chết với nghề. Số hộ nuôi ngao chiếm tới 80% dân số toàn xã, tổng diện tích bãi ngao lên tới 446ha.

Những lứa ngao đầu tiên được xuất đi nước bạn trong sự vui mừng khôn tả của người dân trong xã, bởi họ không những trả được nợ, mà còn có tiền xây dựng, mua sắm nhà lầu, xe hơi.

Nhưng, người tính không bằng trời tính, những bãi ngao sắp đến ngày thu hoạch bỗng chốc trở thành bãi phế thải khi ngao chết hàng loạt trong vòng một tuần. Vỏ ngao chất đống, cao ngất ngưởng dọc bờ đê quanh các bãi ngao trong xã.

Theo thống kê của UBND xã Đông Minh, thì đã có hàng nghìn bao vỏ ngao được mang lên bờ để chôn cất, tổng thiệt hại ước tính lên tới hơn 100 tỷ đồng. Lạch bà Đào và Lạch cống Muối là 2 nơi được xác định ngao chết 100%.

Sau khi ngao chết hàng loạt, đã có rất nhiều đoàn chuyên gia về khảo sát, nghiên cứu thực địa nhằm tìm ra nguyên nhân dẫn đến cái chết của ngao để giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất và rút kinh nghiệm cho những mùa ngao sau.

Bán nhà, bán đất, bán ô tô để trả nợ

Cho tới thời điểm này, khi sự việc xảy ra được nửa năm những người dân nuôi ngao vẫn chưa hết sốc bởi hậu quả của nó để lại quá nặng nề. Số tiền vay ngân hàng của toàn xã chạm ngưỡng 50 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến một lượng lớn tiền được người dân vay nóng, tính lãi theo giá chợ đen.

Anh Đặng Huy Thiên là người đi đầu trong nuôi, trồng ngao ở Đông Minh ngậm đắng nuốt cay vì trong vòng chưa đến 1 tuần anh phải nhìn 8 tỷ đồng của mình trôi theo sông nước. Danh hiệu “vua ngao” người dân Đông Minh đặt cho anh, giờ đây anh cũng chẳng buồn nhắc đến.

Trong bóng chiều tà, gương mặt đen đúa của ông Hoàng Văn Sức (SN 1960) hằn lên sự lo lắng đến tội nghiệp, vì sắp tới đây ông không biết lấy tiền đâu để trả lãi của số tiền hơn 2 tỷ đồng ông vay ngân hàng đầu tư cho vụ ngao vừa rồi.

Chiếc ô tô ông mua với giá gần 800 trăm triệu đồng năm kia vừa phải bán với giá 500 triệu đồng để lấy tiền trả nợ. Ông Sức cho biết, bần cùng bất đắc dĩ thì ông cũng phải bán nốt cả căn nhà đang ở mới xây khoảng 3 tỷ, nằm sát lộ lấy tiền trả nợ và tái đầu tư cho mùa ngao tiếp theo.

Những tỷ phú ngao sau vụ mùa thất bát

Ông Sức vô vùng lo lắng vì chưa biết lấy đâu ra trả tiền lãi ngân hàng

Ông Sức tâm sự, đợt vừa rồi 4ha ngao của ông mất trắng. Ngao chết, ông còn phải bỏ ra 200 ngàn đồng/ngày để thuê người vớt vỏ ngao, thuê tàu chở vỏ ngao vào bờ mang đi chôn. Đến khi kinh tế gia đình khánh kiệt thì hai ông bà ngày đêm ngoài bãi để vớt vỏ ngao chết, cải tạo bãi những mong gỡ gạc được vào mùa ngao sau.

Đứng cạnh đống vỏ ngao chất đống trên đê, ông Sức cứ tần ngần mãi, ông bảo tầm này năm ngoái, ngoài bãi ngao đông kín người, giờ thì bãi bờ, thuyền lưới bỏ không, những chiếc chòi canh ngao xiêu vẹo trong gió chiều.

Từ ngày ngao chết, người trong xã thi nhau trưng biển bán nhà, bán đất, bán ô tô, thậm chí có nhà vì không còn khả năng trả nợ đã phải bỏ làng phiêu bạt tứ xứ.

Điển hình như nhà bà Ngấn (60 tuổi) người thôn Minh Châu đã phải bỏ làng ra đi vì nợ gần 1 tỷ đồng. Nhà ông Giang cùng làng cũng biệt tích từ ngày ngao chết. Nhà anh Hường (40 tuổi) bán cả 3 chiếc xe tô tô đi để trả nợ, căn nhà mặt đường anh cũng sang tên đổi chủ rồi chuyển vào trong xóm ở.

Oái oăm thay, giờ người xã Đông Minh có bán đất, bán nhà thì cũng chẳng có ai còn tiền mà mua vì thế mà nhiều gia đình trưng biển bán nhà cả mấy tháng trời nhưng không có người mua. Vì không có tiền trả nợ, nhiều gia đình vợ chồng đánh, cãi nhau suốt ngày đêm, thậm chí dẫn đến ly thân, ly dị.

Đi dọc xã Đông Minh bây giờ, không còn thấy cảnh người xe tấp nập mà thay vào đó là một khung cảnh ảm đạm, quán xá vắng lặng. Đâu đó lại nghe tin nhà này bị chủ nợ xiết bãi ngao, nhà kia bị ngân hàng nhắc nợ.

Các cơ quan chức năng đã tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngao chết hàng loạt để người dân chủ động phòng tránh cho những mùa ngao sau. Nhưng để khắc phục hậu quả và tái đầu tư cho các bãi ngao, người dân cần học hỏi nhiều thêm về phương pháp nuôi trồng, chăm sóc ngao một cách khoa học chứ không chỉ dựa vào kinh nghiệm thô sơ vốn có, đồng thời cũng cần sự hỗ trợ một phần từ Nhà nước, các tổ chức và chính quyền địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những tỷ phú ngao sau vụ mùa thất bát