Nhiều địa phương ở Thanh Hóa bị nước lũ cô lập

Thanh Phương| 31/08/2018 17:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Do mưa lớn bên Thượng Lào và các huyện miền núi Thanh Hóa, lũ tại các sông Mã, sông Chu, Cầu Chày, sông Bưởi… lên nhanh khiến nhiều địa bàn khu dân cư và các xã đã bị chia cắt, cô lập hoàn toàn, nhiều hộ dân đã phải sơ tán ngay trong đêm 30/8.

Theo thông tin từ Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện Cẩm Thủy, tính đến 7 giờ ngày 31/8/2018, nước trên sông Mã tại Trạm Thủy văn Cẩm Thủy đo được là 21,61m, trên mức báo động III là 1,1m. Khu vực thượng lưu nhà máy Thủy điện Cẩm Thủy 1 gồm các xã Cẩm Lương; Cẩm Thành; Cẩm Thạch đã trên mức lũ lịch sử năm 2007 khoảng 80 cm.

Nhiều địa phương ở Thanh Hóa bị nước lũ cô lập

Các lực lượng chức năng hỗ trợ người dân di chuyển khỏi vùng ngập lụt

Cũng tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện đã có hơn 3.500 hộ dân, trên 17.000 khẩu phải sơ tán. Có 01 nhà dân ở thôn Phong Khánh bị sập; 8 điểm trường; 4 trạm y tế; 4 công sở; một số nhà văn hóa thôn, Bưu điện VH xã, trạm biến áp và nhiều trạm bơm bị ngập. Cáp đò thôn Bọt xã Cẩm Thành bị đứt, 2 cột cáp đò xã Cẩm Giang bị đổ.

Các xã Cẩm Thành, Cẩm Thạch, Cẩm Liên, Cẩm Lương, Cẩm Giang, Cẩm Yên đã bị cô lập hoàn toàn, một số xã có nhiều thôn bị cô lập cục bộ. Các xã, thị trấn vùng thấp ven sông Mã cũng bị ảnh hưởng lớn do lũ như: Thị trấn Cẩm Thủy; Cẩm Sơn; Cẩm Phong; Cẩm Tú; Cẩm Tân, Cẩm Ngọc; Cẩm Vân…

Nhiều địa phương ở Thanh Hóa bị nước lũ cô lập

Hàng trăm con lợn phải chạy lụt ngay trong đêm tại Cẩm Thủy

Ngay trong đêm 30/8, Chủ tịch UBND-Trưởng Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện Cẩm Thủy chỉ đạo tập trung cho công tác khắc phục lũ, phân công các thành viên trực tiếp xuống cơ sở tập trung chỉ đạo sát sao theo tình hình thực tế, khẩn trương nghiêm túc. Để đảm bảo về người và tài sản cho nhân dân huyện cũng đã có phương án triển khai, trong đó huy động toàn bộ lực lượng Công an. Chuẩn bị các phương tiện xuồng máy, ca nô ứng cứu kịp thời khi cần thiết. Theo dõi chặt chẽ các thông báo xả lũ của các nhà máy thủy điện Trung Sơn, Bá Thước 2 để chủ động trong công tác phòng chống ngập lụt. Cử lực lượng chuyên môn cắt cử tại các vị trí xung yếu để không cho người dân đi lại tại các khu vực nguy hiểm; chuẩn bị tốt 4 tại chỗ để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.

Đến ngày 31/8, theo báo cáo nhanh của hai huyện Thạch Thành, Cẩm Thủy, nước trên sông Bưởi ở huyện Thạch Thành đã lên mức 11,2 mét, trên báo động 2. Trên sông Mã thuộc địa bàn huyện Cẩm Thủy, mực nước đã trên báo động 3 tới 1.1 mét, trên mức lũ lịch sử năm 2007 khoảng 0.8 mét. Nước lũ làm nhiều tuyến đường giao thông bị ngập lụt, nhiều xã thuộc 2 huyện Thạch Thành, Cẩm Thủy bị chia cắt. Chính quyền địa phương đã phải sơ tán hàng nghìn hộ dân, với hàng chục nghìn nhân khẩu ra khỏi vùng ngập lụt. Nhiều diện tích hoa màu, vật nuôi và tài sản của người dân bị thiệt hại.

Tại thôn Tô 2, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy đã có 1 học sinh 16 tuổi bị lũ cuốn trôi, hiện chính quyền địa phương đang tổ chức lực lượng tìm kiếm, cứu nạn. Cho đến đầu giờ chiều ngày 31/8, nước trên các sông vẫn đang tiếp tục lên, tình hình ngập lụt càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Nhiều địa phương ở Thanh Hóa bị nước lũ cô lập

Người dân xã Vĩnh Yên (Vĩnh Lộc) không kịp trở tay vì nước lũ lên nhanh

Tại huyện Bá Thước, từ chiều và đêm 30/8, mực nước sông Mã dâng cao do mưa lớn từ thượng nguồn và xả lũ của các Nhà máy Thủy điện đổ về, nhấn chìm nhiều nhà dân, gây chia cắt tuyến đường Quốc lộ 15A, 217 và đường tỉnh lộ 521B trên địa bàn huyện làm cô lập 6 xã khu vực Quốc Thành, Thị trấn Cành Nàng và xã Lâm Xa.

Ngay trong chiều và tối 30/8, huyện Bá Thước đã huy động toàn bộ lực lượng Công an, Quân đội và các lực lượng khác tập trung sơ tán 330 hộ dân, gần 1.400 người ra khỏi vùng ngập lụt đến nơi an toàn, tập trung ở 10 xã, gồm: Tân Lập, Hạ Trung, Điền Trung, Điền Lư, Lâm Xa, Ban Công, Thiết Ống, Lương Ngoại, Lương Trung, Lũng Cao.

Đến sáng 31/8, mực nước trên sông Mã vẫn chưa có dấu hiệu rút xuống, hàng nghìn người dân đang phải ở tạm nên cuộc sống rất khó khăn. Hiện nay, huyện Bá Thước tiếp tục huy động tối đa lực lượng và các xã trong vùng ngập lụt và có nguy cơ ngập lụt ứng phó với mưa lũ theo phương châm 4 tại chỗ, đảm bảo an toàn tính mạng của người dân.

Ban chỉ huy phòng chống và tìm kiếm cứu nạn của huyện Vĩnh Lộc cho biết, hiện nay do các đập thủy điện trên thượng lưu sông Mã đang xả lũ, mực nước sông Mã chảy qua địa bàn đã lên cao trên mức báo động 3. Gần 100 hộ dân tại 7 thôn của xã Vĩnh Ninh phải di dời để đảm bảo an toàn. Bắt đầu từ 17h ngày 30/8, tại xã Vĩnh Ninh huyện Vĩnh Lộc có 5 hộ phải di dời. Đến sáng 31/8, đã có thêm 100 hộ thuộc 7 thôn đã phải di dời, bao gồm: Thọ Vực 1, Thọ Vực 2, Yên Lạc 2, Kỳ Ngãi 1, Kỳ Ngãi 2, Phi Bình 1, Phi bình 2.

Hiện nay người dân đang di dời lúa gạo thực phẩm và những vật dụng thiết yếu đến nơi an toàn. Hiện mực nước sông Mã tại Lý Nhân, Yên Định là 11,50m, dưới báo động 3 là 50cm. Mực nước sông Mã vẫn đang lên, dự báo chiều nay sẽ lên mức báo động 3.

Các địa phương bị ảnh hưởng bởi mưa lũ đang tích cực huy động mọi phương tiện, nhân lực để phòng chống lũ theo phương châm bốn tại chỗ. Đồng thời khuyến cáo người dân không ra sông vớt củi, đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều địa phương ở Thanh Hóa bị nước lũ cô lập