Nhà báo và cách ứng xử với mạng xã hội

Nhật Minh| 21/06/2017 14:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chuyện “xưa như Diễm” mà chúng ta dù không muốn cũng cần nhắc đến trong ngày hội, ngày vui của người làm báo - là việc sử dụng mạng xã hội như thế nào để tạo ra hiệu ứng tích cực cho độc giả thay vì… “mất mạng” vì mạng xã hội.

1. Chắc hẳn độc giả không còn xa lạ và sốc tới mức mồm chữ O, mắt chữ A với những hàng tít nghe rất giật gân như: Rùng mình với những cái chết ngay sau khi "nói gở" trên mạng xã hội; Mạng xã hội và những cái chết gây sốc nhất; “Xử tử” trên mạng giờ chỉ cần một cú bấm; Tự tử vì mạng xã hội; Chết vì mạng xã hội v.v… và v.vv…

Đó chính là những tiêu đề các bài viết nói về những hệ lụy từ mạng xã hội (nhất là Facebook) đã và đang diễn ra hiện nay xuất hiện nhan nhản trên nhiều sản phẩm báo chí, từ truyền hình tới phát thanh, từ báo in tới báo điện tử, cùng một “đội ngũ” rộng khắp các trang tin điện tử (bao gồm đã được cấp phép hay thậm chí vẫn đang quá trình “thai nghén”, chạy thử, và… chờ đợi cấp phép).

Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ thông tin, thời đại mạng xã hội bùng nổ, hay vĩ mô hơn ấy là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; và lẽ dĩ nhiên, chắc chắn khó mà tránh khỏi sức ảnh hưởng của công nghệ, của mạng xã hội. Và đối với báo chí thế giới nói chung, nền báo chí Việt Nam nói riêng, những tác động - cả tích cực lẫn tiêu cực - mà cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 đem lại, không phải ngoại lệ!

Tuy nhiên, tác động như thế nào, hay - dở, tốt - xấu ra sao…có lẽ khó mà nói hết được trong phạm vi một bài viết. Chuyện “xưa như Diễm” mà chúng ta - dù không muốn cũng phải nhắc đến trong ngày hội, ngày vui của những người làm báo - là việc những người làm báo (nói chung) đang “chơi” mạng xã hội, sử dụng mạng xã hội như thế nào để tạo ra hiệu ứng tích cực cho độc giả thay vì… “mất mạng” vì mạng xã hội như đã nói ở trên.

2. Mạng xã hội và phổ biến là Facebook, hiện nay đang ngày càng chứng tỏ sức lan tỏa cũng như mức độ ảnh hưởng tới cuộc sống con người. Còn với cánh báo chí, không ít lần người viết từng được nghe những câu đầy mai mỉa và chua xót của ngay chính những người cùng nghề về những “vận động viên tay to” (biên tập viên với khả năng vợt tin, xào tin nhanh như đua xe phân khối lớn, những phóng viên salon dù chỉ ngồi phòng lạnh nhưng luôn sẵn sàng cập nhật tin tức trên khắp mọi miền đất nước chỉ bằng chiếc smartphone!

Quy trình “tác nghiệp” của các phóng viên salon này là gì? Lướt Facebook, cập nhật tin mới, nóng từ các diễn đàn và nhiều trang báo, trang tin điện tử khác, sau đó gọi tới vài anh bạn đồng nghiệp khác (cũng là phóng viên salon ở báo bạn) để kiểm tra tính xác thực của thông tin, rồi… viết. Ấy nhưng nhiều người thân mang danh là “phóng viên”, song vì áp lực tin bài, áp lực thời gian… nên cũng vội vàng bỏ qua công đoạn cuối cùng là…kiểm tra tính xác thực của thông tin.

Nhà báo và cách ứng xử với mạng xã hội

Nhà báo Dương Xuân Nam - nguyên Tổng Biên tập Báo Tiền phong  

3. Đối với người làm báo, trong rất nhiều vụ việc gây rúng động giới truyền thông và xã hội thời gian qua, mạng xã hội chính là “hàn thử biểu”, là thước đo dư luận xã hội, đo độ nóng quan tâm của dư luận để cánh nhà báo có quyết định “theo tiếp” hay chỉ đưa thông tin phản ánh. Trong khi đó, như chúng ta đã biết, mạng xã hội (điển hình là Facebook) hiện nay đã trở thành một kênh truyền thông hữu hiệu, mà với dân marketing online (Seoer), căn cứ vào mức độ tương tác giữa người dùng (Facebooker) với mỗi bài viết các Seoer có quyết định đầu tư, tăng tiền quảng cáo cho các bài viết mà Seoer lựa chọn “quảng cáo trả phí” trên Facebook hay không.

Tại sao chúng ta lại nói đến vấn đề marketing online trong bài viết về “sinh mạng” dưới sức tác động, ảnh hưởng của báo chí và mạng xã hội? Nghe qua có vẻ lạc đề và… kỳ quặc, song trong bối cảnh người dân cả nước đặc biệt quan tâm đến chất lượng cuộc sống của gia đình và bản thân thì câu chuyện liên quan đến chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm… luôn trở thành đề tài nóng trên mạng xã hội. Và trong khi để một sản phẩm mới được tung ra thị trường có khả năng đến được với người tiêu dùng hay không thì không thể thiếu khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Trao đổi với Thạc sĩ Nguyễn Bình Minh, Phó Trưởng khoa Hệ thống thông tin kinh tế và Thương mại điện tử - Đại học Thương mại, ông cho biết: Theo đánh giá của cá nhân ông, mạng xã hội ngày nay chiếm tới 50% tỷ lệ thành công của một dự án quảng bá thương hiệu sản phẩm mới. Nếu trước đây báo chí là một thông tin đáng tin cậy mang tính một chiều và mang nhiều lợi thế quảng bá PR, thì ngày nay, trong thời đại mạng xã hội bùng nổ, người dùng có thể tương tác với nhau thường theo xu thế đám đông trực tuyến. Chẳng hạn, khi các Facebooker trong một hội, nhóm (group) trên mạng có cùng quan điểm một cách nghiêm trọng về một vấn đề thì họ có xu hướng thay đổi theo. Người dùng từ đó cũng có thể đánh giá các quan điểm thông qua thảo luận của những người khác để đưa quan điểm của mình một cách dễ dàng hơn.

Trong khi đó, nếu báo chí có thể đóng vai trò tạo khoảnh khắc khởi nguồn như một nguồn thông tin có độ tin cậy nhất định, thì mạng xã hội lại có thể thúc đẩy việc lan tỏa cảm xúc với tốc độ rất cao, Thạc sĩ Nguyễn Bình Minh cho biết “Nhờ vậy nếu biết tận dụng tốt, phối hợp tốt giữa báo chí (điện tử), với tương tác người dùng tích cực và truyền thông trực tuyến trả tiền (quảng cáo bài viết có tương tác tốt) thì hiệu suất có thể đạt mức hội tụ truyền thông (converged media), tức là lan tỏa rất mạnh với chi phí rất thấp mà hiệu suất rất cao. Đây là trình độ cao nhất mà truyền thông mạng xã hội có thể hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh”, ông nhấn mạnh. Đặc biệt, Thạc sĩ Minh lưu ý, “cần rất thận trọng trong truyền thông mạng xã hội”, bởi “khi bị hội tụ truyền thông tiêu cực thì khả năng sụp đổ thương hiệu cũng là rất cao”!

4. Quay trở lại nội dung tiêu đề bài viết: Làm báo trong thời đại mạng xã hội, “chơi” với mạng xã hội như thế nào để không dẫn đến “tự tử” hoặc “khai tử” cho một cá nhân/cá thể khác thông qua mạng xã hội, mời độc giả theo dõi câu chuyện nhỏ dưới đây.

Nhà báo Dương Xuân Nam, nguyên Tổng Biên tập Báo Tiền phong, cũng dùng Facebook, như nhiều người nói là… “chơi” Facebook. Còn nhớ, những lần đến nhà ông, ngoài việc thực hiện các bài phỏng vấn, xin ý kiến, đặt bài ông viết, phần lớn thời gian tôi lắng nghe ông kể về kỷ niệm. Kỷ niệm của một nhà báo kỳ cựu là một cuốn sách dày ngập tràn chi tiết đáng nhớ, khi bình thản như khung cảnh buổi sớm mai ở khu nhà vườn yên tĩnh của ông tại Sóc Sơn (Hà Nội), khi lại căng tựa bản nhạc đến đoạn cao trào.

“Thời tôi còn làm Tổng Biên tập Báo Tiền phong, chúng tôi đã phải cân nhắc để đưa ra hình thức kỷ luật thích đáng đối với một phóng viên mắc phải lỗi khai thác thông tin trên mạng, xào xáo lại”. Giọng trầm buồn, ông bảo, cũng chẳng vui gì khi phải kể lại chuyện này, và có lẽ cũng chẳng cần phải nói cụ thể ra người đó là ai, giờ như thế nào, bởi rằng đây không còn là chuyện hiếm thấy trong làng báo hiện nay nữa, và cũng không phải chỉ “dân trong nghề” mới biết chuyện vì mạng xã hội mà, khó giấu lắm!

Tôi nghĩ rằng các phóng viên salon tất nhiên họ sống bằng các thông tin trên mạng nhưng họ cũng có thể chết vì những thông tin trên mạng, nếu họ không bỏ công sức kiểm tra, xác minh cẩn thận. Các tờ báo khác mạng xã hội, theo tôi, chính là ở tính xác thực và có định hướng trong những thông tin mà mình đưa lên”, nhà báo Dương Xuân Nam nhấn mạnh.

Bây giờ, khi đã lui về “ở ẩn”, sống một cuộc sống tự do tự tại nơi nhà vườn Sóc Sơn, trở thành một người viết báo tự do, viết văn, làm thơ theo sở thích, thì Facebook với ông như một kênh liên lạc, kết nối ông với bạn bè, độc giả, người yêu thơ. Ông bảo, mới đây ông có viết xong một bài có tựa “Thơ trên Facebook”. Ông cho rằng, nếu coi Facebook là một tờ báo thì đó là “tờ báo lớn nhất thế giới vì có hàng tỷ người theo dõi”. Thế nhưng, theo lời “cha đẻ” Hoa hậu Việt Nam, để viết được bài này thì ông đã tốn thời gian gần hai năm để đọc hàng ngàn bài thơ trên Facebook, chọn lọc, kiểm tra rất kỹ xuất xứ, tác giả...

 “Mạng xã hội là diễn đàn tự do của hàng triệu người, các thông tin được cập nhật đa chiều trên đó đã giúp cho nhiều người có được một cái nhìn khách quan, đa diện hơn nhiều. Tất nhiên, mạng xã hội lại cũng là mảnh đất mà ở đó có nhiều thông tin thật giả lẫn lộn đòi hỏi người đọc phải tự thẩm định để tự nhận thức một cách đúng nhất”, nguyên Tổng Biên tập Báo Tiền phong chia sẻ. Do đó, những thông tin ông đăng tải trên Facebook đều đã được “thẩm định” thông qua quá trình đọc, đối chiếu, so sánh, chọn lọc, kiểm tra qua các kênh khác nhau, hoặc theo kinh nghiệm sống của cá nhân ông…

Người xưa nói chơi với lửa có khi sẽ bị lửa thiêu. Sống vì nghề, chết vì nghiệp. Ấy là triết lý nhân quả mà ta vẫn thường nhắc nhở con cháu. Làm báo mạng - “chơi” mạng bây giờ gần như là phổ biến, nhưng dù bất kể là điều gì đi chăng nữa, theo nhà báo Dương Xuân Nam, cũng đều có giới hạn. “Nếu anh đi quá giới hạn có thể gặp họa, bởi vậy người khôn ngoan phải luôn tỉnh táo với tất cả mọi điều, kể cả những điều, những thông tin tưởng như vô hại...”.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà báo và cách ứng xử với mạng xã hội