Nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động

Hương Lan| 18/03/2015 06:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong số các nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tai nạn lao động chết người thì nguyên nhân do người sử dụng lao động chiếm 72,7%. Điều đó cho thấy cần có biện pháp, chế tài đủ mạnh để nâng cao trách nhiệm của chủ sử dụng lao động.

Những con số “biết nói”

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, qua báo cáo của 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, năm 2014 trên toàn quốc đã xảy ra 6.709 vụ tai nạn lao dộng (TNLĐ) làm 6.941 người bị nạn trong đó: Số người  630 người chết, 1.544 người bị thương nặng.

Cũng theo số liệu báo cáo, Đồng Nai là địa phương thống kê được số vụ TNLĐ nhiều nhất, thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số vụ TNLĐ chết người cao nhất cả nước. Trong đó, loại hình công ty TNHH chiếm 35,6% số vụ tai nạn chết người và 35,7% số người chết; Loại hình công ty cổ phần chiếm 29,4% số vụ tai nạn chết người và 29,9% số người chết; Loại hình doanh nghiệp nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp chiếm 15,8% số vụ tai nạn và 16,2%  số người chết;

Những lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người  Lĩnh vực xây dựng chiếm 33,1% tổng số vụ tai nạn và 33,9% tổng số người chết; Ngã từ trên cao chiếm 30,7% tổng số vụ và 30,8% tổng số người chết;

Nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động

Lĩnh vực xây dựng chiếm 33,1% số vụ tai nạn lao động  (Ảnh minh họa)

Trong so các nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tai nạn lao động chết người thì nguyên nhân do người sử dụng lao động chiếm 72,7%, cụ thể: Người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm 26,7% tổng số vụ; Thiết bị không đảm bảo an toàn lao động chiếm 18,3% tổng số vụ;  Người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động cho người lao động chiếm 11,4% tổng số vụ; Do tổ chức lao động và điều kiện lao động chiếm 12,3% tổng số vụ;  Do người sử dụng lao động không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động chiếm 4%.

Năm 2014, ngoài một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết nhiều người đang trong quá trình điều tra nên chưa có hình thức xử lý, có 03 vụ được chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát để đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự và khởi tố các cá nhân có liên quan, trong đó có 02 vụ đã khởi tố, cụ thể: Vụ tai nạn do cháy xảy ra vào 23g30 ngày 15/01/2014 làm 06 người chết và  01 người bị thương nặng tại Công ty TNHH MTV than Đồng Vông, phường Trưng Vương, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định số 54/QĐ-PC45 ngày 18/6/2014 khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm các quy định về an toàn lao động”, hiện vẫn đang tiếp tục điều tra, xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan.

Vụ tai nạn lao động do nổ xảy ra vào 15g30 ngày 17/10/2014 làm 03 người chết tại công ty TNHH sản xuất dịch vụ thương mại Đặng Huỳnh, Phường Thới An, quận 12, TP Hồ Chí Minh. Cơ quan điều tra – Công an Thanh phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 560-01 ngày 12/11/2014  khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy phạm về an toàn lao động, vệ sinh lao động về an toàn ở những nơi đông người” và Quyết định số 1003-50 ngày 12/11/2014 khởi tố bị can Huỳnh Văn Hải (Giám đốc công ty) về tội “vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động về an toàn ở những nơi đông người” theo quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Kiểm tra, giám sát chặt chẽ

Theo số liệu báo cáo trong năm 2014 có 19.780/269.554 (ước tính 6,9%)  doanh nghiệp báo cáo về tình hình tai nạn lao động, (năm 2013 là 19.818/375.000 doanh nghiệp). Do vậy, gây khó khăn trong việc tổng hợp, đánh giá tình hình tai nạn lao động trên toàn quốc.

Từ tình hình tai nạn lao động năm 2014, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các Bộ, ngành chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc ngành và lĩnh vực quản lý tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động, đặc biệt trong các lĩnh vực xây dựng, khai khoáng, hóa chất, sử dụng điện và làm việc trong không gian hạn chế.

 Cụ thể, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp trong việc điều tra, xử lý nhanh, dứt điểm các vụ tai nạn lao động để kịp thời giải quyết chế độ cho người lao động bị tai nạn lao động cũng như có biện pháp khắc phục những sai phạm.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ quan, tổ chức đóng trên địa bàn tăng cường tự kiểm tra về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động; tổ chức huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động; xây dựng các quy trình, biện pháp làm việc an toàn và phương án xử lý sự cố và ứng cứu khẩn cấp. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ mất an toàn lao động trên địa bàn; thực hiện nghiêm túc việc điều tra, báo cáo TNLĐ, sự cố nghiêm trọng theo quy định. Xử lý nghiêm các doanh nghiệp không khai báo, báo cáo TNLĐ.

 Các tổ chức người sử dụng lao động vận động hội viên quan tâm thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tăng cường tự kiểm tra về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động; cải thiện điều kiện lao động; chủ động xây dựng nội quy, quy trình, biện pháp làm việc an toàn và phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp.

Triển khai thực hiện tốt các hoạt động của Chương trình Quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động năm 2015 nhằm đạt các mục tiêu của Chương trình Quốc gia an toàn lao động, vệ sinh lao động giai đoạn 2011 - 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 228 TTg ngày 10/12/2010.

Tuần lễ Quốc gia An toàn vệ sinh lao động-phòng chống cháy nổ lần thứ 17 năm 2015 (15/3-21/3)có chủ đề “Mỗi doanh nghiệp, người lao động chủ động các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ để bảo vệ chính mình, doanh nghiệp và xã hội."

 Ban Chỉ đạo đã đặt ra sáu nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2015 và yêu cầu các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp và người lao động tập trung, quyết liệt triển khai thực hiện. Theo đó, các đơn vị phải xây dựng và ban hành chương trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, nghiêm túc thực hiện đồng thời tăng cường kiểm tra, hướng dẫn và kiên quyết xử lý nghiêm nếu có vi phạm…

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động