Luật sư lý giải nguyên nhân gia tăng bạo hành trẻ em

Đỗ Việt (thực hiện)| 29/11/2017 17:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thời gian qua, liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc bạo hành trẻ em, giết trẻ em gây chấn động dư luận.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia luật, Luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo hành trẻ em, giết trẻ em ngày càng nhiều chính là do sự suy thoái về lối sống, đạo đức của một bộ phận người lớn, giáo viên và cả chính cha mẹ các bé.

PV: Thưa luật sư, gần đây rất nhiều vụ việc liên quan đến bạo hành trẻ em, giết hại trẻ em (vụ bạo hành trẻ ở trường mầm non Mầm Xanh; Bé gái 20 ngày tuổi bị người thân sát hại ở Thanh Hóa) gây chấn động dư luận. Dưới góc nhìn chuyên gia pháp lý, Luật sư có đánh giá như thế nào trước thực trạng này?

Luật sư Trương Quốc Hòe: Tình trạng bạo hành, xâm hại sức khỏe, tính mạng của trẻ em luôn vấn đề đau lòng, gây nhức nhối, bức xúc trong cộng đồng xã hội và không có một lý do nào có thể biện hộ cho điều đó.

Luật sư lý giải nguyên nhân gia tăng bạo hành trẻ em

Vết thương nghi bị dí sắt nung vào mặt của cháu T.

Tôi cho rằng số lượng các vụ bạo hành, xâm hại được phát giác ngày càng nhiều hơn đều là những câu chuyện rất đau lòng. Bởi như chúng ta thấy với sự phát triển và phổ biến rộng rãi của các thiết bị công nghệ như hiện nay thì các vụ bạo hành dễ dàng bị phát hiện và được ghi lại thông qua các thiết bị ghi hình, camera giám sát, điện thoại thông minh... Những vụ việc này cũng dễ dàng được phát tán trên các trang mạng xã hội khiến vụ việc nhanh chóng được cộng đồng và cơ quan chức năng biết tới. Những đoạn phim ghi hình cũng là bằng chứng rất cụ thể, hữu hiệu giúp người dân thực hiện tố giác, tố cáo hành vi bạo hành trẻ em tới cơ quan chức năng.

PV: Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân khiến tình trạng bạo hành trẻ em ngày càng gia tăng?

Luật sư Trương Quốc Hòe: Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo hành trẻ em ngày càng gia tăng, tôi cho rằng nguyên nhân chính là do sự suy thoái về lối sống, đạo đức của một bộ phận người lớn, giáo viên và cả chính cha mẹ các bé.

Điều này cũng xuất phát từ việc quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em còn lỏng lẻo, thiếu các chế tài đủ sức răn đe. Vì vậy, nhiều người bất chấp quy định pháp luật mà có những hành vi ngang nhiên bạo hành trẻ em, xâm phạm nghiêm trọng tới nhân phẩm, sức khỏe và tính mạng của trẻ.

Bên cạnh đó, hoàn cảnh gia đình, kinh tế khó khăn, mâu thuẫn gia đình, cha mẹ bị cuốn vào tệ nạn xã hội, ma túy, cờ bạc... cũng dẫn đến bạo hành trẻ em.

Ngoài ra cũng phải đánh giá tới việc quản lý của cơ quan chức năng liên quan chưa được thực hiện nghiêm túc, triệt để. Rất nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra tại các trường học, đặc biệt là cấp mầm non, tiểu học tuy nhiên Ban giám hiệu nhà trường, các cơ quan quản lý giáo dục có thể không biết hoặc cố tình che giấu.

Luật sư lý giải nguyên nhân gia tăng bạo hành trẻ em

Luật sư Trương Quốc Hòe: "Nguyên nhân bạo hành trẻ em do sự suy thoái về lối sống, đạo đức"

PV: Nhiều chuyên gia cho rằng, các biện pháp, chế tài bảo vệ trẻ em, quy định luật bảo vệ trẻ em hiện nay còn lỏng lẻo, nhiều kẽ hở. Ý kiến của luật sư về vấn đề này như thế nào?

Luật sư Trương Quốc Hòe: Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định trên. Mặc dù Quốc hội đã ban hành Luật Trẻ em năm 2016 (thay thế cho Luật chăm sóc và bảo vệ trẻ em năm 2004) và các văn bản hướng dẫn thi hành, tạo khung pháp lý cho hoạt động bảo vệ trẻ em. Các hành vi xâm hại trẻ em cũng được quy định trong luật hành chính, luật hình sự với các khung hình phạt cao. Tuy nhiên, nhìn chung các quy định còn lỏng lẻo, nhiều kẽ hở, các biện pháp, chế tài để bảo vệ trẻ em chưa đảm bảo tính hiệu quả áp dụng, tính nghiêm minh và sức răn đe.

Ví dụ như, tại Điều 27 Nghị định số 144/2013/NĐ-CP(Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em) có quy định: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em; Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em; Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em; Dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác, tinh thần;Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn thương tinh thần.Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm. Như vậy, có thể thấy mức phạt chỉ từ 5-10 triệu đồng như hiện nay là còn quá thấp, không đủ sức răn đe.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 50 Luật Trẻ em năm 2016, các biện pháp bảo vệ trẻ em ở mức độ can thiệp sẽ được áp dụng nhằm ngăn chặn hành vi xâm hại trẻ, trong đó có biện pháp “cách ly trẻ em khỏi môi trường, đối tượng đe dọa hoặc đang có hành vi bạo lực, bóc lột trẻ em”. Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp này trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là trong những vụ bạo hành trẻ em xảy ra trong gia đình, giữa chính bố, mẹ và con cái, khiến việc cách ly trẻ khỏi gia đình là rất khó thực hiện.

PV: Chúng ta phải làm gì để hạn chế thấp nhất tình trạng bạo bạo hành trẻ em?

Luật sư Trương Quốc Hòe:  Những vụ việc bạo hành đang được quan tâm gần đây như vụ bạo hành trẻ ở trường mầm non Mầm Xanh cho thấy tính chất rất nguy hiểm và phức tạp của loại tội phạm này.

Trẻ em là đối tượng yếu thế, rất dễ bị tổn thương và chưa có đủ khả năng để tự bảo vệ bản thân trước những hành vi xâm hại, bạo hành. Các em không dám lên tiếng tố giác về việc bản thân bị bạo hành để yêu cầu sự bảo vệ, giúp đỡ từ người xung quanh. Hơn nữa, hậu quả để lại cho các em không chỉ là tổn thương về mặt thể chất mà còn là tổn thương tinh thần, gây ảnh hưởng rất lớn tới sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ và khả năng hòa nhập với cộng đồng. Do đó, rất cần các cơ quan chức năng, cơ quan điều tra phối hợp làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật và có những biện pháp hỗ trợ trẻ là nạn nhân của bạo hành sớm hồi phục, hòa nhập cuộc sống bình thường.

Để hoạt động bảo vệ trẻ em, ngăn chặn hành vi bạo hành trẻ em có hiệu quả, pháp luật cần có những quy định, biện pháp, chế tài nghiêm khắc, chặt chẽ và hiệu quả hơn. Đồng thời cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm, sự chung tay góp sức của cá nhân, các tổ chức xã hội.

PV: Xin cảm ơn Luật sư!

Những vụ bạo hành trẻ em gần đây:

Chủ cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh hành hạ trẻ

Sáng 26/11, clip bảo mẫu cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh thuộc phường Hiệp Thành, quận 12, TP.HCM hành hạ trẻ được đăng tải trên báo chí khiến dư luận chấn động.

Theo nội dung clip, 3 bảo mẫu của trường mầm non này liên tục dùng tay, chân, các vật dụng khác để đánh trẻ với nhiều lý do khác nhau. Thậm chí, họ còn dùng dao đe dọa trẻ...

Sau khi xảy ra sự việc, hàng chục phụ huynh đã bao vây cơ sở mầm non này để yêu cầu làm rõ.

Từ những thông tin trên, Công an quận 12 đã mời bà Phạm Thị Mỹ Linh (SN 1974, tạm trú phường Hiệp Thành, quận 12) - chủ cơ sở mầm non Mầm Xanh và 2 bảo mẫu liên quan lên làm việc.

Tại cơ quan điều tra, bà Linh thừa nhận nhiều lần thực hiện các hành vi như đánh, tát, đạp, đập bình nhựa vào đầu... các bé 2-5 tuổi được gửi tại cơ sở Mầm Xanh do các bé đông, hiếu động, không nghe lời nên đánh dọa để các bé ngoan hơn.

Sau khi củng cố hồ sơ và từ các tài liệu thu thập được, cơ quan Công an đã tiến hành khởi tố vụ án, bắt tạm giam chủ cơ sở mầm non Mầm Xanh để xử lý theo quy định.

Người giúp việc bạo hành dã man bé gái ở Hà Nam

Ngày 23/11, Công an TP.Phủ Lý (Hà Nam) đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với bà Nguyễn Thị Hàn (còn gọi là Hoàn, 58 tuổi, trú tại Bình Thượng, xã Yên Thọ, huyện Ý Yên, Nam Định) để điều tra hành vi hành hạ cháu bé gần 2 tháng tuổi con chị N.T.P. (ở phường Quang Trung, TP Phủ Lý).

Bà Hàn chính là người giúp việc đã tung hứng, đập vào đầu, dùng tay bóp miệng bé gần 2 tháng tuổi, trong 3 đoạn clip do chị N.P. đăng tải trên mạng xã hội.

- Bé gái nghi bị cha, mẹ kế dí sắt nung vào mặt

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an tỉnh Kiên Giang đã vào cuộc điều tra vụ bé gái N.H.N.T. (7 tuổi, ở xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành) nghi bị mẹ kế và cha ruột bạo hành.

Sáng 27/11/2017, Công an đã mời cha mẹ và những người liên quan làm việc. Đồng thời, khám nghiệm hiện trường nơi cháu bé nghi bị bạo hành và đưa nạn nhân đi giám định thương tích.

Trước đó, ngày 24/11 khi cô giáo chủ nhiệm và ban giám hiệu phát hiện trên 2 cánh tay và má phải của T. có vết bỏng khá nghiêm trọng. Các thầy cô giáo đã dùng điện thoại quay phim lưu lại để làm bằng chứng. Khi được thầy cô hỏi về các vết thương, bé T. nói do bị cha dùng thanh sắt nung đỏ rồi dí vào. Trên đỉnh đầu của bé T. cũng có vết thương lõm khiến vùng xương sọ tại đây mềm bất thường.

- Bé trai 1 tuổi bị bạo hành dã man ở Hà Nội

Tháng 8/2017, vụ việc bé trai T.T. A. (14 tháng tuổi) ở Hà Nội bị bạo hành dã man tới nỗi chấn thương sọ não khiến dư luận hết sức phẫn nộ.

Cụ thể, lúc 12h30 ngày 4/8, cháu T. A. được đưa đến Bệnh viện Nhi mà không có người thân đi cùng. Trước đó, T.A. được đưa vào Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba Hà Nội, Bệnh viện Xanh Pôn trong tình trạng hôn mê, co giật, mắt bị giãn, bầm tím toàn thân và xây xước ở bộ phận sinh dục, cổ.

Tại bệnh viện Nhi, T.A. được chụp CT sọ não phát hiện có xuất huyết não phải và được chẩn đoán chấn thương sọ não. Nhận định các vết thương trên cơ thể cháu bé là các tổn thương liên quan đến bạo hành nên bệnh viện đã thông báo cơ quan công an vào cuộc để xác minh vụ việc.

Ngày 5/8, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án “Cố ý gây thương tích” để điều tra làm rõ nguyên nhân cháu bé T.A  bị hành hung dẫn đến chấn thương sọ não.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật sư lý giải nguyên nhân gia tăng bạo hành trẻ em