“Gài bẫy” đưa hối lộ có phạm tội hay không?

Bảo Nam| 29/03/2016 06:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bộ Luật hình sự đã có điều khoản quy định nhằm khuyến khích việc tố cáo hành vi nhận hối lộ. Tuy nhiên, nếu không tìm hiểu kỹ luật, nhiều người sẽ vướng vòng lao lý dù chủ động tố cáo hành vi tham nhũng.

Chủ động tố cáo hối lộ

Ngày 22/3 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông đã tiến hành bắt tạm giam ông Trần Minh Lợi - người nổi tiếng khắp vùng Tây Nguyên vì thường xuyên tố cáo chống tiêu cực - để điều tra về hành vi đưa hối lộ.

Ông Lợi bị bắt vì có vai trò đồng phạm trong vụ đưa hối lộ để chạy tại ngoại trong vụ án đánh bạc xảy ra tại huyện Đắk Mil vào đầu năm nay.

Trước đó, ông Lợi đã từng “thoát án” đưa hối lộ trong một vụ việc tương tự. Theo đó, giữa tháng 2/2016 vừa qua, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã ban hành Kết luận điều tra số 01/VKSNDTC-CI, khởi tố Hoàng Đình Nam - nguyên điều tra viên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Cơ Kuin (tỉnh Đắk Lắk) về hành vi “Nhận hối lộ” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Theo kết luận điều tra, tháng 6/2015 ông Trần Minh Lợi (trú tại số 7, thôn 4, xã Ea B’hốk, huyện Cơ Kuin) gửi đơn tố cáo kèm theo tài liệu ghi âm, ghi hình đến Cơ quan điều tra VKSNDTC và các cơ quan chức năng tố cáo điều tra viên Hoàng Đình Nam có hành vi nhận hối lộ 110 triệu đồng để giúp đỡ các bị can trong vụ án “Vũ Quang Tuấn cùng đồng bọn đánh bạc” được tại ngoại.

Trong vụ án này, Cơ quan điều tra VKSNDTC cho rằng ông Trần Minh Lợi cùng với Vũ Thị Trinh, Nguyễn Anh Kha, Mai Ngọc Thái, Nguyễn Thị Thủy (người nhà của các bị cáo ) là những người có hành vi trực tiếp hoặc thông qua những đối tượng khác gặp gỡ trao đổi, đưa tiền cho Hoàng Đình Nam để Nam giúp đỡ cho các bị cáo được tại ngoại. Hành vi của các đối tượng trên có dấu hiệu của tội “Đưa hối lộ”, “Làm môi giới hối lộ” nhưng sau khi sự việc xảy ra và chưa bị phát hiện, các đối tượng trên đã viết đơn tố cáo về những hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ Công an huyện Cư Kuin và cung cấp tài liệu đưa cho Trần Minh Lợi để Lợi tập hợp và gửi đến các cơ quan chức năng.

Đơn tố cáo của Trần Minh Lợi và tài liệu tố cáo của những người liên quan là cơ sở giúp cho cơ quan điều tra VKSNDTC làm rõ vụ án, làm rõ đối tượng phạm tội. Căn cứ Điều 289 khoản 6 và Điều 290 khoản 6 Bộ luật Hình sự, hành vi của Trần Minh Lợi, Vũ Thị Trinh, Nguyễn Anh Kha, Mai Ngọc Thái, Nguyễn Thị Thủy không cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Gài bẫy” đưa hối lộ có phạm tội hay không?

Việc tổ chức, dàn dựng đưa tiền hối lộ dễ bị quy kết vào tội “môi giới hối lộ” hoặc “đưa hối lộ”

Ranh giới mong manh

Xung quanh vấn đề “gài bẫy hối lộ, hiện có ý kiến cho rằng khi nhà nước ta khuyến khích chống tham nhũng thì không nên bắt tội trường hợp như của ông Lợi.

Tội đưa hối lộ được quy định tại Điều 289 Bộ luật Hình sự. Đưa hối lộ được hiểu là hành vi của người đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác (trực tiếp hoặc qua trung gian) để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Người đưa hối lộ là người có lợi ích liên quan đến việc làm hay không làm của người có chức vụ quyền hạn.

Lợi ích này có thể là lợi ích trực tiếp của người đưa hối lộ (ví dụ để được phân nhà, được đi học, đề bạt, bổ nhiệm…) hoặc là lợi ích của người thân quen, bạn bè hoặc cũng có thể là lợi ích của một tập thể mà người đưa hối lộ là đại diện. Hình thức đưa hối lộ rất đa dạng: có thể trực tiếp hoặc qua trung gian, dưới hình thức quà biếu, cho tặng…

Tội đưa hối lộ hoàn thành từ thời điểm người đưa hối lộ đã đưa tiền, tài sản và yêu cầu người có chức vụ quyền hạn làm hoặc không làm một việc có lợi cho người đưa hối lộ (không phụ thuộc vào người có chức vụ quyền hạn có đồng ý hay không). 

Như vậy, tội đưa hối lộ là hành vi đưa vật chất cho người có chức vụ quyền hạn - nhằm mục đích để người đó đem lại lợi ích cho mình hoặc làm theo yêu cầu của mình.

Theo quan điểm nói trên, nếu đưa vật chất mà không có mục đích để người nhận đem lại lợi ích cho mình hay làm theo yêu cầu nào đó của mình, thì rõ ràng không phạm tội hối lộ.

Trong trường hợp trên, ông Lợi đã đưa vật chất nhưng không phải với mục đích là nhờ cán bộ có chức vụ quyền hạn đem lại lợi ích hay làm theo yêu cầu của mình. Mục đích mà ông Lợi khi đưa tiền đã nói nhờ vả với các cán bộ đó chỉ là mục đích giả, còn mục đích thật của ông là tố cáo họ nhận hối lộ.

Cho nên để kết luận về việc làm của ông Lợi thì phải căn cứ vào hành vi thật (tố cáo) của ông, chứ không thể căn cứ vào hành vi giả (vờ hối lộ) của ông mà định tội được.  Như vậy ông Lợi đã hối lộ nhưng là để nhằm tố cáo chống lại chính cái việc nhận hối lộ đó, chứ không phải hối lộ để nhằm kiếm lợi ích từ người nhận hối lộ - theo mô tả về tội đưa hối lộ của Bộ luật Hình sự.

Quan điểm khác thì cho rằng, để xem xét hành vi của ông Lợi có phạm tội hay không, cần căn cứ vào thời điểm ông khai báo, tố cáo hành vi nhận hối lộ.

Để khuyến khích việc tố giác hành vi nhận hối lộ, tại khoản 6 Điều 289 BLHS quy định 2 trường hợp được coi là không có tội hoặc được miễn trách nhiệm hình sự:

+ Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ tài sản đã dùng để đưa hối lộ.

+ Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần  hoặc toàn bộ tài sản đã dùng để đưa hối lộ.

Như vậy, trong vụ việc trên, nếu ông Lợi chủ động đưa hối lộ để “gài bẫy” (không bị ép buộc) nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Trường hợp việc đưa hối lộ bị phát giác trước khi ông Lợi khai báo thì ông phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ.

Quy định thì như vậy, song trên thực tế ranh giới giữa phạm tội và không phạm tội là khá mong manh, bởi người đưa hối lộ khó biết được thời điểm nào để khai báo, tố cáo trước khi vụ việc bị phát giác. Hơn nữa, cũng cần nhấn mạnh rằng có thể được miễn trách nhiệm hình sự chứ không chắc chắn, vì cơ quan chức năng còn phải xem xét nhiều tình tiết liên quan để quyết định có xử lý hình sự không.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ông Đỗ Văn Đương - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, trong quá trình thảo luận về Bộ luật Tố tụng hình sự và Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã có nhiều ý kiến đề nghị bỏ tội “Đưa hối lộ” vì nếu người đưa hối lộ bị xử lý hình sự thì không ai dám tố cáo nữa; quan trọng hơn là trị người nhận hối lộ, nhũng nhiễu và làm sai lệch công vụ hoặc không làm việc gì đó theo yêu cầu người đưa hối lộ. Nhưng pháp luật hình sự hiện nay vẫn có tội môi giới hối lộ, đưa hối lộ và nhận hối lộ.

Ông Đương cho rằng, có người không phải vì động cơ, nhưng như một dạng đặt bẫy để cán bộ bộc lộ đúng bản chất. Phải khẳng định hành vi đó là hành vi tội phạm. Việc khởi tố điều tra là có căn cứ, là đúng. Theo ông Đương, sau này khi xử lý vụ việc, cơ quan tố tụng có thể cân nhắc để giảm nhẹ hình phạt vì ông Trần Minh Lợi đã tích cực, chủ động tố cáo tới cơ quan pháp luật. Nhờ tố cáo đó để có chứng cứ, củng cố kết tội những cán bộ vi phạm pháp luật.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội luật gia TPHCM đánh giá, pháp luật hình sự hiện hành yêu cầu người tố cáo tham nhũng phải thông báo và phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý vụ việc. Việc tổ chức, dàn dựng đưa tiền hối lộ rồi ghi âm, quay clip làm bằng chứng để tố cáo tham nhũng là điều không nên làm và dễ bị quy kết vào tội “môi giới hối lộ” hoặc “đưa hối lộ”.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng cơ quan Cảnh sát điều tra, cơ quan điều tra - VKSND cần phải có sự điều chỉnh, giải quyết nhanh nhạy, minh bạch hơn để người dân tin tưởng và sẵn sàng hợp tác, phối hợp giải quyết kịp thời những sự việc nhũng nhiều, vòi vĩnh tiền bạc của cán bộ công chức, viên chức nhà nước đối với người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Gài bẫy” đưa hối lộ có phạm tội hay không?