Đong đầy chuyện nghề trên đất nước Triệu Voi

Phong Vân| 19/06/2020 13:40
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Gần 20 năm làm nghề, biết bao nhiêu kỷ niệm trên suốt dải dọc từ mũi Sa Vĩ đến Hà Tiên, tôi cứ đi, cảm nhận những câu chuyện rất đỗi bình thường mà lại diệu kỳ ở nơi tận cùng cũng là nơi bắt đầu của Tổ quốc.

Chuyện nghề của phóng viên mang quân hàm xanh chúng tôi có lẽ nó đặc biệt hơn bởi những câu chuyện với những người anh em cùng chung đường biên giới.

Đường biên giới giữa Việt Nam và Lào dài khoảng 2.340km, trải dài suốt 20 tỉnh của Việt Nam, Lào gồm: Điện Biên, Sơn La, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Kon Tum và Phỏng-sả-lỳ, Luổng-pha-bang, Hủa-phăn, Xiêng-khoảng, Bô-ly-khăm-xay, Khăm-muồn, Sa-vắn-nạ-khệt, Sả-lạ-văn, Sê-kông, Ắt-tạ-pư. Giữa hai nước có những dãy núi cao hình thành một đường biên giới tự nhiên.

Phía Bắc từ A Pa Chải trở xuống là dãy Pu Xam Sẩu, phía Nam từ Thanh Hoá trở vào là dãy Trường Sơn. Một số nơi đã trở thành các cửa khẩu nối liền hai nước, còn trên các đoạn biên giới khác, hầu hết là núi non hiểm trở, đi lại khó khăn. Và dường như, trong khó khăn ấy, tình đồng chí kề vai sát cánh cũng vì thế mà càng thêm khăng khít, gắn bó. Trên suốt dọc dài biên giới ấy, tôi đã đi, chứng kiến và cảm nhận những câu chuyện chỉ có thể có bởi những người anh em Việt – Lào.

Đong đầy chuyện nghề trên đất nước Triệu Voi

Phóng viên Trúc Hà trò chuyện cùng bà con người Lào tại huyện Sê Kong, Lào

Quản lý địa bàn chỉ có rừng và rừng, cách xa dân nhưng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sông Thanh, BĐBP Kon Tum lại có “những người anh em ở bên kia biên giới” ở rất gần và rất đỗi thân thương. Năm 2014, Đồn Biên phòng Sông Thanh và Đại đội Bảo vệ biên giới 532 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Sê Kong, Lào) tổ chức kết nghĩa anh em, từ đó thêm cơ sở pháp lý để có điều kiện giúp đỡ nhau nhiều hơn. Việc giúp đỡ không chỉ dừng lại ở giữa những người lính với nhau mà còn giúp đỡ cả những người dân Đắk Ba của bạn Lào khi hàng năm Bộ Chỉ huy, Đồn Biên phòng Sông Thanh đều trích quỹ vốn tăng gia, kêu gọi các tổ chức, cá nhân dành những phần quà cho bà con.

Khi Đồn Biên phòng Sông Thanh triển khai chương trình Nâng bước em đến trường, các anh đã đỡ đầu nhận Kê Si- 1 học sinh Lào ở bản Đăk Ba, có cha nguyên là lính biên phòng Việt Nam. Thấy tôi thích thú với món xôi Lào đựng trong kếp khẩu được đan bằng nan tre, Đại úy Sisavanh, Chính trị viên phó Đại đội Bảo vệ vệ biên giới 532 mang đến nửa bao gạo nếp.

Anh nói: “Gạo lấy từ kho của đơn vị đấy. Mang về Hà Nội để ăn và chia cho hàng xóm. Em hãy nói với mọi người đây là quà của bộ đội Lào nhé!”. Lời nói ấy khiến tôi không thể từ chối dù biết rằng mình không thể mang theo bao gạo đi cả nghìn cây số.  Đứng bên cạnh thấy vậy, Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng cũng “giao nhiệm vụ”: “Cuộc sống, tình cảm của bộ đội Lào, bộ đội Việt đều biết rồi. Đại đội có hơn trăm, đồn cũng gần trăm, em viết gì thì viết nhưng phải đưa hết được tên, quân hàm, chức vụ của mọi người lên báo đấy!” Hơn chục năm làm nghề, đi biên giới, chưa khi nào tôi nhận “nhiệm vụ” đặc biệt đến thế!

Năm 2018, tôi đến thăm Đại đội bảo vệ biên giới 531, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Sê Kong (tiếp giáp với huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế) và bất ngờ gặp lại Thiếu tá Sẻng Vị Say, trước đây ở Đại đội bảo vệ biên giới 532. Mừng vui vì gặp lại bạn cũ, câu chuyện thế dài mãi. Thiếu tá Sẻng Vị Say từng có thời gian tập huấn ở Học viện Biên phòng Việt Nam, lại có nhiều năm công tác ở biên giới Việt – Lào nên vốn tiếng Việt của anh không phải là ít.

Vì yêu mến đất nước, con người Lào, tôi tìm sách mày mò học chữ nên cũng hiểu được những điều anh nói. Khi khó quá, chúng tôi “dùng tay giải thích, phụ họa thêm chút tiếng Anh” thành ra câu chuyện lại càng thêm rôm rả, thú vị và chỉ bị gián đoạn vì 2 chú dê nhỏ ở đâu bỗng chạy vào.

Thiếu tá Sẻng Vị Say nói như chợt nhớ ra: “Dê của đại đội mới đẻ được mấy ngày đấy”. Rồi anh hào hứng kể, năm 2013, Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt tặng cho Đại đội 1 cặp dê giống. Đến nay, đàn dê đã tăng đáng kể, nhưng cán bộ, chiến sĩ của Đại đội vẫn tiếp tục nhân giống để “phấn đấu có đàn dê nhiều như của Đồn Biên phòng”.

Anh cũng không quên kể chuyện nhờ Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt mà khoảng đất trọc phía sau đơn vị đã biến thành “rừng” keo. Chỉ vài năm nữa, rừng keo cho thu hoạch, có thể tạo thêm nguồn thu cho đơn vị, hoặc để xây dựng đơn vị. Điều đó khiến tôi nhớ đến câu nói nằm lòng về tình hữu nghị Việt – Lào: “Mối tình ấy cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, đẹp hơn ánh trăng rằm và thơm hơn đóa hoa thơm nhất”.

Những năm trở lại đây, hoạt động giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam- Lào trở thành hoạt động thường niên. Đây là dịp giao lưu văn hóa mà còn là dịp tri ân những người dân đã có nhiều đóng góp cùng BĐBP Việt Nam bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, xây dựng đường biên giới đoàn kết hữu nghị. Năm 2019, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị tổ chức giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam-Lào tại cửa khẩu Lao Bảo.

Có chút vốn tiếng Lào, tôi được cử đi theo các đoàn “tiền trạm” đưa tin về các hoạt động bên lề trước thềm giao lưu, đó là việc đi khám chữa bệnh, tặng quà cho nhân dân các huyện Sa Muồi (tỉnh Salavan), Nòong, Sê Pôn (Savannakhet), Lào. Suốt hành trình trên đất nước bạn, chúng tôi đã chứng kiến những câu chuyện xúc động không chỉ là niềm vui của những người khốn khó được tặng sinh kế để có thể mơ về cuộc sống tốt đẹp hơn mà còn là những câu chuyện về Việt – Lào xamakhi. Sau chuyến đi ấy, chúng tôi vẫn bảo nhau rằng, dậy con biết yêu Tổ quốc còn phải dậy Việt – Lào là anh em! Đã 1 năm mà mỗi lần nghĩ lại vẫn tựa như thể mới là hôm qua.

Huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan là vùng cao nguyên của miền Trung nước Lào. Do địa hình cao, giao thông không thuận lợi nên cuộc sống của nhân dân huyện biên giới này còn rất nhiều khó khăn. Bởi vậy, Bộ chỉ huy BĐBP Quảng Trị đã tham mưu cho Bộ Tư lệnh BĐBP tặng cho nhân dân huyện Sa Muồi 10 con bò giống. Từ sớm, không chỉ gia đình được nhận bò tới mà nhiều người khác trong bản cũng đi.

Trong số những người được tặng bò giống lần này có bà Căn Nhất ở bản La Lay A sói, huyện Sa Muồi. Bà Căn Nhất sống 1 mình vì chồng mất, các con đã xây dựng gia đình giêng và ai cũng khó khăn nên không giúp gì được cho mẹ. Lớn tuổi lại ở một mình nên không gì nói hết được nỗi vất vả của bà Căn Nhất.

Ngay đến thửa ruộng để có đủ gạo ăn 1 năm cũng không thể canh tác hết vì thiếu bàn tay của người đàn ông. Thấy tôi làm phiên dịch cho đội ngũ phóng viên, bà Căn Nhất cứ nắm tay tôi bảo: “Hãy nói giúp mẹ, rằng mẹ sẽ chăm sóc bò thật tốt. Khi nào bò đẻ con mẹ sẽ chia cho các con của mình để chúng có bò để làm ruộng. Con bò này là niềm hi vọng của cả gia đình mẹ và các con của mẹ. Mẹ biết ơn BĐBP Việt Nam”. 

Lần này trở lại cụm bản Đen Sa Vẳn, huyện Sê Pôn, tôi thấy mọi thứ đều đổi khác, tình cảm đối với bộ đội biên phòng Việt Nam ngày càng sâu đậm hơn. Đến bản làng nào cũng nhân được sự tiếp đón nồng hậu, ai cũng như rất thân quen với Thượng tá Trần Tuấn Anh, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Trị. Hóa ra, trước đây, Thượng tá Trần Tuấn Anh có thời gian dài công tác trên biên giới, nhiều hoạt động giúp đỡ nhân dân các bản giáp biên của Lào. Phó huyện trưởng huyện Nòong, tỉnh Savannakhet- ông Tèeng Oon khi còn là Cụm trưởng cụm Ka Túp (huyện Sê Pôn) thì Thượng tá Trần Anh Tuấn là đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo.

Mối thân tình giữa 2 người được xây đắp bằng những việc Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo thường xuyên có những hoạt động giúp đỡ bà con như vận động các đoàn thiện nguyện tặng quà, khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho người nghèo, xây nhà lưu trú cho y bác sĩ ở trạm xá của cụm bản Ka Túp… Dù 2 người chuyển công tác nhưng tình cảm vẫn luôn luôn gắn bó. Lần này, Phó huyện trưởng Tèeng Oon biết Thượng tá Trần Tuấn Anh dẫn đoàn công tác mang bò sang tặng cho bà con cụm bản Đen Vi Lay của mình thì rất vui mừng. Ông cùng mọi người ra tận bờ sông Sê Pôn chờ đón đoàn như thể đón những người thân đến thăm nhà.

Tháng 6 là khoảng thời gian đất nước Lào bước vào mùa mưa. Tôi lại hình dung ra những cơn mưa tưới táp cho những đồng cỏ cháy nắng suốt cả 6 tháng mùa khô nay bật chồi non khỏi lớp đất màu mỡ. Một đất nước Lào đẹp đẽ với những con người tốt bụng, hiếu khách và tình thương mến thương giữa người lính bảo vệ biên giới luôn là những hình ảnh mà chúng tôi nghĩ đến nước Triệu Voi….

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đong đầy chuyện nghề trên đất nước Triệu Voi