Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi gồng mình ứng phó với bão lũ

Trang Trần- Hải Nam-Minh Quân| 11/10/2020 13:43
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng sớm nay 11/10 áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành cơn bão số 6, các tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ có mưa rất to. Do tình hình mưa kéo dài trong những ngày qua, một số vùng của TP Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi ngập sâu.

Tại TP Đà Nẵng: Trước nguy cơ “bão chồng lũ”, UBND TP Đà Nẵng đã tiến hành họp khẩn và có công văn triển khai ứng ứng phó với cơn bão số 6 và mưa lớn diện rộng trên địa bàn Thành phố.

Theo đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng đã thông báo cho tàu thuyền biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới, tổ chức kiểm đếm tàu thuyền trên biển, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ tối ngày 06/10/2020.

Trưa ngày 09/10, có 04 tàu bị nạn gồm có các tàu ĐNa 91066-TS, ĐNa 30873-TS, ĐNa 07070-TS, ĐNa 90988-TS. Đến tối ngày 09/10, đã cứu được 06 thuyền viên của 03 tàu ĐNa 91066-TS, ĐNa 30873-TS, ĐNa 07070-TS. Hiện nay, tiếp tục tổ chức tìm kiếm cứu nạn tàu ĐNa 90988-TS.

Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi gồng mình ứng phó với bão lũ

Mưa lớn khiến nhiều địa phương tại Đà Nẵng bị ngập sâu

Tính đến 07h00’ sáng ngày 11/10 còn 08 tàu/79 lao động đang hoạt động trên biển (Khu vực QĐ Hoàng Sa: 03 tàu/32 lao động; ven biển Huế - Đà Nẵng: 04 tàu/37 lao động; ven biển Bình Thuận: 01 tàu/10 lao động), các phương tiện đã nắm được thông tin về thời tiết nguy hiểm để chủ động phòng tránh. Đà Nẵng đã tiến hành sơ tán 754 hộ (2.567 người) dân.

Tính đến nay mưa lũ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã gây ngập úng tại các xã thuộc huyện Hòa Vang. Cụ thể, 09/11 xã với 61 thôn gồm 4.597 hộ bị ngập lũ, trong đó các thôn của xã Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Khương ngập sâu. Ngập úng cục bộ tại một số địa điểm khu vực đô thị các quận Hải Châu, Liên Chiểu, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Cẩm Lệ.

Có 03 người mất tích, cụ thể: 01 người tại Hòa Khương, trượt chân tại khu vực sau tràn Hồ Đồng Nghệ trong lúc đi câu cá và 02 người của tàu ĐNa 90988-TS bị mất tích trên biển…

Mưa lớn kéo dài cũng đã làm một số tuyến đường thuộc địa phận huyện Hòa Vang bị sạt lở, sạt lở núi sọ 20 m3 tại An Ngãi Tây 1 và mương thoát nước 20m tại Nghĩa trang giai đoạn 4, xã Hòa Sơn. Hàng chục cây xanh bị ngã đổ. Tại Hòa Vang có 11 trường bị ngập.

Để chủ động ứng phó với mưa bão, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã yêu cầu các quận, huyện triển khai ngay phương án phòng chống mưa lớn, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất; khẩn trương sơ tán nhân dân, sinh viên, công nhân sống trong các nơi không kiên cố đến nơi an toàn; tổ chức chằng chống nhà cửa, nhất là nhà tạm chờ tái định cư.

Nghiêm cấm, không cho người ở lại trên lồng bè, có biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản cho tại các khu nuôi trồng thủy sản. Nghiêm cấm nhân dân, phương tiện và ghe thuyền không có nhiệm vụ đi lại trong vùng trũng thấp, ngập sâu, cầu tràn qua suối; chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, nước uống… sẵn sàng triển khai lực lượng phương tiện, trang thiết bị, cứu hộ, cứu nạn, chủ động hỏi thăm các gia đình có người gặp nạn do thiên tai gây ra.

Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi gồng mình ứng phó với bão lũ

Mưa lũ khiến nhiều địa phương ngập sâu

UBND các quận, huyện triển khai ngay các phương án sơ tán nhân dân, lưu ý các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố tiếp tục kêu gọi tàu thuyền vào bờ hoặc tìm nơi trú tránh an toàn, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển.

Tại Quảng Nam: Hiện nay, mực nước trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa đang xuống chậm; trên sông Thu Bồn tại Giao Thủy và Câu Lâu đang xuống chậm, Hội An đạt đỉnh; trên sông Tam Kỳ đang lên nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mưa to trong khi bão số 6 đang đổ bộ vào đất liền.

Dự kiến, trưa nay bão số 6 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Quảng Nam - Bình Định, trọng tâm là Quảng Nam và Quảng Ngãi. Trong khi bão số 6 đang đổ bộ vào đất liền thì 3.117 ngư dân Quảng Nam hành nghề trên 95 tàu cá còn ở ngoài khơi.

Sáng 11/10, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cho biết, trong 24 đến 48 giờ tới, các địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa vừa, mưa to, đến mưa rất to. Tổng lượng mưa từ nay đến hết ngày 13/10 tại các địa phương phổ biến từ 300-500mm, có nơi trên 500mm.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, hiện mực nước trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa đang xuống chậm; trên sông Thu Bồn tại Giao Thủy và Câu Lâu đang xuống chậm, Hội An đạt đỉnh; trên sông Tam Kỳ đang lên. 

Mực nước lúc 3h ngày 11/10 cụ thể như sau: Trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa là 8,84m (dưới báo động III: 0,16m); trên sông Thu Bồn tại Giao Thủy là 6,87m (trên báo động I: 0,37m), Câu Lâu là 3,5m (dưới báo động III: 0,5m), Hội An là 2,14m (trên báo động III: 0,14m); trên sông Tam Kỳ tại Tam Kỳ là 2,22m (trên mức báo động II: 0,02m).

Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi gồng mình ứng phó với bão lũ

Phố Cổ Hội An chìm trong biển nước

Từ số liệu cập nhật lúc 8 giờ sáng 11/10, 3 thủy điện A Vương, Đak Mi 4, Sông Bung 4 đang xả hơn 2.176 m3 nước/giây về sông Vu Gia. Mực nước ở thủy điện Sông Tranh 2 (thủy điện này đưa nước về sông Thu Bồn) cũng đã dâng lên mức 161 m (mực nước đón lũ là 165 m), lưu lượng nước về hồ lên đến hơn 2.500 m3/giây. Thủy điện Sông Tranh 2 xả nước qua tràn chỉ hơn 5 m3/s nhưng hiện nay lưu lượng nước về sông Thu Bồn là 110 m3/s.

Tính tới sáng 11-10, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức sơ tán 533 hộ dân với 1.677 người. Trong đó, 18 hộ với 69 người đã trở về nhà sau khi nước rút.

Ngày 11/10, ông Võ Văn Điềm, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam xác nhận, đơn vị đã có báo cáo về sự cố vỡ đập Hóc Bầu (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam).

Theo đó, hồ Hóc Bầu có diện tích lưu vực 0,3 km2; dung tích 205.000 m3. Hồ có một đập đất dài 129 m, chiều cao lớn nhất 7,2 m, một tràn xã lũ rộng 4,9 m; đảm bảo công suất tưới cho 16ha.

Công trình có vốn đầu tư 3,5 tỉ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 11/2021. Hiện nay đã thi công xong tràn xả lũ, xây lắp cống và đắp lại cống đến cao trình trên đỉnh cống khoảng 2m, gia cố 50% mái thượng lưu, đắp đê quay cống lấy nước.

Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi gồng mình ứng phó với bão lũ

Nhiều nhà cửa bị ngập sâu

Do mưa lớn kéo dài mấy ngày qua, tối 9/10 hồ bắt đầu sạt lở đê quây cống lấy nước. Lúc 5 giờ 30 ngày 10/10, đê quây cống vỡ hoàn toàn làm trôi phần đất đắp mang cống, nước tràn về hạ lưu gây ảnh hưởng cho 10 hộ dân.

Theo ông Điềm, sau khi xảy ra sự cố, đơn vị đã huy động nhân lực dùng bao đắp chèn dọc hai bên mang cống và trải bạc nhằm chống xói lở thêm thân đập. Đến 10 giờ cùng ngày (10-10), sự cố được khắc phục.

Hiện BQL dự án ĐTXD các công trình trình NN&PTNT tỉnh Quảng Nam đã bố trí cán bộ, máy móc túc trực theo dõi để kịp thời xử lý. Rất may, vụ việc không gây thiệt hại về người. Tuy nhiên, một số tài sản, hoa màu của người dân bị ảnh hưởng.

Tại Quảng Ngãi: Thông tin từ Đồn Biên phòng Bình Thạnh (BĐBP tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, vào lúc 2 giờ ngày 11/10, tàu cá QNg 90741TS, do ông Nguyễn Xuân Đô (trú tại: xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng. Khi đang trên đường đi hành nghề đến vùng biển Dung Quất, huyện Lý Sơn, cách bờ khoảng 17 hải lý thì bị hỏng máy trôi dạt trên biển. Do thời tiết đang sóng to, gió lớn nên lực lượng cứu hộ chưa thể tiếp cận được với tàu gặp nạn.

Được biết, lúc gặp nạn trên tàu đang có 4 lao động, hiện trên biển đang có gió to, sóng lớn nên thuyền trưởng Nguyễn Xuân Đô yêu cầu cứu nạn.

Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã điều động tàu cứu nạn xuất phát từ cảng Dung Quất đi cứu nạn nhưng do sóng to gió lớn nên tàu này không thể tiếp cận được tàu cá bị nạn nên quay về bờ. Hiện tàu cá QNg 90741TS đang trôi bị trôi đến vùng biển thuộc xã Bình Hải (Bình Sơn) tốc độ 2 hải lý/ giờ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi gồng mình ứng phó với bão lũ