Hồi 16h ngày 03/7, vị trí tâm bão số 2 ở vào khoảng 19,3 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, cách huyện đảo Bạch Long Vĩ khoảng 100km về phía Nam, cách đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa khoảng 210km về phía Đông Đông Nam.
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 2, Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã dừng tất cả các cuộc họp để tập trung cho công tác ứng phó với bão.
Ngay trong chiều 3/7, Ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, cùng lãnh đạo một số sở, ngành liên quan của tỉnh đã đi kiểm tra công tác phòng, chống cơn bão số 2 tại huyện Vân Đồn.
Sau khi đi kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão trên địa bàn thị trấn Cái Rồng, nghe báo cáo của huyện Vân Đồn, Ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Bão số 2 đang tiến gần đến đất liền, do đó cả hệ thống chính trị phải vào cuộc triển khai chỉ đạo phòng, chống; tuyệt đối không được chủ quan trước mọi diễn biến. Ông yêu cầu: ”Trong ngày 4/7, từ tỉnh đến cơ sở phải dừng tất cả các cuộc họp để tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống bão số 2”.
Từ chiều 3/7 đến ngày 4/7, từ tỉnh đến các địa phương phải thành lập các đoàn đi kiểm tra tại cơ sở, những nơi xung yếu; tuyên truyền vận động nhân dân không được chủ quan, nhất là tại các nhà bè nuôi trồng thủy sản, những nơi có nguy cơ sạt lở. Ngoài việc vận động nhân dân chằng buộc, gia cố lồng bè nuôi trồng thủy sản thì cần kiên quyết di dời người dân lên bờ để đảm bảo an toàn tính mạng. Nếu địa phương nào để xảy ra chết người do lỗi chủ quan thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, cùng lãnh đạo một số sở, ngành liên quan của tỉnh đã đi kiểm tra công tác phòng, chống cơn bão số 2 tại huyện Vân Đồn.
Đối với hồ đập trên địa bàn tỉnh, các đơn vị, địa phương cần tiếp tục rà soát, có phương án xả lũ khi có mưa lớn. Ngành Than có phương án đảm bảo an toàn trong khai thác than và khu vực bãi thải mỏ, tránh để ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, đời sống người dân quanh khu vực. Các địa phương có nguy cơ ngập lụt cao, như: Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên phải có phương án di dời dân; chằng chống nhà cửa, bảo vệ tài sản, tính mạng cho người dân theo phương châm "4 tại chỗ"; cảnh báo lũ quét, lũ ống sau bão, đặc biệt không được để người dân đi qua các đập tràn.
Để chủ động ứng phó với cơn bão số 2, Bộ CHQS tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện các biện pháp phòng, chống bão, kiểm tra hệ thống kho tàng, doanh trại, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động tham gia phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Theo kế hoạch, lực lượng do Bộ CHQS tỉnh đảm nhiệm, hiệp đồng là 2.360 người; 73 ô tô các loại; 11 tàu, xuồng; 6 xe lội nước sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh. Cùng với đó, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo đội thường trực cứu hộ, cứu nạn trên Vịnh Hạ Long nắm chắc tình hình trên biển, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó kịp thời khi có tình huống xảy ra.
Lực lượng sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra…
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 2, ngày 3/7, Đoàn công tác Bộ CHQS tỉnh do Đại tá Nguyễn Trung Trịnh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh, làm Trưởng đoàn, đã đi kiểm tra công tác phòng, chống mưa bão tại ban CHQS các huyện Vân Đồn, Ba Chẽ, Đầm Hà. Tại buổi kiểm tra, Đại tá Nguyễn Trung Trịnh yêu cầu các đơn vị tập trung kiểm tra lại phương tiện, địa bàn, lực lượng sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra…