2 tháng đầu năm: 86 vụ tai nạn đường sắt, 85 người thương vong

Huy Hùng| 12/03/2015 10:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo số liệu thống kê của ngành đường sắt, từ đầu năm đến nay, trên tuyến đường sắt đã xảy ra 86 vụ tai nạn, làm chết 37 người và 48 người bị thương.

Các vụ tai nạn nghiêm trọng của đường sắt phần lớn xảy ra chủ yếu tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt (đường ngang), nhất là đường ngang do người dân tự mở, không có gác chắn và đèn tín hiệu. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phân tích, số vụ tai nạn đường sắt tập trung chủ yếu tại các đường ngang chiếm đến 80%.

Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, trên mạng lưới đường sắt hiện tại có hơn 5.000 đường ngang các loại, trong đó 544 đường ngang có biển báo, 304 đường ngang có cảnh báo tự động, 654 đường ngang có người gác, 4.268 đường dân sinh vượt qua đường sắt.

2 tháng đầu năm: 86 vụ tai nạn đường sắt, 85 người thương vong

Vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng xảy ra vào tối ngày 10/3 tại Quảng Trị (ảnh TTXVN)

Gần đây nhất vụ tai nạn xảy ra lúc  21h41 ngày 10-3,  tại  Km 639+750 (đường ngang có thiết bị cảnh báo tự động) trên đường sắt Bắc - Nam thuộc huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị giữa tàu khách SE5 và ô tô đầu kéo BKS 75C-031.99, kéo rơ móc BKS 75C - 00185, đang chở đá băng qua đường sắt làm 1 người chết và 3 người bị thương.

Để ngăn chặn các vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng, hôm qua 11-3, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã có văn bản gửi các địa phương có đường sắt đi qua yêu cầu tăng cường giám sát quy trình của đội ngũ nhân viên gác đường ngang và thường xuyên kiểm tra hoạt động của các thiết bị an toàn trên hệ thống đường ngang, bố trí cảnh giới tại các đường ngang tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn; hướng dẫn quy tắc an toàn giao thông đường bộ khi vượt đường sắt cho người dân.

Chỉ đạo lực lượng CSGT phối hợp với Thanh tra giao thông, ĐSVN, nắm vững giờ tàu qua địa bàn để tăng cường công tác kiểm tra tại các đường ngang có rào chắn và thiết bị cảnh báo tự động để phát hiện, xử lý vi phạm (đóng mở chắn, hoạt động của thiết bị) và xử phạt vi phạm quy tắc giao thông khi đi qua đường sắt đối với người tham gia giao thông đường bộ.

Kiểm tra, rà soát các điểm giao cắt, tổ chức giải tỏa bảo đảm tầm nhìn cho cả hai phía đường bộ, đường sắt; nâng cấp, cải tạo các đường ngang tạo bề mặt lối đi bằng phẳng, êm thuận; cắm đầy đủ biển báo hiệu, làm gờ giảm tốc trên đường bộ địa phương quản lý.

Đối với đường ngang không có rào chắn và thiết bị cảnh báo tự động mà có mật độ phương tiện giao thông cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn thì phải tổ chức cảnh giới, bảo đảm an toàn.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
2 tháng đầu năm: 86 vụ tai nạn đường sắt, 85 người thương vong