Trên cơ sở Đề án của trường ĐH Phạm Văn Đồng và Báo cáo đề xuất đầu tư phát triển của Công ty Nguyễn Hoàng, nhiều trí thức góp ý phản ứng kịch liệt cách làm xã hội hóa như hiện nay đối với trường khi giao toàn bộ tài sản công cho doanh nghiệp.
Chiều 14/3, Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi chủ trì, nghe trình bày của Ban Giám hiệu trường ĐH Phạm Văn Đồng (Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động do nhà trường xây dựng) và Công ty Nguyễn Hoàng với Báo cáo đề xuất đầu tư phát triển Đại học Phạm Văn Đồng theo hướng xã hội hóa (IEC-QN 2). Đồng thời, lắng nghe ý kiến của Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi cùng các thành viên liên quan.
Báo cáo đề xuất IEC-QN 2 của Công ty Nguyễn Hoàng đưa ra 4 kiến nghị với các nội dung đáng chú ý. Đối với cán bộ nhân viên; giữ nguyên cán bộ công chức 5 năm và tăng lương tối thiểu từ 10%; được quyền chọn và luân chuyển giảng dạy, làm việc các trường thành viên của Nguyễn Hoàng. Đối với học sinh, giữ khung học phí hiện tại đến khi sinh viên ra trường và áp dụng mức học phí mới sau đầu tư.
Báo cáo đề xuất đầu tư của Công ty Nguyễn Hoàng biến thành 40ha đất với tham vọng cấp đất “miễn phí”
Đối với tài sản trên đất, cho phép thanh lý những tài sản không còn sử dụng hoặc không đúng chức năng theo quy hoạch của Nguyễn Hoàng; các công trình và tài sản sử dụng được thì tính theo giá trị khấu hao còn lại theo hình thức trả 1 lần hoặc nhiều lần; khấu hao tiền bồi hoàn di dời 86 hộ dân vào ngân sách.
Về phần diện tích đất, Công ty Nguyễn Hoàng đề nghị tỉnh giao đất không tính tiền sử dụng đất; tỉnh khẩn trương đền bù, di dời 86 hộ dân còn lại trong dự án trường ĐH Phạm Văn Đồng.
Theo quy hoạch xây dựng IEC-QN 2, tổng diện tích Công ty Nguyễn Hoàng đề xuất “sở hữu” với 40 héc-ta (ha). Trong đó, bố trí tổng thể cho trường ĐH Phạm Văn Đồng tối đa 3,5ha; xây dựng trường ĐH Quốc tế Swinburne (3,7ha), Bệnh viện Quốc tế (1,7ha), khu hiệu bộ (0,4ha), kiến túc xá (3,6ha), khu dân cư (7,4ha) và các khu vui chơi.
Tổng diện tích đất xây dựng là 11,3 ha; riêng diện tích đất dành cho khu dân cư chiếm 7,4ha (chiếm 1/5 tổng diện tích, tương đương 606 lô nhưng chỉ có 82/86 hộ diện tái định cư). Từ số liệu của Công ty Nguyễn Hoàng đề xuất, cho thấy diện tích không vướng xây dựng có thể cải tạo thành mô hình hoặc sử dụng mục đích đất khác gần 30ha.
Khu dân cư “kỳ lạ” chiếm 1/5 diện tích của trường ĐH Phạm Văn Đồng hiện hữu.
Như đề xuất trên, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh cho rằng, không thể đem so sánh giữa Đề án do trường ĐH Phạm Văn Đồng lập với ý tưởng đề xuất đầu tư của Nguyễn Hoàng. Hiện nay, chưa có quy định đề cập doanh nghiệp tư nhân đứng ra tổ chức xã hội hóa đơn vị sự nghiệp công lập, áp dụng theo Nghị định 69/2008/NĐ-CP về đối tượng điều chỉnh phải do chính nhà trường tự đưa ra phương án.
Đụng đến đất của nhà trường, ý kiến khẳng định trường công lập khi chuyển sang loại hình ngoài công lập thì được nhà nước tiếp tục giao đất, chứ không phải chuyển trường công lập cho một đơn vị tư nhân để rồi được nhà nước tiếp tục giao đất cho đơn vị tư nhân đó.
Việc viện dẫn Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017, Công ty Nguyễn Hoàng cho rằng trường ĐH Phạm Văn Đồng hoạt động không hiệu quả. Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh phản bác ngay, dẫn chứng thực tiễn trường ĐH Phạm Văn Đồng là trường đại học địa phương đầu tiên trong cả nước được công nhận cơ sở giáo dục đạt chuẩn chất lượng. Hơn 11 năm qua, nhà trường được 2 lần vinh dự đón nhận Huân chương lao động hạng Nhất (năm 2012 và 2017) do Chủ tịch nước phong tặng.
Thành phố Giáo dục Quốc tế quảng cáo rầm rộ với đẳng cấp quốc tế, thiên đường giáo dục ở tỉnh nghèo như Quảng Ngãi.
Đánh giá chất lượng theo tầm nhìn quốc tế, thống kê chưa đầy đủ từ giảng viên các trường đại học, Công ty Nguyễn Hoàng sở hữu 4 trường đại học nhưng chỉ có khoảng 3 công bố quốc tế. Tính riêng trường ĐH Phạm Văn Đồng, đến tháng 3/2019, có hơn 60 công bố quốc tế trên các tạp chí uy tín thế giới.
So sánh chặng đường phát triển của trường ĐH Phạm Văn Đồng, dư luận hoài nghi công cuộc đào tạo của Nguyễn Hoàng với lời quảng cáo “Thiên đường giáo dục”, “… đẳng cấp quốc tế”, “… đặc khu giáo dục quốc tế” từ hệ mầm non đến tiến sĩ có đạt thành tích hơn trường ĐH Phạm Văn Đồng hay không?
Ông Trần Văn Ấn – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh, nguyên Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Ngãi bày tỏ quan điểm phát triển trường ĐH Phạm Văn Đồng phải bám sát Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Kết luận số 600-KL/TU của Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi.
“Lúc tỉnh còn nghèo, cả hệ thống chính trị rất quyết tâm, rồi dân nhường đất để xây dựng trường. Việc phát triển nhà trường phải do trường ĐH Phạm Văn Đồng xây dựng, trình các cấp phê duyệt là đúng đắn, phù hợp với chỉ đạo của Tỉnh ủy và nguyện vọng của nhân dân”, ông Trần Văn Ấn nhấn mạnh.
Sau khi hoàn thiện tập hợp ý kiến và đề xuất của 2 đơn vị trên, Sở Nội vụ tỉnh tổng hợp trình UBND tỉnh thông qua Tổ công tác do ông Đặng Ngọc Dũng (Phó Chủ tịch UBND tỉnh) làm Tổ trưởng. Riêng Hiệu trưởng trường ĐH Phạm Văn Đồng được tham dự là Tổ viên và không có đại diện của Công ty Nguyễn Hoàng.