Dù mới đi vào hoạt động theo hệ thống chính quyền 2 cấp, xã Chương Dương (TP. Hà Nội) đã triển khai hàng loạt các hoạt động ý nghĩa, thiết thực để tri ân các Anh hùng liệt sĩ, các đồng chí thương binh, bệnh binh…
Tháng 7 lại về, tháng 7 cả dân tộc Việt Nam và những người con khắp năm châu lại bồi hồi xúc động nhớ ơn những người con ưu tú đã “vì nước quên thân”, dành trọn cuộc đời cống hiến cho độc lập dân tộc.
Trở lại xã Chương Dương, TP. Hà Nội (được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Tự Nhiên, Chương Dương, Lê Lợi, Thắng Lợi; phần lớn diện tích và dân số của xã Tô Hiệu và một phần diện tích tự nhiên và dân số của xã Vạn Nhất, thuộc huyện Thường Tín cũ) những ngày này, ai ai cũng trào dâng cảm xúc biết ơn. Nơi đây, những anh hùng đã xả thân cho kháng chiến, góp phần đem lại hòa bình độc lập cho dân tộc. Hòa bình lập lại, chính quyền và nhân dân địa phương với lòng biết ơn sâu sắc và sự thành kính đã đồng loạt triển khai những hoạt động tri ân tới các thân nhân, gia đình các liệt sĩ, các thương binh bệnh binh… góp phần giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và lòng biết ơn sâu sắc tới thế hệ đi trước.
Phát huy đạo lý
Trong kháng chiến trường kỳ của dân tộc, huyện Thường Tín (cũ), TP. Hà Nội đã đóng góp to lớn cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Đã có hàng nghìn thanh niên các thế hệ, lớp lớp lên đường nhập ngũ, tham gia thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến... Từ trong chiến tranh, biết bao người đã anh dũng hy sinh, để lại một phần máu thịt nơi chiến trường, hoặc bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam.
Trở về trong hòa bình, chính quyền và nhân dân địa phương qua các thời kỳ luôn ý thức rõ về việc giữ gìn, phát huy truyền thống yêu nước, khơi dậy bản sắc văn hóa truyền thống, phát huy sức mạnh tập thể trong phát triển kinh tế. Đảng bộ, chính quyền xã ngay từ khi đi vào hoạt động hệ thống chính quyền hai cấp đã bắt tay triển khai những hoạt động thể hiện truyền thống “đền ơn đáp nghĩa”.
Ông Nguyễn Trọng Đô, Phó Chủ tịch UBND xã Chương Dương cho biết: Trong suốt chiều dài lịch sử của xã, đã có biết bao người con ngã xuống vì độc lập dân tộc. Dù mới đi vào hoạt động theo hệ thống chính quyền 2 cấp, xã đã và sẽ triển khai hàng loạt các hoạt động ý nghĩa, thiết thực để tri ân các Anh hùng liệt sĩ, các đồng chí thương binh, bệnh binh… như: rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án “Hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ” của UBND TP. Hà Nội. Rà soát các công trình văn hóa di tích lịch sử để tu bổ, trùng tu, cải tạo chỉnh trang… Đặc biệt, xã đã tổ chức các đoàn cán bộ đến thăm, tặng quà cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng dịp 27/7. Tổ chức khám cho những người có công với hơn 400 trường hợp được khám miễn phí. Tổ chức vệ sinh, quét dọn và thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn xã…
“Mỗi hành động trong tháng 7 đều là những cung bậc cảm xúc riêng với mỗi người, thể hiện lòng biết ơn, tri ân, nhớ tới những người đã hy sinh cho độc lập của dân tộc, từ đó là động lực để mỗi người cống hiến, phát huy vào cuộc sống thời bình, viết tiếp những trang sử vàng chói lọi, cũng là trách nhiệm thiêng liêng, góp phần gìn giữ và hun đúc ngọn lửa yêu nước, bồi đắp truyền thống cách mạng không ngừng chảy của xã nhà”, ông Đô nhấn mạnh.
Để hoạt động đền ơn đáp nghĩa được hiệu quả, thực chất, vào mỗi dịp trong tuần hoặc các ngày nghỉ cuối tuần, lực lượng thanh niên trong xã thường xuyên ra quân dọn dẹp, vệ sinh các khu nghĩa trang trong toàn xã. Tại các tuyến đường trên khắp các thôn, những băng rôn treo khẩu hiệu “tri ân công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ, thương binh”… không chỉ giúp mọi người suy ngẫm về sự hy sinh của những thế hệ đi trước, mà còn có những hành động thiết thực trong việc chăm lo, quan tâm tới các gia đình liệt sĩ, các thương bệnh binh.
Viết tiếp truyền thống
Điểm nhấn trong hoạt động tri ân tháng 7 năm nay tại địa phương là sự kiện công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ và trao Bằng "Tổ quốc ghi công" cho thân nhân liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Đảng ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ xã Chương Dương đã trao Bằng "Tổ quốc ghi công" đến thân nhân, gia đình các liệt sĩ Lê Văn Đình, Nguyễn Văn Cồ, Nguyễn Văn Đài, Đặng Bá Bi. Việc này như một lời công nhận xứng đáng từ Đảng, Nhà nước, lời tri ân sâu sắc từ Tổ quốc và nhân dân, một niềm an ủi lớn lao cho các liệt sĩ và người thân của các anh.
“Các đồng chí chính thức được ghi danh trong hàng ngũ liệt sĩ của Tổ quốc, yên nghỉ vĩnh hằng trong lòng đất mẹ Việt Nam, trong tình cảm thương yêu, trân trọng của cán bộ, nhân dân quê hương xã Chương Dương. Xin được nghiêng mình trước sự hy sinh, xin được cúi đầu trước những nỗi đau của người mẹ. Chiến tranh đã đi qua, nhưng những chiến công của các đồng chí sẽ không bao giờ phai nhạt trong lòng nhân dân và cả nước. Hôm nay chúng tôi, thế hệ mai sau hội tụ về đây, thể hiện sự tri ân sâu sắc các thế hệ đi trước đã dâng trọn đời mình cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc nhân dân”, Phó Chủ tịch UBND xã Chương Dương nghẹn ngào trong sự kiện công bố quyết định của Thủ tướng và trao Bằng Tổ quốc ghi công.
Bùi ngùi trước anh linh của người thân là liệt sĩ Nguyễn Văn Cồ, cụ Nguyễn Văn Đông trong giây phút đặc biệt quan trọng đã không cầm được nước mắt, cụ bồi hồi: “Liệt sĩ Nguyễn Văn Cồ, sinh năm 1926, sinh ra tại xã Hồng Châu, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội (nay là xã Chương Dương, TP. Hà Nội). Năm 1945, khi mới 19 tuổi đồng chí đã tình nguyện lên đường nhập ngũ. Ngày 01/01/1951, đồng chí đã anh dũng hy sinh tại Vĩnh Thịnh, Thanh Trì, Hà Nội. Gia đình chúng tôi vô cùng biết ơn Đảng, chính quyền, nhân dân xã đã kiên trì thực hiện các thủ tục xác minh, hoàn tất hồ sơ, đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận liệt sĩ cho người thân chúng tôi và các liệt sĩ khác. Sự quan tâm, chăm lo về vật chất và tinh thần của Đảng, Nhà nước, địa phương suốt những năm qua với gia đình tôi cũng phần nào động viên an ủi gia đình từ khi người thân của chúng tôi không còn”.
Xã Chương Dương là nơi sinh ra và nuôi dưỡng rất nhiều chiến sĩ anh hùng cách mạng, để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và mọi tầng lớp nhân dân được sâu sắc, địa phương còn thường xuyên tổ chức giáo dục, định hướng cho thế hệ trẻ về truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của xã thông qua phương tiện truyền thông, xây dựng Fanpage của xã… Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa chính sách với người có công, chăm lo, đảm bảo tốt về an sinh xã hội, quan tâm thường xuyên tới đời sống gia đình người có công…
Tin rằng, mỗi việc làm trong dịp này và các hoạt động thường niên của địa phương đã phát huy truyền thống, đạo lý của dân tộc, giúp mỗi người dân có được trọn vẹn cung bậc cảm xúc, đó là nỗi thương tiếc vô hạn, là sự khâm phục, lòng biết ơn sâu sắc trước những anh linh đã hòa mình vào hồn thiêng sông núi, trở thành tượng đài bất tử, giúp những thương bệnh binh trong thời bình phần nào được nguôi ngoai…
Nơi các anh ngã xuống
Máu đã thắm san hô
Anh linh hòa sóng biếc
Cứ tỏa hương từng giờ
(Thơ Trần Mai Hường)