Thể thao

World Cup - "Cỗ máy siêu lợi nhuận" của FIFA

Minh Anh20/03/2023 09:41

World Cup đã và đang là "con gà đẻ trứng vàng" của FIFA. Với nhiều thay đổi mang tính vĩ mô, World Cup 2026 đang cho thấy FIFA không giấu tham vọng kiếm tiền từ giải bóng đá lớn nhất hành tinh này và sẵn sàng làm bất kỳ điều gì để thực hiện.

world-cup.jpg
World Cup đã nhanh chóng trở thành giải đấu đỉnh cao của môn thể thao phổ biến nhất hành tinh.

Một vốn bốn lời

Giải vô địch bóng đá thế giới hay còn gọi là FIFA World Cup: giải đấu bóng đá quốc tế do Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) tổ chức 4 năm 1 lần cho tất cả các đội tuyển bóng đá quốc gia của những nước thành viên FIFA.

Trong suốt lịch sử 120 năm phát triển, World Cup đã nhanh chóng trở thành giải đấu đỉnh cao của môn thể thao phổ biến nhất hành tinh và được ưu ái gọi tên "môn thể thao vua". Bóng đá được chơi ở hơn 200 quốc gia và không có một môn thể thao nào đạt được thành tích như vậy.

FIFA nhận nhiệm vụ phát triển và cải thiện nền bóng đá ở mọi nơi và cho tất cả mọi người trên khắp hành tinh. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận đầu tư hầu hết doanh thu kiếm được vào việc phát triển nền bóng đá thế giới.

Nguồn thu nhập chính của FIFA đến từ việc tổ chức và marketing cho các giải bóng đá quốc tế lớn, trong đó được biết đến nhiều nhất vẫn là World Cup.

World Cup là một sự kiện lớn nhất về bóng đá thu hút sự chú ý của đông đảo người tham gia và quan tâm trên phạm vi toàn cầu. FIFA là cơ quan duy nhất tổ chức sự kiện này và có quyền tiếp cận tất cả các nguồn thu. Quốc gia chủ nhà đăng cai World Cup sẽ được FIFA lựa chọn bởi một quá trình đấu thầu và cạnh tranh khốc liệt.

Việc tổ chức một sự kiện lớn và tầm cỡ toàn cầu như World Cup đòi hỏi rất nhiều đầu tư, đặc biệt trong việc xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng theo đẳng cấp quốc tế. Vì thế, đất nước thắng thầu sẽ thu hút được rất nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư, điều này có thể hỗ trợ thúc đẩy nền kinh tế nước sở tại.

Với rất nhiều quốc gia cạnh tranh để trở thành chủ nhà đăng cai World Cup, FIFA đương nhiên sẽ được lợi lớn về đàm phán. FIFA không đầu tư vào bất kỳ cơ sở hạ tầng nào được xây dựng cho mỗi kỳ World Cup, tất cả thuộc trách nhiệm của quốc gia đăng cai sự kiện.

world-cup5.jpg
FIFA là cơ quan duy nhất tổ chức sự kiện này và có quyền tiếp cận tất cả các nguồn thu.

Tuy nhiên, FIFA lại thu lợi lớn từ việc bán bản quyền truyền hình, bản quyền marketing và các quyền cấp phép khác, cũng như doanh thu từ bán vé; trong khi chỉ cần chi ra mức chi phí tối thiểu. FIFA trả tiền cho ban tổ chức địa phương để tổ chức và điều hành World Cup. Tổ chức này cũng trả các khoản tiền thưởng cho các quốc gia tham gia, chi phí đi lại và ăn ở cho các cầu thủ, các nhân viên hỗ trợ và đội ngũ điều hành trận đấu. Ngoài ra, FIFA còn cung cấp cho nước chủ nhà đăng cai một quỹ di sản FIFA World Cup được sử dụng để phát triển nền bóng đá ở quốc gia sở tại trong tương lai.

Ngoài các chi phí liên quan đến các sự kiện của FIFA, những chi phí lớn khác bao gồm chi phí phát triển, chi phí nhân sự và chương trình hỗ trợ tài chính.

“Gà đẻ trứng vàng”

FIFA đã áp dụng các tiêu chuẩn báo cáo theo Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS) như một phần trong chính sách quản trị hiệu quả của mình. Dựa vào số liệu được báo cáo qua từng kỳ World Cup cho thấy đây đang là "cỗ máy siêu lợi nhuận" của FIFA.

FIFA thu về 4,8 tỷ USD từ World Cup 2014 ở Brazil. Trong đó, chỉ riêng tiền bản quyền truyền hình là 2,43 tỷ USD. Khoản thu lớn thứ hai là bản quyền marketing, với 1,53 tỷ USD. Trong suốt giải đấu ở Brazil, tiền vé thu về là 350 triệu USD. Đây là nguồn thu lớn thứ 3ba cho FIFA. Họ cũng kiếm được gần 300 triệu USD từ một số loại bản quyền khác.

world-cup6.jpg
FIFA thu lợi lớn từ việc bán bản quyền truyền hình, bản quyền marketing và các quyền cấp phép khác.

Trong khi đó, tổng chi phí cho kỳ World Cup 2014 là 2,2 tỷ USD, chủ yếu chi cho các đội tham gia, các liên đoàn và việc sản xuất chương trình truyền hình. Như vậy, FIFA có lời 2,6 tỷ USD từ sự kiện này. Nếu tính chung giai đoạn 2011 – 2014, lợi nhuận của họ là 338 triệu USD.

Các kỳ World Cup trước cũng mang lại lợi nhuận lớn cho FIFA. World Cup 2010 tại Nam Phi giúp FIFA có lãi 631 triệu USD giai đoạn 2007 – 2010, vượt qua thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trước đó, World Cup 2006 cũng mang về 700 triệu USD lợi nhuận cho cơ quan này giai đoạn 2003 – 2006.

Kỳ World Cup 2022 tại Qatar mới đây đã chứng minh ở thời đại 4.0, Liên đoàn Bóng đá thế giới có thể kiếm tiền nhiều cỡ nào với một giải đấu tổ chức tập trung. Bất chấp việc diễn ra vào mùa đông, cả thế giới đã theo dõi từng chi tiết nhỏ nhất của giải đấu trên đất Qatar.

FIFA đã kiếm 7,5 tỷ USD từ World Cup 2022 chỉ nhờ các hoạt động quảng cáo, nhiều hơn 1 tỷ USD so với World Cup 2018. Business Today phân tích khoản thu khổng lồ này đến từ việc FIFA tổ chức World Cup ở địa điểm nhỏ, với bán kính chỉ 50 km từ trung tâm Doha, từ đó tiết kiệm được nhiều chi phí khác nhau.

world-cup2.jpg
FIFA World Cup được sử dụng để phát triển nền bóng đá ở quốc gia sở tại trong tương lai.

Sau khi phân tích các số liệu trên, có thể dễ dàng đưa ra kết luận rằng việc tổ chức World Cup độc quyền của FIFA đem lại rất nhiều lợi nhuận với rủi ro rất thấp. Với chi phí đầu vào tương đối thấp gồm các cầu thủ, nhân sự và cơ sở hạ tầng sẵn có (do nước sở tại cung cấp), FIFA nắm trong tay mức doanh thu hơn 5 tỷ USD. Lợi nhuận ròng mà FIFA thu về trong thời gian 2011-2014 là 338 triệu USD. Tính chung, FIFA thu về lợi nhuận tích lũy lên tới 1,523 tỷ USD, trong đó có 1,038 tỷ USD tiền mặt.

Tham vọng kiếm tiền từ World Cup 2026

Tương tự, tại World Cup 2026, FIFA không giấu tham vọng kiếm tiền từ World Cup. FIFA tính toán doanh thu cho một kỳ World Cup theo chu kỳ 4 năm. Đối với giai đoạn 2015-2018 với kỳ World Cup tổ chức ở Nga, tổ chức quyền lực nhất làng túc cầu kiếm được 6,4 tỷ USD.

world-cup4.jpg
 FIFA đã kiếm 7,5 tỷ USD từ World Cup 2022 chỉ nhờ các hoạt động quảng cáo.

Theo Guardian, doanh thu của FIFA có thể đạt tới 10 tỷ USD trong 4 năm tới nhờ chiến lược tài chính mới cho bóng đá nữ và kỳ World Cup 2026 mở rộng ở Mỹ, Canada và Mexico. Đó là lần đầu tiên World Cup xuất hiện 48 đội tranh tài so với chỉ 32 ở thời điểm này.

Đầu tiên là họ sẽ cho World Cup 2026 với tổng số là 80 trận. 48 đội tuyển sẽ chia thành 16 bảng, mỗi bảng 3 đội, trong đó hai đội đầu bảng sẽ đi tiếp. Kế hoạch mới của FIFA đã được thông qua nâng số trận lên 104, nhiều hơn 30% so với kế hoạch ban đầu.

The Athletic tin lý do đứng sau quyết định này là bởi ý tưởng ban đầu chưa hợp lý. Việc mỗi bảng chỉ có 3 đội và lấy 2 đội đi tiếp được cho là tạo điều kiện để hai đội đá lượt trận cuối dễ dàn xếp tỷ số hơn.

Việc chia theo kế hoạch mới khiến viễn cảnh này khó xảy ra. Các lượt trận cuối cũng trở nên hấp dẫn khi cuộc đua cho vị trí thứ ba có thành tích tốt nhất được dự báo sẽ rất gay cấn. Đội thua cả hai lượt trận đầu vẫn có khả năng đi tiếp nếu thắng đậm lượt cuối.

Đứng trên góc độ thể thao, việc thay đổi phương án tổ chức giải là hợp lý. Đứng trên góc độ quản lý và làm kinh doanh, quyết định thay đổi thể thức và tăng 30% số trận còn hợp lý hơn khi 104 trận được dự báo sẽ mang lại nguồn thu tuyệt vời cho FIFA.

Tại World Cup 2026, việc tổ chức ở ba quốc gia Mỹ - Mexico - Canada sẽ buộc FIFA "vung tiền" để đảm bảo công tác tổ chức. Liên đoàn Bóng đá Thế giới buộc phải tìm ra cách cân đối lại hai khoản này. Rõ ràng, chẳng có cách nào dễ hơn ngoài tăng số trận và thời gian tổ chức, từ đó bán được nhiều quảng cáo hơn.

Bản quyền truyền hình là một khoản thu khác của FIFA. Việc nâng số đội tham dự lên 48 mở ra nhiều cơ hội cho những nền bóng đá nhỏ (như Việt Nam). Giá bản quyền truyền hình từ nay đến 2026 cũng sẽ tăng phi mã. Những quốc gia lần đầu dự World Cup chắc chắn không ngại vung tiền để mang sóng truyền hình về phục vụ dân sinh. FIFA cũng thừa đủ khôn ngoan để đẩy giá kiếm lời.

skynew.jpg

Việc gia tăng số đội tham dự World Cup từ 32 lên 48 từ lâu đã được xem là quyết định sẽ khiến cúp thế giới đánh mất hấp dẫn. Quá nhiều trận đấu chênh lệch đẳng cấp không phải viễn cảnh người hâm mộ bóng đá nào cũng thích thú.

Nhưng World Cup với FIFA trên hết là công cụ để kiếm tiền. "Vỏ bọc" đưa bóng đá tới những "hang cùng ngõ hẻm" của thế giới là cái cớ hoàn hảo để FIFA giúp "con gà" World Cup mắn đẻ trứng vàng hơn nữa.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
World Cup - "Cỗ máy siêu lợi nhuận" của FIFA