Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 27/1 đã cập nhật danh sách các loại dược phẩm được khuyến nghị sử dụng để điều trị phơi nhiễm phóng xạ và hạt nhân trong trường hợp khẩn cấp, Sputnik đưa tin.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2017 cơ quan y tế này đưa ra khuyến cáo như vậy. Theo Tiến sĩ Maria Neira, quyền trợ lý Tổng Giám đốc của WHO, các quốc gia cần phải sẵn sàng nguồn cung cấp các loại thuốc cứu sinh giúp giảm thiểu rủi ro và điều trị chấn thương do phóng xạ.
Ảnh minh họa
Tiến sĩ Neira lưu ý, trong trường hợp khẩn cấp, con người có thể bị nhiễm phóng xạ ở liều lượng từ không đáng kể đến nguy hiểm tính mạng. “Các chính phủ cần nhanh chóng cung cấp các phương pháp điều trị cho những người có nhu cầu”, bà Neira nhấn mạnh.
Theo WHO, nhiều quốc gia thiếu sự chuẩn bị cần thiết cho các trường hợp khẩn cấp. Trong số các kịch bản tiềm tàng, những trường hợp hạt nhân khẩn cấp có thể là tai nạn tại các nhà máy điện hạt nhân, cơ sở y tế hoặc nghiên cứu, sự cố trong quá trình vận chuyển các vật liệu phóng xạ, hoặc vật liệu đó bị sử dụng với mục đích xấu.
Cùng ngày, Ủy ban khẩn cấp về COVID-19 của WHO đã nhóm họp để thảo luận về việc liệu tình hình dịch COVID-19 hiện nay còn tương ứng với mức báo động toàn cầu cao nhất hay không.
Ủy ban độc lập trên họp 3 tháng một lần để thảo luận về đại dịch và báo cáo với Tổng giám đốc WHO, người sau đó sẽ quyết định liệu COVID-19 có còn là một tình trạng khẩn cấp toàn cầu hay không.
Phát biểu khi bắt đầu cuộc họp của ủy ban, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng giai đoạn khẩn cấp của đại dịch vẫn chưa kết thúc vì số ca tử vong vẫn gia tăng, đồng thời cảnh báo rằng ứng phó toàn cầu đối với cuộc khủng hoảng "vẫn còn hạn chế".
Ông Tedros nói: "Khi chúng ta bước vào năm thứ 4 của đại dịch, chắc chắn chúng ta đang ở vị thế tốt hơn nhiều so với một năm trước, khi làn sóng dịch bệnh (do biến thể Omicron gây ra) lên đến đỉnh điểm và WHO đã ghi nhận hơn 70.000 ca tử vong mỗi tuần".
Theo Tổng giám đốc WHO, tỷ lệ tử vong hằng tuần đã giảm xuống dưới 10.000 ca vào tháng 10/2022 nhưng đã tăng trở lại kể từ đầu tháng 12/2022.
Tổng giám đốc WHO cho biết các vaccine phòng bệnh, xét nghiệm và phương pháp điều trị đóng vai trò quan trọng trong việc cứu mạng sống của các bệnh nhân, ngăn ngừa bệnh trở nặng và giảm bớt áp lực cho các hệ thống y tế và nhân viên y tế.
Tuy nhiên, ông cho rằng ứng phó toàn cầu với dịch bệnh vẫn còn lúng túng vì ở nhiều quốc gia, các công cụ mạnh mẽ, cứu mạng này vẫn chưa đến được với những người dân cần nhất - đặc biệt là người già và nhân viên y tế. Ngoài ra, niềm tin của công chúng vào các công cụ phòng chống COVID-19 này đang bị xói mòn bởi "một loạt" thông tin sai lệch và xuyên tạc, trong khi các hệ thống y tế vẫn đang phải vật lộn để đối phó với gánh nặng của COVID-19.