Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, thế nhưng có những mảnh đời bất hạnh phải sống chung với nỗi đau mang tên chất độc màu da cam suốt cả cuộc đời. Ở tỉnh Nghệ An, có không ít người mặc dù phải chịu nhiều khiếm khuyết trên cơ thể, nhưng trong họ vẫn tràn đầy lạc quan, nghị lực sống, vượt qua chính mình để vươn lên làm những việc có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
Anh Nguyễn Văn Vịnh, xóm Đồng Văn, xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) bị di nhiễm chất độc hóa học từ bố - người từng vào ra sinh tử suốt 8 năm ròng ở chiến trường phía Nam, góp phần bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc; và đã vinh dự được nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Ba, Huân chương giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba và Huân chương kháng chiến hạng Ba, Huân chương chiến sĩ vẻ vang...
Dù mắc bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh, thị lực rất kém, cuộc sống thường nhật gặp phải không ít khó khăn, nhưng anh Vịnh quyết không buông xuôi số phận, nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế để luôn là trụ cột, chỗ dựa vững chắc cho vợ con. Trò chuyện với chúng tôi, anh Vịnh chia sẻ: Người xưa có câu “Giàu hai con mắt” mà bản thân lại bị khiếm khuyết mất điều quan trọng này.
Là con của người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, nên anh thừa hưởng được ý chí mạnh mẽ, kiên cường từ bố, quyết không đầu hàng trước khó khăn, thử thách. Phát huy sức mạnh từ đôi bàn tay và khối óc, năm 2016 anh đã mạnh dạn nhận 8.000 m2 đất vùng Bãi Chùa của xã Quỳnh Bảng, với quyết tâm xây dựng được một mô hình kinh tế tổng hợp, mang màu xanh phủ kín những mảnh đất trống của quê hương.
Anh cùng với gia đình cải tạo lại đất, san mặt bằng, tiến hành trồng các loại cây nông nghiệp như mướp hương, mướp đắng... và các loại rau ngắn ngày. Để sản xuất có hiệu quả, anh đã đầu tư toàn bộ hệ thống tưới phun tự động trên đồng ruộng, làm trụ cột và giàn lưới cho những loại cây giây leo.
Từ số tiền tích góp được trong trồng trọt cộng với vốn vay mượn thêm, anh Vịnh còn xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc. Hiện tại, trong chuồng nuôi của gia đình anh có 9 con hươu lấy nhung và 1 con bò sinh sản.
Nhìn vùng đất Bãi Chùa trước đây vốn cằn cỗi, hoang hóa nay bốn mùa được phủ một màu xanh mướt, nhiều người không khỏi bất ngờ bởi chủ sở hữu là một nạn nhân chất độc da cam. Tuy cuộc sống vẫn còn đó những khó, khăn nhưng anh Vịnh vẫn luôn hướng về phía trước, lạc quan để vươn lên.
Cũng giống với anh Vịnh, chị Đậu Thị Nga, ở xóm 6, xã Quỳnh Văn bị di nhiễm chất độc hóa học từ người bố. Hiện chị Nga đã ngoài 40 tuổi nhưng chỉ giống như đứa trẻ con, chân tay co quắp, teo tóp, chỉ nặng khoảng 20kg. Cơ thể thường xuyên bị những cơn đau hành hạ vì di chứng chất độc màu da cam, vậy nhưng bất kỳ ai tiếp xúc đều cảm nhận được trong chị có một nghị lực sống phi thường, với tràn đầy sự lạc quan, yêu đời.
Chị Nga tâm sự: Lúc sinh ra chị là một đứa trẻ bình thường như bao người khác. Khi được 2 tháng tuổi chị bị sốt co giật, ốm đau liên tục, rồi dần teo cơ. Sức khỏe yếu nên ước mơ được cắp sách đến trường chị không thể thực hiện. Để mình có kiến thức, chị đã học chữ, học số từ người em trai vào mỗi tối và tự học hết các chương trình các năm học lớp 1 cho đến lớp 6.
Khuyết tật về hình thể, nhưng tư duy vẫn phát triển bình thường nên chị muốn có một cuộc sống tự lập, không phải phụ thuộc vào ai. Năm 2012, chị đã tìm hiểu và quyết định học nghề làm tranh thêu.
Dành hết tâm huyết cho từng đường kim mũi chỉ, cộng với sự sáng tạo để tạo ra những bức tranh đẹp, đa dạng họa tiết, màu sắc khác nhau. Đồng thời, tận dụng mạng xã hội chị đăng tải quảng bá hình ảnh các sản phẩm như tranh giấy, tranh chữ thập, ruy băng, đính đá... và nhanh chóng nhận được đơn đặt hàng trong và ngoài nước. Ở thời điểm đó, bức tranh có giá bán cao nhất lên đến 6 triệu đồng.
Để có được thành công từ nghề, đôi bàn tay nhỏ bé, yếu ớt của chị đã không biết bao nhiêu lần bị kim đâm đến rỉ máu. Dẫu vậy, chị vẫn quyết gắn bó với nghề và còn tích cực dạy thêu cho những người cùng hoàn cảnh khác.
Chưa dừng lại ở đó, những năm gần đây chị Nga tham gia các hội nhóm “Vòng tay nhân ái” trên các nền tảng mạng xã hội và đảm nhận vai trò sáng tạo nội dung, xây dựng ý tưởng cho các chủ đề, thiết kế video, avatar... các chương trình, sự kiện của hội. Qua đó, hàng tháng giúp chị có nguồn thu nhập tương đối ổn định.
Từ nghị lực sống của bản thân, chị nhiều lần được Hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh biểu dương, khen thưởng vì đã có thành tích xuất sắc vượt lên chính mình, nổ lực xây dựng cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.
Toàn tỉnh Nghệ An có hơn 30 nghìn người chất độc da cam. Trong số này, hiện có 13.690 người được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo quy định của Nhà nước (trong đó người trực tiếp 8.911 người, gián tiếp 4.779 người), tập trung nhiều ở các huyện Thanh Chương, Diễn Châu, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, thành phố Vinh...
Vượt lên những vết thương và nỗi đau dai dẳng do hậu quả của chiến tranh, hàng chục nạn nhân da cam ở Quỳnh Lưu đang ngày đêm thực hiện khát vọng vượt khó, vươn lên làm giàu từ phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương.
Có người đã chọn gắn bó với nghề mộc dân dụng, có người lại xây dựng mô hình trồng trọt và kết hợp chăn nuôi các loại con có giá trị cao như nhím, hươu, nai hay kinh doanh, dịch vụ để tăng thu nhập cho gia đình.
Ông Nguyễn Sỹ Bảy – Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam huyện Quỳnh Lưu, cho biết: Những năm qua, với các chính sách của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành địa phương và nhà hảo tâm đã phần nào giúp gia đình nạn nhân da cam ổn định được tinh thần, vơi bớt khó khăn.
Đặc biệt, đến nay huyện hội đã hỗ trợ xây dựng được 30 ngôi nhà cho các nạn nhân, với số tiền từ 20 – 40 triệu đồng/ nhà. Huyện hội cũng thường xuyên đi sâu, đi sát, định hướng, tư vấn cho các gia đình chọn loại hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và sức khỏe, trí tuệ của mỗi người, để có hướng đi đúng đắn. Đồng thời, đầu tư cho mỗi hộ khởi nghiệp là 10 triệu đồng. Nhờ đó, toàn huyện hội hiện không có nạn nhân chất độc da cam thuộc vào diện hộ nghèo, cận nghèo và không có nhà ở dột nát.