Vượt đèn đỏ gây tai nạn cho người ngồi sau, gia đình không kiện cáo có bị truy cứu TNHS?

LS Trương Quốc Hòe| 27/01/2022 14:19
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tội vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định tại Điều 260 BLHS là tội phạm có cấu thành tội phạm vật chất, tức là vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ đặt ra đối với hành vi phạm tội khi có hậu quả xảy ra.

Hỏi: Em trai tôi năm nay 17 tuổi, đi xe máy chở 3 người không đội mũ bảo hiểm đã vượt đèn đỏ và xảy ra tai nạn khiến cả 3 người ngồi trên bị thương. Trong đó, một bạn có tổn hại sức khỏe 62% và một bạn tổn hại là 33%, em trai tôi bị gãy chân. Các gia đình không có kiện cáo. Xin cho tôi hỏi nếu như vậy em tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Tôi xin cảm ơn.

Dương Thế Vinh, Hà Nội

vuot-den-do(1).jpg
Ảnh minh họa

Về vấn đề này, Luật sư Trương Quốc Hòe, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội trả lời như sau:

Căn cứ Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 thì với hành vi nêu trên của em trai bạn có đủ cơ sở cấu thành tội phạm về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo điểm b khoản 1 Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 cụ thể:

Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

Em trai bạn là người trực tiếp điều khiển phương tiện giao thông và đã có hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ về chở quá người quy định, không đội mũ bảo hiểm cụ thể theo quy định tại Điều 30 Luật giao thông đường bộ “Người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe gắn máy chỉ được chở một người, trừ những trường hợp sau thì được chở tối đa hai người” và “Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách”.

Mặt khác, tội vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định tại Điều 260 BLHS là tội phạm có cấu thành tội phạm vật chất, tức là vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ đặt ra đối với hành vi phạm tội khi có hậu quả xảy ra. Do đó, trong trường hợp này em trai bạn đã để lại hậu quả làm tổn hại sức khỏe của hai người từ 33-62%. Không những vậy, chỉ những hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ có tính chất nguy hiểm cao, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác và hành vi có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời mới bị coi là phạm tội hình sự. Trong trường hợp này, hành vi vi phạm của em trai bạn đã xâm hại trực tiếp đến sức khỏe của người khác và vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường bộ với hành vi chở quá người cho phép, không đội mũ bảo hiểm.

Thêm vào đó, đây là tội rất phạm nghiêm trọng nên độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự là người từ đủ 16 tuổi trở lên theo quy định của Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015.

Như vậy, tại thời điểm gây tai nạn em trai bạn (17 tuổi) đã đủ năng lực trách nhiệm hình sự - là người có đủ khả năng nhận thức được tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà mình thực hiện, có khả năng điều khiển hành vi theo hướng có lợi hay không có lợi cho xã hội, hoặc có khả năng xử sự khác không gây nguy hiểm cho xã hội.

 Từ những phân tích ở trên cho thấy hành vi của em trai toàn phù hợp với cấu thành tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Ngoài ra, nếu em trai bạn không có bằng lái xe mà điều kiển phương tiện tham gia giao thông gây tai nạn thì đây được xem là một tình tiết tăng nặng định khung trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 2 Điều 260 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vượt đèn đỏ gây tai nạn cho người ngồi sau, gia đình không kiện cáo có bị truy cứu TNHS?