Điều bất ngờ là, sự trở về của chúng lại bắt nguồn từ những thông tin rất bất ngờ và thách thức của một tên trùm mafia.
Hai bức tranh trị giá hàng triệu đô của danh họa Van Gogh tưởng như vĩnh viễn bị biến mất sau vụ đánh cắp đầy bí ẩn năm 2002, nay đã được tìm thấy và trưng bày tại Bảo tàng ở Amsterdam. Điều bất ngờ là, sự trở về của chúng lại bắt nguồn từ những thông tin rất bất ngờ và thách thức của một tên trùm mafia.
Vụ trộm tranh “3 phút 40 giây”
Vincent Van Gogh là một trong những danh họa thế kỷ 19 nổi tiếng nhất thế giới. Phần lớn các tác phẩm của ông đều được trưng bày ở bảo tàng mang tên ông tại thủ đô Amsterdam của Hà Lan, nơi đón khoảng 1,6 triệu lượt khách ghé thăm mỗi năm. Chính vì có một kho báu nghệ thuật vô giá như vậy nên bảo tàng cũng là mục tiêu hàng đầu của bọn trộm tranh.
Bức tranh “Bãi biển Scheveningen trong mưa bão”, năm 1882.
Tờ mờ sáng ngày 7-12-2002, bọn trộm đã dùng thang để leo vào cửa sổ tầng 1 Bảo tàng Van Gogh. Chúng dùng một chiếc búa đập vỡ cửa kính để lẻn vào tòa nhà. Chỉ trong vài phút, bọn trộm đã lùng sục khắp khu trưng bày chính và cuỗm đi 2 bức tranh là “View of the Sea at Scheveningen” (Bãi biển Scheveningen trong mưa bão, năm 1882) và “Congregation Leaving the Reformed Church in Nuenen” (Giáo đoàn rời nhà thờ Tin Lành Nuenen, 1884-1885).
Sau đó, bọn chúng leo dây thừng xuống đất rồi chuồn cùng hai bức tranh. Mặc dù chuông báo động kêu ngay khi đột nhập nhưng cảnh sát đã đến bảo tàng quá muộn.
Vụ trộm xảy ra nhanh tới nỗi, bảo vệ chỉ kịp gọi cho cảnh sát khi thấy một bóng đen bỏ chạy khỏi lối phía sau bảo tàng. Trong lúc cảnh sát lùng bọn trộm, các nhân viên điều tra tìm kiếm quy mô lớn toàn bộ bảo tàng và các khu vực xung quanh với hi vọng thấy được manh mối nào đó về thủ phạm. May mắn thay, họ tìm được một chiếc mũ bóng chày bị rơi ở gần bảo tàng.
Một trong những bí ẩn khó được lý giải sau những thông tin ban đầu của vụ cướp là nằm ở quyết định cướp những bức tranh đặc biệt này. Cả hai tác phẩm đều được ra đời trong giai đoạn đầu sáng tác nghệ thuật của Van Gogh. Bức họa vẽ cảnh biển là một trong hai bức duy nhất vẽ về biển trong thời gian nghệ sĩ ở The Hague (Hà Lan). Còn bức thứ hai, miêu tả nhà thờ nơi cha Van Gogh làm việc như nhà truyền đạo - là món quà ý nghĩa của Van Gogh dành tặng cho mẹ mình, người đã bị gãy chân sau cái chết đột ngột của chồng (năm 1885).
Đặc biệt, cả hai bức họa đều chưa bao giờ tung ra thị trường, vì thế rất khó để định giá chúng. Thường thì các bức tranh phong cảnh của Van Gogh tại thời điểm đó được đấu giá từ khoảng 10 triệu đến khoảng 70 triệu USD.
Mãi tới sau này, khi cả hai bức họa của Van Gogh đã được tìm thấy, mọi người mới biết rõ vụ trộm đã xảy ra như thế nào thông qua một bộ phim tài liệu với sự tham gia của một trong hai kẻ trộm.
Trong bộ phim tài liệu thay lời xin lỗi tới bảo tàng và Danh họa Van Gogh, Octave Durham thú nhận hắn và kẻ đồng phạm, Henk Bieslijn, đã thực hiện vụ ăn cắp trong chỉ trong 3 phút 40 giây. Bộ phim tài liệu này được phát sóng trên truyền hình Hà Lan cùng ngày hai bức tranh của Van Gogh được đưa ra trưng bày trở lại tại bảo tàng ở Amsterdam năm 2017.
Giám đốc Bảo tàng Van Gogh ở Amstesdam, ông Axel Rüger bên bức tranh “Giáo đoàn rời nhà thờ Tin Lành Nuenen” tại Napoli, Italia đầu năm 2017.
Durham kể lại rằng, khi cảnh sát tới hiện trường thì hắn đã tháo mặt nạ và tàng hình vào đám đông quanh bảo tàng. Sau đó, hắn lên ôtô và đi qua khu vực của cảnh sát, mà không hề bị lực lượng chức năng phát giác. Tên này cũng nói rằng, hắn không hiểu gì về nghệ thuật và tất nhiên, không biết gì về lịch sử của các bức tranh.
Durham nói, những bức tranh bị đánh cắp là những tác phẩm nhỏ nhất trong phòng trưng bày mà hắn nhắm tới và gần nhất với cái lỗ hổng từ cửa sổ bị đập vỡ. Hắn nhét chúng vào một cái túi và tẩu thoát bằng cách trượt xuống một sợi dây thừng mà kẻ đồng lõa đã đặt sẵn. Trong lúc vội vàng, Durham đã không may bị ngã đập người xuống đất, làm sứt mẻ một góc bức tranh “Bãi biển Scheveningen trong mưa bão”. Cũng thời điểm đó, tên trộm cũng đánh rơi chiếc mũ bóng chày màu đen.
“Một số người sinh ra để trở thành giáo viên, có người sinh ra làm cầu thủ bóng đá, còn tôi sinh ra đã là một tên trộm. Tôi có con mắt và trí óc của một tên trộm. Tôi nhận thấy mình có thể dễ dàng lấy cắp được hai bức tranh này nên tôi đã thực hiện vụ trộm”, Durham tự sự trong phim tài liệu đặc biệt dài 45 phút của nhà làm phim Vincent Verweij.
Sa lưới
Trở lại câu chuyện vào thời điểm cuối năm 2002, đầu năm 2003. Durham và Bieslijn tìm cách bán các bức tranh. Tuy nhiên, bán các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng bị đánh cắp là một điều rất khó và phức tạp, bởi vì phải thực hiện các giao dịch ngầm và luôn tiềm tàng các rủi ro.
Người đầu tiên mà Durham đã cố gắng bán bức tranh là Cor Van Hout, người đã bị kết án trong vụ bắt cóc tỷ phú - ông chủ Hãng bia nổi tiếng Hà Lan - Alfred H. Heineken năm 1983. Thế nhưng, Van Hout đã bị bắn chết ngay trong ngày giao dịch được sắp xếp (vụ sát hại không liên quan đến việc mua tác phẩm nghệ thuật).
Kẻ trộm tranh Octave Durham, sinh năm 1973.
Tiếp đó, Durham và đồng bọn liên lạc với một tên mafia người Italy, Raffaele Imperiale, kẻ lúc đó đang cung cấp cần sa cho một “quán cà phê” ở thủ đô Amsterdam. Imperiale đã đồng ý mua hai bức tranh vào tháng 3/2003 với giá khoảng 350.000 euro (tương đương 380.000 USD hay 8 tỷ VNĐ), chia đều giữa những tên trộm. Ngay sau đó, các tác phẩm được chuyển tới Italia, trong khi Durham và đồng phạm tiêu sạch số tiền bán tranh trong 6 tuần.
Chính việc tiêu xài rộng rãi một cách bất thường của Durham và Bieslijn, từ việc mua xe mô-tô phân phối lớn, một chiếc Mercedes E320, quần áo, đồ trang sức cho bạn gái và chuyến du lịch đến New York, đã khiến cảnh sát để mắt tới hai kẻ này.
Khi cảnh sát ập tới nhà Durham, hắn ta đã một lần nữa khẳng định khả năng leo trèo, được ví như “người khỉ”, khi ung dung thoát vòng vây của cảnh sát. Hắn nhanh nhẹn đu mình qua cửa sổ, trèo lên mái nhà hàng xóm và mất hút. Mãi đến tháng 12/2003, Durham mới bị sa lưới tại một thị trấn nghỉ mát ở Tây Ban Nha. Lúc này, cảnh sát đã có thêm bằng chứng khi phát hiện ra ADN của Durham trong chiếc mũ bóng chày bị rơi ở phía sau Bảo tàng Van Gogh.
Bức tranh “Giáo đoàn rời nhà thờ Tin Lành Nuenen”, 1884-1885.
Tuy nhiên, đứng trước các công tố viên, Durham chưa một lần thừa nhận hành vi trộm cắp của mình và một mực nói rằng, việc rơi chiếc mũ chỉ là tình cờ, không hề liên quan đến vụ án. Cuối cùng, Durham chỉ phải ngồi tù trong 3 năm (2003-2006), nhưng hắn lại sớm phải sống sau những song sắt sau một vụ cướp ngân hàng bất thành khác sau đó. Trong suốt quãng thời gian này, hắn không hề tiết lộ nơi cất giấu hay tung tích các bức tranh bị đánh cắp.
Là một phần trong bản án vụ cướp tranh Van Gogh, Durham bị yêu cầu phải trả Bảo tàng 350.000 euro cho các bức tranh, hiện vẫn bị mất tích vào thời điểm đó. Tuy nhiên, tên này mới chỉ trả được 60.000 euro và vào năm 2013, hắn cố gắng tiếp cận Bảo tàng, đề nghị giúp đỡ tìm các tác phẩm bị thất lạc. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đổ bể ngay sau đó, vì Durham muốn bảo tàng mua lại hai bức tranh.
Điều này cũng là một phần lý do tại sao Bảo tàng Van Gogh hiện giờ vẫn không hài lòng với bộ phim tài liệu của Vincent Verweij, khiến Durham thoát khỏi gánh nặng tội lỗi của mình. Bảo tàng cũng khẳng định, kẻ trộm tranh đã không hề giúp ích gì trong việc tìm lại hai bức tranh.
Tìm được “chìa khóa” trong vô vọng
Ngay cả khi FBI liệt kê vụ trộm nêu trên là một trong “Top Ten Art Crimes” (10 vụ trộm cắp nghệ thuật điển hình), các tác phẩm vẫn “bặt vô âm tín” trong nhiều năm. Rồi “phép lạ” bất ngờ xuất hiện. Vào ngày 29/8/2016, các công tố viên ở Napoli (Italia) và đại diện Ủy ban Quốc gia Chống tội phạm Mafia của Italia đã nhận được một bức thư đặc biệt. Bức thư dài 6 trang được gửi từ Tiểu các Vương quốc Arab thống nhất (UAE) của tên trùm mafia Raffaele Imperiale, kẻ đang bị các công tố viên Italy truy lùng gắt gao vì liên quan đến các hoạt động giết người, buôn bán ma túy và cocaine xuyên quốc gia của gia tộc Amato-Pagano.
Raffaele Imperiale được nhìn thấy tại Dubai.
Imperiale viết rằng, hắn ta sẵn sàng hợp tác với bên công tố bằng cách nộp hết gia tài của mình cho nhà nước, bao gồm 13 biệt thự ở Terracinam, 12 căn biệt thự khác ở Giugliano và cả bộ sưu tập hàng tá xe sang. Tên tội phạm buôn ma túy còn tiết lộ việc hắn đã mua nhiều đồ vật có giá trị, trong đó có hai bức tranh của Van Gogh, vốn bị đánh cắp từ năm 2002. Tất cả “thành ý” này nhằm tìm kiếm sự khoan dung và để được xem xét giảm án phạt.
Thời điểm này, chính quyền Italia đang thực hiện chiến dịch truy quét tội phạm có tổ chức thuộc gia tộc Amato-Pagano, một tổ chức tội phạm nằm trong mạng lưới băng đảng Camorra, tổ chức tội phạm cung cấp lượng lớn cocaine cho toàn khu vực Vịnh Napoli và trên thế giới. Thông tin về hai bức tranh đã được các nhà điều tra đặc biệt lưu ý.
Theo công tố viên Vincenza Marra, người nhận được bức thư trên, thông tin mà Imperiale cung cấp rất có ích. Trước đó, một trong những tên tội phạm đã bị cảnh sát Italia tóm gọn, Mario Cerrone, đã khai với các nhà chức trách rằng Raffaele Imperiale đã mua các bức tranh của Van Gogh bằng số tiền thu được từ các hoạt động bất hợp pháp của gia tộc Amato-Pagano và coi chúng như một khoản đầu tư có hời cho nhiều năm về sau.
Tháng 9-2016, cảnh sát Italia đã thực hiện một cuộc đột kích vào nhà mẹ của Imperiale, nằm ở thị trấn Castellammare di Stabia, gần Vịnh Napoli. Tại đây, cảnh sát đã tịch thu số tài sản lên tới 20 triệu USD, gồm nhiều bất động sản, trực thăng và du thuyền. Nổi bật trong số này chính là hai bức tranh của Van Gogh, ẩn giữa hai bức tường trong bếp căn nhà bị lục soát. Cả hai tác phẩm đều bị tháo ra khỏi khung, nhưng được bọc cẩn thận bằng vải.
Tại thời điểm này, trị giá của hai bức họa được ước tính lên đến gần 100 triệu USD. Đây là thành công đặc biệt và bất ngờ của một chiến dịch lớn chống lại tổ chức tội phạm buôn bán cocaine quốc tế Camorra, do Viện công tố Napoli và Cảnh sát Italia tiến hành.
Theo ông Arthur Brand, một nhà điều tra tội phạm nghệ thuật người Hà Lan, người đã độc lập tìm hiểu về vụ án, chỉ có 5% đến 10% các vụ trộm nghệ thuật từng được giải quyết. “Thường thì bọn tội phạm sẽ sử dụng những tác phẩm nghệ thuật vào mục đích rất nghệ thuật”- ông Brand nói và thêm rằng, các tác phẩm này có thể là một hình thức thanh toán cho các giao dịch trái phép, hoặc nếu tên tội phạm bị bắt, chúng có thể thực hiện một thỏa thuận để nhận án phạt nhẹ hơn trong trường hợp giúp tìm lại các tác phẩm bị đánh cắp”.
Trở lại với số phận của Imperiale. Tên tội phạm khét tiếng bị tòa án ở Napoli kết án 20 năm tù dù vẫn đang lẩn trốn tại một địa điểm bí mật ở Dubai. Hạ viện Italia hồi tháng 8/2018 đã quyết định thực thi Hiệp ước dẫn độ giữa Italia và Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) ký kết năm 2015. Các công tố viên Italy hiện chỉ còn chờ Thượng viện nước này phê chuẩn để tiến hành truy lùng những kẻ đào tẩu Italy đang trốn ở Dubai. Các nhà điều tra nghi ngờ rằng, Imperiale và nhiều tên khác có thể sắp sửa tháo chạy tới một quốc gia khác, có thể là châu Á.