Vụ “tranh chấp thừa kế” ở Phúc Thọ-Hà Nội: Vì sao nguyên đơn kháng cáo?

Việt An| 20/10/2022 09:18
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo kế hoạch, ngày 25/10/2022, TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án dân sự về việc “tranh chấp thừa kế” giữa nguyên đơn là bà Bùi Thị Luân (SN 1932) và bị đơn là ông Đặng Ngọc Sang (SN 1964) cùng trú tại xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội).

Theo nội dung vụ án, bà Luân khởi kiện ông Đặng Ngọc Sang (cháu ruột gọi bằng bác) về việc chia di sản thừa kế là thửa đất đất số 55 tờ bản đồ 5C diện tích 1512m2, trong đó có 720m2 đất ở và 792m2 đất vườn do bố mẹ bà để lại. Thửa đất này được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số A417441 ngày 24/12/1991 mang tên mẹ bà là cụ Bùi Thị Tôn.

Bà Luân trình bày, bố mẹ bà sinh được 3 người con, bà Luân là con gái thứ 2 trong gia đình. Do trước khi qua đời, bố mẹ bà Luân không để lại di chúc nên thửa đất trên xảy ra tranh chấp với ông Đặng Ngọc Sang là cháu ruột (con bà Bùi Thị Duyên, em gái bà Luân).

Nay bà yêu cầu chia di sản thừa kế của bố mẹ bà để lại theo quy định của pháp luật đối với thửa đất 55 tờ bản đồ số 5C diện tích 1512m2. Toàn bộ tài sản này hiện do vợ chồng ông Sang, bà Xuyến đang quản lý và sử dụng.

Trong khi đó, bị đơn là ông Đặng Ngọc Sang cho biết, mẹ ông là Bùi Thị Duyên, kết hôn với ông Đặng Hồng Xuân và có 5 người con.

Về nguồn gốc thửa đất tranh chấp với bà Luân, ông Sang cho biết các anh em ông được sinh ra và lớn lên tại thửa đất này cùng bố mẹ và bà ngoại là Bùi Thị Tôn (mẹ bà Luân).

Ông Sang không đồng ý chia tài sản thừa kế là 1.512m2 đất vì tài sản này cũng là tài sản của bố mẹ ông để lại. Trong đó, phần tài sản của cụ Bùi Thị Tôn, ông Sang cho biết cụ đã có giấy giao quyền thừa kế tài sản cho ông.

311976830_2422650801233982_8856921510520237636_n.jpg
TAND cấp cao tại Hà Nội đã có thông báo đưa vụ án ra xét xử vào ngày 25/10

Theo nhận định của Tòa án cấp sơ thẩm, về di sản thừa kế, các đương sự không có các chứng cứ bằng văn bản giấy tờ xác định nguồn gốc đất đai, tài sản đang tranh chấp có từ thời điểm nào, được định hình ra sao. Phía nguyên đơn là bà Bùi Thị Luân chỉ căn cứ theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp năm 1991 đứng tên cụ Bùi Thị Tôn để khẳng định thửa đất tranh chấp thuộc quyền sử dụng của cụ Bùi Thị Tôn.

Đối với “Giấy giao quyền sở hữu tài sản” của cụ Tôn ngày 3/4/1997 do phía bị đơn cung cấp, Tòa cấp sở thẩm xét thấy đây là một tờ giấy liền, mặt trước chỉ ghi nội dung ngày tháng năm và tên tuổi cụ Tôn và một số người làm chứng, còn nội dung quan trọng nhất là việc giao tài sản cho ông Đặng Ngọc Sang ở mặt sau, cùng mặt có chữ ký của người làm chứng. Toàn bộ các dòng chữ ghi trong giấy “giao quyền thừa kế của cụ Tôn không có sự tẩy xóa hoặc sửa chữa gì, mà là nguyên bản, thứ tự ký của những người làm chứng hợp lý, lô gic, không lộn xộn.

Tòa án cấp sơ thẩm xác định có căn cứ xác định việc cụ Tôn có giao cho ông Đặng Ngọc Sang tài sản của mình là phù hợp với pháp luật. Tương ứng với quy định của các Điều 655, 656, 657, 658, 659 Bộ luật Dân sự năm 1995.

Không đồng tình với bản án sơ thẩm, bà Bùi Thị Luân đã có đơn kháng cáo toàn bộ bản án. Luật sư Nguyễn Văn Hiến (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) - Công ty Luật TNHH Gia Võ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn cho rằng, bản án của TAND cấp sơ thẩm về việc Tranh chấp chia thừa kế chưa xem xét toàn diện, khách quan các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.

z3815128234949_26ca6ff1feed1a06b229fcfb94d388c2.jpg
Luật sư Nguyễn Văn Hiến

Cụ thể, đối với hiệu lực của văn bản “Giấy giao quyền thừa kế” do người có tên là Đặng Thị Lịch lập ngày 4/3/1997, luật sư Hiến cho biết, văn bản “Giấy giao quyền thừa kế” do người có tên là Đặng Thị Lịch lập ngày 4/3/1997. Mặc dù tiêu đề của văn bản là “Giấy giao quyền thừa kế”, tuy nhiên, nội dung của văn bản này lại thể hiện việc giao quyền sử dụng đất cho ông Đặng Ngọc Sang.

“Theo Điều 649 của Bộ luật Dân sự 1995 thì “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”. Tuy nhiên, nội dung của văn bản “Giấy giao quyền thừa kế” do người có tên là Đặng Thị Lịch lập lại thể hiện việc giao quyền sử dụng đất cho ông Đặng Ngọc Sang và trong văn bản này không nêu rõ thời điểm dịch chuyển quyền sử dụng đất sang cho ông Đặng Ngọc Sang. Bởi vậy, có căn cứ để nhận định rằng, văn bản “Giấy giao quyền thừa kế” do người có tên là Đặng Thị Lịch lập ngày 4/3/1997 không phải là di chúc”, luật sư Hiến nêu quan điểm.

Luật sư Hiến phân tích thêm, các tài liệu có trong vụ án thể hiện rằng, ngày 4/3/1997, cụ Lịch nhờ ông Phùng Văn Hợi lập văn bản giao thừa kế, tuy nhiên trong văn bản này không có chữ ký của ông Hợi, cũng không có xác nhận của ông Hợi về việc điểm chỉ của cụ Lịch tại thời điểm lập văn bản nêu trên. Ngoài ra, trong văn bản “Giấy giao quyền thừa kế” thể hiện ông Đặng Văn Dần là người làm chứng, tuy nhiên tại Biên bản lấy lời khai của đương sự ngày 24 tháng 01 năm 2017 của TAND huyện Phúc Thọ, ông Đặng Văn Dần khai: “Năm 1997, ông Đặng Hồng Xuân là bố đẻ của anh Đặng Ngọc Sang có mang tờ giấy đến nhà tôi và có trình bày về việc cụ Tôn bàn giao tài sản cho cháu Sang và nhờ tôi ký xác nhận vào giấy này. Do tôi nghĩ tình cảm anh em trong gia đình nên tôi ký vào giấy... tôi biết việc mình không tham gia chứng kiến việc cụ Tôn giao quyền thừa kế tài sản cho anh Sang mà tôi ký là không đúng” (BL75). Như vậy, có căn cứ để nhận định rằng, văn bản “giao quyền thừa kế” của cụ Lịch cũng không phù hợp với quy định tại Điều 659 BLDS 1995.

Liên quan đến đối tượng của “Giấy giao quyền thừa kế”, bị đơn cho rằng, cụ Đặng Thị Lịch chính là cụ Bùi Thị Tôn có quyền sử dụng 1.512m2 nên việc xác lập “Giấy giao quyền thừa kế” là có giá trị pháp lý. Tuy nhiên cần phải khẳng định rằng, cụ Bùi Thị Tôn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 55, tờ bản đồ 5c tại xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội vào ngày 24/12/1991. Đến ngày 3/4/1997 cụ Lịch mới lập “Giấy giao quyền thừa kế”.

Cũng theo luật sư Hiến, giả sử người tên Đặng Thị Lịch là cụ Đặng Thị Tôn thì trên giấy giao quyền thừa kế nêu trên phải thể hiện chi tiết thông tin, địa chỉ thửa đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất mà cụ Lịch giao cho ông Sang. Tuy nhiên, trong giấy Giao quyền thừa kế chỉ có thông tin về diện tích đất và mặt tiếp giáp mà không có thông tin về số thửa đất, địa chỉ thửa đất và thông tin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp. Như vậy, phần di sản của người tên Đặng Thị Lịch đã không được thể hiện một các rõ ràng.

Ngoài ra, UBND xã Vân Nam cũng xác nhận rằng, cụ Bùi Thị Tôn còn có các tên gọi khác là Đặng Thị Xuân (Tôn) và Bùi Thị Xuân và ở địa phương chưa bao giờ nghe ai gọi cụ Tôn có tên gọi là Đặng Thị Lịch. Như vậy, có căn cứ để nhận định rằng, “Giấy giao quyền thừa kế” do người có tên Đặng Thị Lịch lập không có giá trị pháp lý trong việc định đoạt di sản do cụ Bùi Thị Tôn để lại.

Từ những căn cứ nêu trên, luật sư Hiến cho rằng, việc Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào Điều 655, 656, 657, 658, 659 Bộ luật Dân sự năm 1995 để công nhận hiệu lực của Giấy giao quyền thừa kế do người có tên Đặng Thị Lịch lập là di chúc của cụ Bùi Thị Tôn để lại và có giá trị đối với phần di sản của cụ Tôn để từ đó chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, cụ thể phân chia di sản của cụ Bùi Văn Tôn; còn phần di sản của cụ Bùi Thị Tôn thì thực hiện theo Giấy giao quyền thừa kế do người có tên Đặng Thị Lịch lập ngày 4/3/1997 và xác định tài sản riêng của gia đình ông Đặng Xuân Hồng, bà Bùi Thị Duyên gồm 360m2 đất ở và 713m2 đất vườn và các tài sản nằm trên đất là không phù hợp với các tình tiết khách quan và các quy định của pháp luật.

Được biết, ngày 25/10, TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ đưa ra xét xử phúc thẩm vụ việc trên. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ “tranh chấp thừa kế” ở Phúc Thọ-Hà Nội: Vì sao nguyên đơn kháng cáo?