Nguyên nhân ban đầu vụ tai nạn khiến 13 người chết ở Lai Châu được lực lượng chức năng xác định do xe bồn chạy tộc độ cao và mất lái. Vậy, ai sẽ chịu trách nhiệm bồi cho những người gặp nạn?
Chiều 15/9, Ủy ban ATGT quốc gia ra công điện về khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Lai Châu.
Theo đó, lúc 9h30 cùng ngày, tại Km 57+561 trên quốc lộ 4D qua thị trấn Tam Đường (huyện Tam Đường), xe bồn biển 24C do chạy quá tốc độ quy định đã đâm vào xe khách 16 chỗ biển 25B di chuyển phía trước.
Cú va chạm làm 2 phương tiện rơi xuống suối sâu có nhiều đá tảng. Hậu quả làm 13 người chết (trong đó có tài xế xe khách), 3 nạn nhân bị thương nặng. Tổng cục đường bộ, thiết bị giám sát hành trình của xe bồn nói trên báo tốc độ xe lúc 9h10 là 109 km/h.
Hiện trường vụ tai nạn
Sau khi sự cố xảy ra, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân tử vong và động viên, thăm hỏi các nạn nhân bị thương.
Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Lai Châu khẩn trương hỗ trợ mọi mặt để khắc phục hậu quả vụ va chạm, giảm thiểu thiệt hại về người.
Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia đề nghị Công an tỉnh Lai Châu điều tra, làm rõ nguyên nhân tai nạn và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm trật tự an toàn giao thông, gây ra sự cố đặc biệt nghiêm trọng này.
Liên quan đến vụ tai nạn giao thông kinh hoàng nói trên, theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, xe bồn biển 24C nhãn hiệu Hino, sản xuất năm 2012 tại Trung Quốc. Chủ xe theo đăng ký là Công ty TNHH MTV vận tải Hoành Sơn (TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai). Phương tiện này kiểm định lần gần nhất ngày 4/5 và có hạn kiểm định đến 3/5/2019.
Còn xe khách biển số 25B nhãn hiệu Ford sản xuất năm 2015 tại Việt Nam. Chủ xe theo giấy đăng ký là Nguyễn Ngọc Hưng (ở thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường). Xe khách kiểm định lần cuối ngày 11/9 và có hạn kiểm định đến 10/3/2019.
Tính đến 12h cùng ngày, lực lượng chức năng mới xác định danh tính của 7 nạn nhân thiệt mạng gồm: Nguyễn Văn Hảo (sinh năm 1979, ở huyện Sìn Hồ - Lai Châu, lái xe khách), Vũ Văn Thổ (sinh năm 1948 ở Giao Thủy, Nam Định), Hoàng Thị Hếng (sinh năm 1994, ở huyện Tân Uyên, Lai Châu), Lê Ngọc Xuân Sơn (sinh năm 1961, ở Hà Nội), Nguyễn Thị Nguyên (ở huyện Than Uyên, Lai Châu), Lìn Thị Bức (ở huyện Tân Uyên, Lai Châu) và một người tên là Thích ở thành phố Lai Châu.
Danh tính 4 người bị thương gồm Trần Bình (SN 1983, Hoa Lư, Ninh Bình); Từ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội); Trần Thu Hường (Công ty Môi trường Đô thị huyện Mường Tè, cháu Nguyễn Thu Hà (SN 2012, TP Lai Châu).
Nhìn nhận về tính chất pháp lý liên quan đến vụ tai nạn, luật sư Nguyễn Anh Thơm (VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội) cho biết, vụ tai nạn thảm khốc giữa xe bồn biển 24C đi cùng chiều, chạy quá tốc độ đâm vào xe khách 16 chỗ biển 25B di chuyển phía trước gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 13 người tử vong và thiệt hại về tài sản.
Ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn, lực lượng CSGT đã phối hợp với các cơ quan chức năng có mặt ngay sau khi vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn để giải quyết ban đầu như: tổ chức cấp cứu người bị nạn, bảo vệ hiện trường, bảo vệ tài sản của người bị nạn, xác định người làm chứng, giải tỏa ùn tắc giao thông. Công tác khám nghiệm hiện trường, đo vẽ sơ đồ hiện trường vụ tai nạn, thu giữ thiết bị giám sát hành trình của xe bồn và các dấu vết lưu lại trên đường là những căn cứ để xác định lỗi của các bên xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo nhận định ban đầu của các cơ quan chức năng, nguyên nhân xảy ra tai nạn là do xe bồn chạy quá tốc độ đâm vào xe khách 16 chỗ đi cùng chiều phía trước.
Tuy nhiên, do lái bồn biển 24C đã tử vong, căn cứ Khoản 7, Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 “Căn cứ không khởi tố vụ án hình sự”, Cơ quan điều tra sẽ ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
Nói về trách nhiệm bồi thường, luật sư Thơm cho biết, trường hợp lái xe bồn là lái xe thuê thì chủ sở hữu xe xe bồn phải liên đới bồi thường trách nhiệm dân sự cho các gia đình nạn nhân theo quy định của Bộ luật dân sự 2015.
Cụ thể, căn cứ Điều 601 Bộ luật dân sự 2015. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra
1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.
Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.
2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
3. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:
a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
4. Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.
Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.