Vụ sát hại Đại sứ Nga: Kẻ chủ mưu giấu mặt quyết không cho Nga - Mỹ tan băng?

Nhật Minh| 22/12/2016 19:12
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Có hay không động cơ thực sự của một kẻ chủ mưu giấu mặt trong vụ sát hại Đại sứ Nga tại Ankara: Muốn làm tan băng quan hệ Nga - Mỹ dưới thời Tổng thống Trump?

Vụ sát hại Đại sứ Nga: Kẻ chủ mưu giấu mặt quyết không cho Nga - Mỹ tan băng?

Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Andrei Karlov phát biểu tại buổi triển lãm ảnh ở Ankara

Trung tâm nghệ thuật đương đại Cagdas Sanatlar Merkezi, quận Cankaya, Thủ đô Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 19 tháng 12 năm 2016.

Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Andrei Karlov, được mời tham dự và có bài phát biểu tại cuộc triển lãm ảnh - một sự kiện văn hóa nằm trong nỗ lực nhằm khôi phục quan hệ Moscow - Ankara sau sự cố bắn rơi máy bay Su-24 hồi tháng 11 năm ngoái. Trong khi Đại sứ đang phát biểu được vài phút thì bỗng một người đàn ông hét lớn “Aleppo” và “Allahu Akbar” (Thánh Allah toàn năng) rồi bắn khoảng 8 -9 phát đạn khiến ông tử vong tại chỗ.

Tay súng bị cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ hạ gục ngay sau đó. Thủ phạm được xác định là Mevlut Mert Altintas, 22 tuổi, từng là cảnh sát chống bạo động ở Ankara. Theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, Altintas mới bị sa thải do bị cáo buộc dính líu tới tổ chức khủng bố và vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7 vừa qua.

Ông Andrei Karlov sinh năm 1954 tại Moscow, đảm nhiệm vai trò Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ từ tháng 7/2013. Ông đã nhiều lần kêu gọi hạ nhiệt căng thẳng giữa Ankara và Moscow liên quan đến vai trò của Nga trong cuộc chiến ở Syria; đồng thời góp phần quan trọng trong việc hàn gắn quan hệ rạn nứt giữa hai nước sau vụ bắn rơi Su-24 hồi tháng 11/2015.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngay khi xác nhận được hung tin đã lên án vụ tấn công và cho biết, Moscow coi đó là một “hành động khủng bố”.  Bà gọi ngày Đại sứ Karlov bị sát hại là “ngày bi thảm trong lịch sử Liên bang Nga”, theo RIA Novosti.

Về phía Tổng thống Nga Vladimir Putin, tuyên bố ngay sau khi vụ việc xảy ra, ông cho rằng, đây là “một vụ tấn công khủng bố”. Ông cũng tuyên bố sẽ lập tức tăng cường các hoạt động chống khủng bố trên toàn cầu; đồng thời cho biết Ủy ban Điều tra Nga đã mở cuộc điều tra hình sự về vụ ám sát và sẽ hợp tác với các điều tra viên Thổ Nhĩ Kỳ để làm rõ vụ việc.

Trong một tuyên bố mới đây, Liên minh vũ trang Syria Jaish al-Fath đã nhận trách nhiệm gây ra vụ sát hại Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrei Karlov. Còn Mert Mevlut Altintas - kẻ được xác định là thủ phạm bắn chết ông Karlov - là thành viên của tổ chức khủng bố này.

Vụ sát hại Đại sứ Nga: Kẻ chủ mưu giấu mặt quyết không cho Nga - Mỹ tan băng?

Tay súng bắn hạ Đại sứ Nga tại Ankara là thành viên của tổ chức nào? FETO hay Jaish al-Fath

Còn Tổng thống và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đều cho rằng, chính FETO - mạng lưới của giáo sĩ lưu vong Fethullah Gulen (người từng bị cáo buộc chủ mưu nỗ lực đảo chính quân sự bất thành ở Istanbul hồi tháng 7) “đứng sau” vụ tấn công kinh hoàng này; rằng Altintas là thành viên của FETO chứ không phải Jaish al-Fath như tổ chức khủng bố này đã lên tiếng thừa nhận.

Vậy nhưng trước đó, chính giáo sĩ Gulen đã lên án hành động của hung thủ bắn Đại sứ Nga. Cũng như giới chức cầm quyền Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, ông gọi vụ sát hại này là “hành động khủng bố”. Và do vậy, một số ý kiến nghi ngờ, liệu có không bàn tay của tình báo Mỹ và phương Tây muốn mượn gió bẻ măng với mục đích “phá tan” toàn bộ nỗ lực của hai nhà lãnh đạo Nga - Thổ Nhĩ Kỳ nhằm khôi phục quan hệ hai nước sau vụ bắn rơi Su-24? Và cũng như quan điểm của một số nhà phân tích, việc tạo ra “scandal” sát hại Đại sứ Karlov sẽ không thể khiến Tổng thống Nga - Thổ “buông tay nhau ra”, mà trái lại còn khiến hai ông càng… bắt tay nhau chặt hơn nữa (nhưng dĩ nhiên là ông Erdogan ở thế yếu hơn)!

Cũng thật ngẫu nhiên, vụ ám sát Đại sứ Nga tại Ankara xảy ra trong bối cảnh bài toán hòa bình cho Syria đang dần có lời giải, và chỉ vài ngày sau khi nổ ra các cuộc biểu tình ở Thổ Nhĩ Kỳ về vai trò của Nga trong cuộc xung đột Syria. Rõ ràng là, như lời nhận định của Tổng thống Putin, kẻ ám sát muốn “khiêu khích” Nga, phá hủy tiến trình hòa bình Syria - nỗ lực không chỉ ông chủ Điện Kremlin mà ngay cả chủ nhân Nhà Trắng sắp mãn nhiệm đều cố gắng hoàn tất.

Trong khi đó, quan hệ Nga - Mỹ được dự báo sẽ ấm lên khi mà thời đại của tân Tổng thống Donald Trump sắp đến (bởi chỉ còn một tháng nữa sẽ diễn ra lễ nhậm chức của Ngài Trump. Bàn tay nào (hay nói cách khác, kẻ chủ mưu thực sự) đứng sau vụ tấn công này là ai, cho đến nay, vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp. Nhưng trong diễn biến mới đây, khi Điện Kremin thông báo: Hầu như tất cả các kênh liên lạc với Mỹ bị “đóng băng” thì các nhà phân tích có vẻ như dần chắc chắn với giả thiết cho rằng, động cơ chính của “kẻ chủ mưu”: Làm tan băng quan hệ Nga - Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ sát hại Đại sứ Nga: Kẻ chủ mưu giấu mặt quyết không cho Nga - Mỹ tan băng?